Bài học từ mẹ và cô giáo

(Dân trí) - Thấy các bé không ăn, cô giáo đi sang phòng bên cạnh và cô quay vào với một bơm tiêm bằng nhựa rất to trên tay. Cô vừa bước vào mặt các cháu đã tái mép, lập tức cúi xuống bát cháo cố nuốt từng thìa.

Cô giáo hay sát thủ “bơm tiêm”?

“Không, đừng tiêm con, con sợ lắm!”, chị Hiền giữ chặt lấy cánh tay con gái 4 tuổi để cô y sĩ tiêm mà không khỏi ngỡ ngàng, lo lắng. Bé Lê - con gái chị trước đây rất thích uống thuốc và không hề sợ tiêm một chút nào.

Nhiều phụ huynh có con học nhà trẻ cùng bé Lê con chị Hiền cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, không hiểu sao các cháu cứ thấy kim tiêm là phát khiếp khi mà trước đó, nhiều bé không “sợ” kim tiêm đến mức phát hoảng như thế. Chị Hiền hiểu ra mọi chuyện khi chị chứng kiến bài học “chiếc bơm tiêm” của cô giáo dành cho các bé.

Hôm đó, vợ chồng chị đưa cháu về quê thăm ông bà nội nên chị đến trường đón con sớm hơn. Chị đến đúng lúc các cháu đang chuẩn bị ăn cháo giữa buổi. Tiện thể, chị xin phép cô giáo được ngồi đút cháo cho con gái. Nhiều bé ngồi ở bàn, nhìn bát cháo các cô bê ra, không có cảm giác muốn ăn một tẹo nào, có bé nhỏ hơn đã bắt đầu khóc.

Thấy các bé không ăn, cô giáo đi sang phòng bên cạnh và cô quay vào với một bơm tiêm bằng nhựa rất to trên tay. Cô vừa bước vào mặt các cháu đã tái mép, lập tức cúi xuống bát cháo cố nuốt từng thìa. Chị Hiền sửng sốt khi nghe cô giáo nói với các bé: “Em nào không chịu ăn là cô tiêm. Tiêm vào rồi chỉ có chết”, rồi cô giáo quay sang chị Hiền vô tư: “Bọn trẻ này, cứ doạ đến phát khiếp là sẽ ngoan”.

Giờ chị Hiền mới vỡ lẽ vì sao cô con gái dũng cảm của chị lại hoảng hốt khi chi đưa đi tiêm như thế.

 

“Của người khác, cầm nhầm là của mình”

Bước vào lớp 3, tự nhiên bé Hồng - một học sinh trường tiểu học T.H (Hà Nội) xuất hiện tính “cầm đồ” của bạn từ cái kẹo đến đến chiếc bút, chiếc mũ… Không ai biết rằng, bé Hồng bắt chước mẹ mình.

Đầu năm học, mẹ đưa bé đi mua sắm quần áo mới ngoài chợ. Mẹ mua cho bé rất nhiều thứ: mũ, dép, áo… Về nhà, bé kéo đồ đạc trong túi mẹ ra để định đi khoe với bố thì thấy mình có hai chiếc áo y chang nhau. Hồng nhớ, cô bán hàng đưa cho mẹ mấy chiếc để Hồng thử chắc là mẹ cầm nhầm, nên Hồng nói ngay với mẹ: “Mẹ ơi, có hai chiếc áo giống nhau của con này, mình cầm nhầm của người ta một chiếc rồi”.

Mẹ bé trả lời: “Không đâu, của mẹ mua cả đấy”. Bé Hồng vẫn không chịu: “Không phải đâu, cô bán hàng đưa cho mẹ xem mấy chiếc nên mẹ cầm lẫn của người ta, mình chỉ mua một chiếc thôi mà. Mình mang ra trả cho người ta mẹ đi”. Nghe con nói thế, mẹ bé Hồng dí tay vào trán con gái, quát lớn: “Lên lớp 3 rồi mà sao mày ngu thế hả con? Trả, có mà trả cho mày ý. Của người khác, mình cầm là thành của mình”.

Sau sự việc “hai chiếc áo” của mẹ, bé Hồng có thêm được bài học “của người khác, mình cầm là thành của mình”. Khi cầm thêm một chiếc áo, chắc mẹ bé Hồng không hề nghĩ mình đang “bày” cho con “cầm nhầm” nhưng sau lần đó thấy bạn bè có cái gì, Hồng cũng… cầm. Và khi cô giáo nhắc nhở, Hồng vẫn không một chút sợ hãi mà vô tư trả lời: “Mẹ cháu bảo thế”.

Có những hành động, việc làm của người lớn nhiều khi tưởng như rất vô hại nhưng thực tế lại là những hành động rất phản giáo dục, ảnh hưởng đến con nhỏ rất nhiều.

Hoài Nam