Bạo lực học đường: Người lớn hãy nhìn lại mình!

(Dân trí) - Khi có sự việc trò đánh thầy - đó là một việc rất đáng buồn về "tôn sư trọng đạo" - nhưng trước khi lên án các em, chính người lớn chúng ta phải đặt câu hỏi: Chúng ta đã đối xử công bằng với các em chưa?

Đó là vấn đề được bà Nguyễn Thị Cúc, Phó phòng GD-ĐT quận 2, TPHCM đặt ra tại hội thảo triển khai Nghị định số 80/2017/NĐ-CP và Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT khu vực phía Nam do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 10/10.

Bà Cúc cho rằng, trong vấn đề bạo lực học đường luôn gây nhức nhối dư luận thì điều cần phải làm nhất là người lớn hãy nhìn lại chính mình, ở đây chính là phụ huynh, giáo viên. Học trò bây giờ, trước khi đến trường thì từ nhỏ các em đã quen với bạo lực ngay trong gia đình. Khi đến lớp, chính giáo viên cũng phải biết điều tiết, biết kiềm chế không sử dụng bạo lực với học trò, để các em cảm nhận, quen với cách ứng xử nhã nhặn, tích cực.

Bà Nguyễn Thị Cúc:Trước khi lên án học trò, người lớn hãy tự nhìn lại mình
Bà Nguyễn Thị Cúc:"Trước khi lên án học trò, người lớn hãy tự nhìn lại mình"

"Có những sự việc học trò đánh thầy - rất đáng buồn - nhưng trước khi tránh, lên án học trò, người lớn chúng ta hãy tự đặt câu hỏi mình đã làm cho các em khâm phục chưa, đã đối xử công bằng, tôn trọng các em chưa?", bà Cúc nói.

Theo bà Cúc, chỉ có tình cảm, tình thương của người lớn, bố mẹ và thầy cô giúp các em có những ứng xử phù hợp. Còn nói về bạo lực học đường, bà Cúc cho rằng, trường nào cũng có, rất khó để tránh nhưng phải làm sao để các em có tính thiện trong người, không có những hành vi hành hạ, gây nguy hiểm cho bạn bè.

Đồng tình với ý kiến này, ông Phạm Anh Dũng, Trưởng phòng Công tác Chính trị tư tưởng pháp chế, Sở GD-ĐT Bình Dương cho rằng, chúng ta cần tiếp cận vấn đề phòng chống bạo lực học đường theo cách khác. Còn hiện tại phần lớn, ta đang phòng chống theo cách khá cứng là chỉ mới nhằm ngăn chặn các sự việc xảy ra.

Giáo dục đạo đức cần được triển khai một cách cách nghiêm túc và hiệu quả chứ không phải làm cũng được, không làm cũng được.

Theo ông Dũng, các em ở tuổi học sinh năng lượng rất nhiều nhưng chưa được giải phóng tối đa. Thời lượng để các hoạt động trong trường học hiện chưa nhiều, chưa chất lượng. Ngành Giáo dục cần có những hướng dẫn bắt buộc với các hoạt động này cho các trường.

Theo ông Phạm Anh Dũng, học trò đang thiếu các hoạt động để giải tỏa năng lượng và phát triển về mặt cảm xúc
Theo ông Phạm Anh Dũng, học trò đang thiếu các hoạt động để giải tỏa năng lượng và phát triển về mặt cảm xúc

"Tham gia nhiều các hoạt động, tạo thành những thói quen tốt, sẽ hình thành trong các em bản tính hướng thiện. Khi tham gia nhiều hoạt động lành mạnh, các em sẽ có lời nói, ứng xử đẹp hơn.... Từ đó, chúng ta dần sẽ có những thế hệ tốt hơn chứ khoan đã kỳ vòng là giải quyết được vấn đề ngay", ông Dũng nói.

Bà Nguyễn Thị Cúc cũng nói thêm, học kiến thức có thể học cả đời, chưa học kịp bây giờ thì về già học tiếp. Nhưng đạo đức, bản tính của con người thì phải được giáo dục, uốn nắn từ nhỏ nên ngành giáo dục cần chú ý đến điều này.

Ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho biết, năm học qua, theo báo cáo của ngành giáo dục cả nước xảy ra vài trăm vụ bạo lực học đường, mỗi tỉnh, thành xảy ra khoảng 2-3 vụ. Tuy nhiên, khi ngành công an vào cuộc, số liệu tổng hợp lại chênh nhau khá lớn - với hơn 2.000 vụ, trong đó hơn 53% số vụ bạo lực xảy ra trong môi trường học đường. Bộ GD-ĐT đề nghị các trường, các Sở GD-ĐT chủ động hơn trong việc nắm tình hình, dữ liệu về bạo lực học đường.

Từ năm 2011 đến nay, tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, xuất hiện thêm nhiều vụ việc phức tạp.Trước thực tế đó, sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn sâu sát hơn công tác thực hiện tại các đơn vị. Trước mắt, sẽ tiến hành khảo sát thực tế ở nhiều tỉnh, thành, phân chia đối tượng học sinh thành hai nhóm gồm: nhóm có nguy cơ gây ra bạo lực và nhóm bị bạo lực để có giải pháp căn cơ hơn, hoàn thiện các văn bản chỉ đạo.

Hoài Nam