Ấn tượng “máy tảo” lọc khí trong nhà của 5 chàng SV Bách khoa

(Dân trí) - Nồng độ khí CO2 cao tích tụ cao trong nhà, văn phòng (kín) khiến không ít cư dân thành phố cảm thấy mệt mỏi, đau đầu. Các sinh viên đến từ trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã giải bài toán không khí sạch trong nhà bằng một nghiên cứu khoa học về thiết bị hệ thống tảo vừa giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà hiệu quả, vừa có tính thẩm mỹ.

Phạm Văn Hoàng, Lê Văn Dương, Nguyễn Tân Lập, Phan Anh Sơn, Lê Minh Quyền đều là sinh viên thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Với dự án thiết kế hệ thống tảo lọc khí trong nhà, nhóm đã xuất sắc giành giải Nhất tại Hội nghị Tổng kết hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) do trường ĐH Bách khoa tổ chức mới đây.

Nguyễn Tân Lập (sinh viên khoa Kỹ thuật công nghệ môi trường) thành viên trong nhóm cho hay, sản phẩm của nhóm sau khi đưa vào cuộc sống sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà bằng việc giảm lượng cacbonic (CO2), tăng lượng oxy (O2). Tảo trong hệ thống sẽ lớn dần, cứ hai tuần lại thu hoạch một lần.

Ấn tượng “máy tảo” lọc khí trong nhà của 5 chàng SV Bách khoa - 1
5 chàng sinh viên Bách Khoa cùng cô giáo hướng dẫn bên sản phẩm hệ thống tảo lọc tạo khí sạch trong nhà của nhóm.

Hệ thống tạo nguồn sinh khối tảo sạch, có giá trị cao về dinh dưỡng; giúp trang trí phòng, tạo thêm khoảng không gian xanh giúp thư giãn tinh thần.

Hiện nay, ngay cả trong nhà, chất lượng không khí có nhiều chất gây ô nhiễm mà chúng ta hít vào cũng không được đảm bảo. Trong đó, thường gặp nhất là tình trạng hàm lượng khí ϹO2 thừa vượt mức cho phép. Để cải thiện chất lượng không khí, nhiều gia đình thường đặt thêm các loại cây xanh trong không gian sống. Tuy nhiên, điều này chưa thực sự hiệu quả bởi với số lượng cây xanh ít ỏi, lượng khí CO2 được hấp thụ và O2 sản xuất ra sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu của con người.

Sinh viên Nguyễn Tân Lập - đại diện nhóm chia sẻ về nguyên lý của hệ thống tảo lọc khí.

Một cách nữa là mở cửa để đưa không khí thoáng từ bên ngoài vào. Nhưng làm sao khi nhiệt độ ở bên ngoài quá cao hoặc quá thấp, không khí bên ngoài kéo theo các chất gây ô nhiễm khác?

Với sự hướng dẫn của PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên, một nhà nghiên cứu đầu ngành về tảo, các nam sinh viên đã đưa ra giải pháp xanh để cải thiện chất lượng không khí một cách tối ưu là sử dụng cây tảo.

Ấn tượng “máy tảo” lọc khí trong nhà của 5 chàng SV Bách khoa - 2
Hệ thống lọc khí bằng tảo nhận được nhiều sự quan tâm tại triển lãm tháng nghiên cứu khoa học của ĐH Bách Khoa.

“Hệ thống cây tảo có thể giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà một cách hiệu quả. Cây tảo mà nhóm sử dụng có tên Spirulina. Loại tảo này cho năng suất lọc khí tương đương gấp nhiều lần cây xanh.

Hệ thống ứng dụng nguyên lý bơm dâng trong việc nuôi trồng tảo giúp cải thiện chất lượng không khí. Chỉ cần cắm điện, đặt vào góc phòng là sẽ có một bầu không khí trong lành. Cứ 2 tuần, người dùng thiết bị lại thu hoạch sinh khối tảo, tảo Spirulina có giá trị cao về kinh tế và dinh dưỡng. Khi khách hàng mua hệ thống lọc khí đến lúc thu hoạch tảo có thể đưa lại cho nhóm em để được cung cấp miễn phí dung dịch tảo và tảo giống”, Lập chia sẻ.

Hệ thống hiện tại mà nhóm đang thiết kế phù hợp đặt trong căn phòng khoảng 25m2. Tảo trong quá trình quang hợp sẽ hấp thụ khí CO2 và tạo ra một lượng khí oxy.

Lập cho biết, tùy mục đích và nhu cầu của người sử dụng, hệ thống có thể được thiết kế phù hợp và mang tính thẩm mĩ hơn. Tổng chi phí để hoàn thiện một sản phẩm như vậy khoảng 12 triệu đồng.

Sản phẩm của nhóm đã được trao giải nhất trong Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường.

“Trong tương lai, nhóm sẽ tiếp tục cải thiện sản phẩm theo hướng tích hợp công nghệ IoT cùng “cây tảo” để theo dõi chất lượng không khí trong phòng tự động và kiểm soát sự phát triển của cây tảo qua điện thoại thông minh mang đến sự tiện lợi cho người sử dụng. Nhóm mong muốn có thể nhân rộng sản phẩm tới các gia đình và các văn phòng”, em Phạm Văn Hoàng cho hay.

PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên - người hướng dẫn đề tài chia sẻ: “Tảo có rất nhiều công dụng khác nhau vì phổ biến, gần gũi, thân thiện với môi trường. Chỉ bằng công cụ rất đơn giản như cái thùng cái xô, chúng ta có thể tạo nên máy sản sinh O2 và hấp thụ CO2. Về chuyên ngành Công nghệ Môi trường, chúng tôi sẽ hướng sinh viên theo lĩnh vực xử lý môi trường ở hai hướng nước thải và không khí.

PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên - người hướng dẫn đề tài nhấn mạnh, sản phẩm có tính ứng dụng cao, thân thiện với môi trường.

Thiết bị nuôi tảo lọc khí này các em sinh viên thiết kế hệ thống gọn đẹp và có công suất xử lý không khí cao nhất. Nhìn đơn giản với mấy cái ống nhưng làm sao cái ống sục khí luân chuyển nước được mà không có máy bơm chính là bài toán sáng tạo của sinh viên.

Tảo lục phổ biến ở các sông hồ Việt Nam cho nên dễ sống, dễ bảo quản. Nếu trong trường hợp vừa sử dụng sinh khối này vừa thu tảo dinh dưỡng có thể sử dụng cải loại tảo Spirulina. Hệ thống giúp ích rất nhiều các hệ thống văn phòng, nhà ở”.

Ấn tượng “máy tảo” lọc khí trong nhà của 5 chàng SV Bách khoa - 3

PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên (trái) - người hướng dẫn đề tài nghiên cứu khoa học của nhóm.

Cô Thái Yên nhấn mạnh, sinh viên làm nghiên cứu, đầu tiên phải ham mê thì mới phát triển khả năng sáng tạo.

“Sinh viên nói chung rất ham mê nghiên cứu và muốn tìm tòi sáng tạo, vai trò của người thầy nhà trường là khơi gợi mãnh liệt ý tưởng. Quan trọng là tạo cho các em môi trường, có sự nâng đỡ, tạo điều kiện cho các em chắp cánh đam mê của mình.

Toàn bộ hệ thống này do nhóm tự đầu tư hiện thực ý tưởng không có sự hỗ trợ tài chính nào. Tôi đánh giá cao tinh thần đam mê của các em và tính thiết thực của sản phẩm”, PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên chia sẻ.

Lệ Thu