"Bài tập toán trong sách giáo khoa có mẹo vặt quá nhiều"

(Dân trí) - Giáo sư Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho rằng bài tập toán trong sách giáo khoa (SGK) của ta có mẹo vặt quá nhiều. Với cách học như hiện nay, học sinh chỉ biết về mẹo để giải toán nhanh chứ không hiểu sâu bản chất của toán để ứng dụng trong cuộc sống.

Đó là những chia sẻ của GS Hà Huy Khoái trong buổi tọa đàm “Học Toán để làm gì?” nằm trong khuôn khổ Ngày hội Toán học mở được tổ chức ngày 9/12 tại TPHCM, nhiều chuyên gia, nhà toán học có nhận xét thẳng thắn về việc dạy và học môn này.

Thầy giáo dạy toán Lâm Hữu Phước băn khoăn chương trình toán hiện nay có quá lạc hậu không?
Thầy giáo dạy toán Lâm Hữu Phước băn khoăn chương trình toán hiện nay có quá lạc hậu không?

Theo các diễn giả, những người yêu thích Toán học thường không bao giờ nghĩ đến việc trả lời câu hỏi “Học Toán để làm gì”, bởi vì đối với họ, đến với Toán học là việc hiển nhiên, là một nhu cầu chứ không phải là công cụ.

Từ thực tế dạy học, thầy Lâm Hữu Phước, giáo viên môn Toán Trường THPT Lương Thế Vinh bày tỏ “Nhiều học sinh chơi game, rubik rất giỏi nhưng giải toán trong sách giáo khoa không tốt. Tôi thử cho các em làm những bài toán ứng dụng lập tức thể hiện rất tốt. Phải chăng chương trình toán của chúng ta quá lạc hậu, không theo kịp cách tiếp cận của học sinh hiện nay?"

Chia sẻ ngay ý kiến này, Giáo sư Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam hiện đang đảm nhiệm Tổng chủ biên một bộ sách giáo khoa trong chương trình Giáo dục phổ thông mới, cho rằng nhiều ý kiến nói chương trình trong SGK toán của Việt Nam quá nặng so với thế giới.

Thực tế khi so với SGK toán nhiều nước chương trình của ta thua họ. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ bài tập toán của ta quá nặng, mẹo vặt quá nhiều. Với cách học như hiện nay, học sinh chỉ biết về mẹo để giải toán nhanh chứ không hiểu sâu bản chất của toán để ứng dụng trong cuộc sống.

Giáo sư Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam chia sẻ ý kiến
Giáo sư Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam chia sẻ ý kiến

“Tôi chủ trì biên soạn sách giáo khoa toán từ lớp 1-12, nhiều thầy cứ đưa những bài toán, mẹo vặt vào. Thầy tâm đắc khen hay nhưng tôi thấy nặng cho người học, ngăn lại thì các thầy giận rời khỏi tổ biên soạn”, GS Hà Huy Khoái tiết lộ.

GS Khoái mong muốn sẽ có nhiều phương pháp học toán tiếp cận dễ dàng hơn khiến học sinh ham thích học toán hơn. Trong bộ sách mới, ông hướng đến viết sách đơn giản, chứa những nội dung chính yếu, cơ bản.

Thầy Nguyễn Khắc Minh nói, phó tổng biên tập Tạp chí toán học Pi cũng cho nhìn nhận thực tế toán len lỏi vào thực tế đời sống, thiết thực với mọi người. Điều quan trọng là phải thay đổi cách dạy, học và đánh giá.

Theo ông Minh, lý do khiến nhiều học sinh ngán học toán bởi việc học hiện nay chỉ để thi, giải bài tập bằng mẹo mực. Sau mỗi kỳ thi với lượng kiến thức khổng lồ, ai cũng thấy sợ môn toán chứ không còn ham thích.

"Một người bạn làm thẩm phán đã hỏi thầy tôi rằng, học luật thì có cần giỏi toán hay không? Thầy tôi hỏi lại có phải ngày trước suốt ngày các em phải làm vài bài tập chứng minh cặp tam giác bằng nhau đúng không? Việc làm ấy để các em hiểu rằng, trước khi kết luận bất cứ vấn đề phải hiểu rõ bản chất, phải đủ chứng cứ", ông Minh kể lại một câu chuyện thực tế.

Nhiều chuyên gia, nhà toán học có nhận xét thẳng thắn về việc dạy và học môn toán để giúp học sinh yêu thích môn này hơn
Nhiều chuyên gia, nhà toán học có nhận xét thẳng thắn về việc dạy và học môn toán để giúp học sinh yêu thích môn này hơn

Ông Minh kiến nghị thay vì dạy toán cho người làm toán, hãy chuyển sang dạy cho người dùng môn học này. Học toán phải tự nhiên trở thành một nhu cầu của con người trong xã hội.

Cũng tại tọa đàm, Giáo sư Hồ Tú Bảo, Giám đốc Viện John Von Neuman – Đại học Quốc gia TPHCM chia sẻ, ông không “dị ứng” khi có người hỏi học toán để làm gì? Bởi theo ông, chung quy việc học là để phục vụ đời sống, công việc. Nhân lực về khoa học dữ liệu được đào tạo ở Việt Nam còn hạn chế nhưng ở các nước rất tiềm năng. Hàn Quốc có chiến lược 5 năm tới có 5.000 người được đào tạo về lĩnh vực này. 18 quốc gia khác cũng công bố kế hoạch sử dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo để phát triển.

Ở nước ta, số người thực sự có tài năng học toán không nhiều nhưng vấn đề chúng ta phải làm sao cho số đông dùng được toán trong cuộc sống như người nông dân dùng được cái cày, cái bừa. Nhưng muốn vậy, công cụ của toán học phải dễ dàng hơn, quan trọng là dạy để hiểu được nghĩa và hiểu được các công cụ của toán học.

Chúng ta lâu nay vẫn dạy toán cho người làm toán mà đúng ra cần dạy toán cho người dùng toán. Muốn vậy, giáo dục phổ thông cần dạy toán đơn giản hơn, kết hợp với thực tế. Khi đó thì dù trẻ có năng khiếu hay không về toán học cũng không cảm thấy sợ toán", GS Hồ Tú Bảo đề nghị.

Lê Phương