Áp lực sĩ số tại Hà Nội: “Đau đầu” tìm phương án giải quyết

(Dân trí) - “Vấn đề áp lực sĩ số ở Hà Nội không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Đấy là câu chuyện dài về đầu tư, về quỹ đất và cả về giáo viên nữa”, trên đây là nhận định của một số thầy cô giáo trước tình trạng nhiều lớp học có sĩ số trên 60 học sinh do quá tải.

Thêm lớp, học luân phiên vì thiếu quỹ đất

Chia sẻ với PV Dân trí về tình trạng áp lực sĩ số của Hà Nội hiện nay, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho biết, giải quyết áp lực sĩ số và vấn đề học sinh (HS) đông vẫn là câu chuyện dài dài, không thể xử lý trong ngày một ngày hai.

Năm nay, Trường tiểu học Chu Văn An của quận Tây Hồ đã nhận 520 HS theo đúng chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, vẫn còn 100 HS có nhu cầu vào trường nhưng chưa có chỗ học.

Để giảm tải cho Trường Tiểu học Chu Văn An, theo ông Vũ, quận này phải tăng thêm 2 lớp để 100 HS nộp hồ này sang hai trường tiểu học bên cạnh là Tiểu học Xuân La và Tiểu học Đông Thái nhằm giảm tải cho Trường tiểu học Chu Văn An, nếu không sức ép sẽ rất kinh khủng.

Tại Phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, hiện tại toàn phường có 78 chung cư, trong đó có những tòa lên tới gần 1.000 hộ dân sinh sống. Số lượng trẻ em đến độ tuổi đi học có thể sẽ tiếp tục tăng lên khi một số chung cư sắp hoàn thiện và đi vào sử dụng.

Trong khi đó, cả phường chỉ có 2 trường là trường Tiểu học Hoàng Liệt và trường Tiểu học Chu Văn An. Để giải quyết bài toán trên, trường phải cho HS nghỉ học luân phiên do nhà trường không đủ phòng học. Quận này đang có kế hoạch giai đoạn 2018- 2020 sẽ xây dựng thêm hàng chục trường học ở các cấp và tăng chỉ tiêu trên cơ sở vẫn đảm bảo số mét vuông trên mỗi cháu.

Nhiều trường học quá tải sĩ số do áp lực di dân và đô thị hóa (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).
Nhiều trường học quá tải sĩ số do áp lực di dân và đô thị hóa (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).

Còn tại quận Hà Đông, trao đổi với PV Dân trí, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận cho hay, số lượng HS năm nay của quận cũng tăng cao. Tuy nhiên, năm nay quận Hà Đông thành lập 7 trường mới, cấp THCS đáp ứng tốt cho 3 năm nữa để đảm bảo nhu cầu học tập của con em trên địa bàn quận.

Mặc dù vậy, trên địa bàn vẫn còn Trường tiểu học Nguyễn Du có áp lực nhất định vì số dân cư và HS quá cao.

“Hiện nay, chúng tôi rất muốn xây thêm trường mới để giảm tải cho trường này nhưng khu vực Văn Quán của quận Hà Đông không còn quỹ đất. Ngoài Trường tiểu học Nguyễn Du, chỉ còn 2 trường tư thục để giảm tải gồm Hệ thống Trường Victory và Ban Mai nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện học tư thục. Do vậy, chúng tôi đang lấy ý kiến của phụ huynh để trường học luân phiên”, bà Hằng cho hay.

Có thể biên chế thêm giáo viên?

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 cấp tiểu học thành phố Hà Nội vừa qua, bà Hoàng Thị Minh Hương, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Nội) cũng thừa nhận, một trong những vấn đề còn tồn tại của năm học 2017-2018 ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố là quy mô trường, lớp quá đông.

Toàn thành phố có gần 680.000 HS, theo học tại 745 trường tiểu học, tăng khoảng 38.000 HS so với năm học 2016-2017. Tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày đạt 96,3%. Sĩ số trung bình một lớp ở các nhà trường đạt 40 HS, tuy nhiên một số trường có sĩ số lên đến 60 HS/lớp.

Để giải quyết tình trạng quá tải và chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã tập trung tham mưu chính quyền địa phương có kế hoạch đầu tư mở rộng mạng lưới trường, lớp học và tăng cường mua sắm trang thiết bị dạy học.

Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các địa phương tăng cường quỹ đất, đầu tư xây dựng thêm phòng học để giảm sĩ số. (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).
Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các địa phương tăng cường quỹ đất, đầu tư xây dựng thêm phòng học để giảm sĩ số. (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các địa phương, nhất là với các quận, khu đô thị và các khu chung cư trong việc tăng cường quỹ đất, đầu tư xây dựng thêm phòng học để giảm sĩ số HS mỗi lớp, bảo đảm không quá 45 HS một lớp.

Góp ý với PV Dân trí về việc trước mắt làm sao đối phó với tình trạng áp lực sĩ số ở Hà Nội hiện nay, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ phân tích: “Hà Nội vừa rồi bỏ ra 1.900 tỉ, xây dựng được khoảng 2. 200 phòng học, đáp ứng nhu cầu của 11.000 HS, tức chỉ đáp ứng được nhu cầu của 1/3 số HS vào năm nay. Với số dân đô thị hóa như hiện tại, quỹ đất nhiều khu vực thiếu thốn, sẽ không bao giờ đáp ứng được hết”.

Do đó theo ý kiến riêng của ông Vũ, cấp tiểu học rất áp lực, vậy tại sao không bỏ chi phí để biên chế thêm một giáo viên/lớp? Như vậy, mỗi lớp sẽ có một giáo viên trợ giảng, một giáo viên chính.

“Điều này vừa giải quyết công ăn việc làm cho giáo viên, một cô giảng chính còn một cô trợ giảng sẽ làm việc với các nhóm HS nhỏ, rất tiện lợi cho việc dạy/học”, ông Vũ đề xuất.

Tuy nhiên, theo ông Vũ, điều khó khăn mà các trường sẽ không thực hiện cách thức này đó là sẽ động chạm đến quyền lợi chính đáng của từng giáo viên: “Chẳng hạn một HS học 2 buổi/ngày, đóng 100.000 đồng/buổi. Nếu lớp có 70 HS sẽ được 7 triệu đồng nhưng nếu chia đôi giáo viên sẽ chỉ được 3.500.000 đồng/cô. Đấy là quyền lợi kinh tế nhưng tôi nghĩ các trường nên đặt quyền lợi của HS làm quan trọng nhất”.

Mỹ Hà