“Bệnh” ảo tưởng về con

(Dân trí) - Con thiếu điểm vào ngôi trường có tiếng, bà mẹ tìm đến gặp lãnh đạo Sở đề nghị phải linh hoạt, đặc cách cho con mình. Bà lo lắng vì nếu cháu không được nhận vào trường chuyên thì “chúng ta đang mất đi Ngô Bảo Châu thứ 2”.

“Con tôi là… số 1”

Một lãnh đạo trong ngành giáo dục TPHCM kể rằng, khi điểm thi của con không được như mong muốn, không ít phụ huynh làm đủ cách để mong “xoay đổi tình hình”. Không chỉ là việc phúc khảo bài thi, nhiều người thừa nhận điểm chấm thích hợp nhưng lại không chấp nhận kết quả.  

Ông nhớ nhất trường hợp cách đây chưa lâu, có người mẹ đến gặp ông để nhờ “xem xét” về đứa con học lớp 5 thi vào Trường chuyên Trần Đại Nghĩa nhưng thiếu điểm đỗ. Bà mẹ liên miệng nói rằng, con mình học rất giỏi, là một tài năng, việc thi trượt là chuyện không may nên ngành phải linh hoạt, đặc cách để cháu vào học.

Vị lãnh đạo Sở đã phân tích cho bà mẹ hiểu, yêu cầu này quá vô lý, điểm thi và điểm đậu công bố rõ ràng. Thừa nhận điểm chấm đúng bài làm của con nhưng khi thấy cố gắng cuối cùng của mình bị từ chối, bà mẹ nhìn thầy thất vọng: “Con tôi không vào học trường chuyên nghĩa là chúng ta đang mất đi Ngô Bảo Châu thứ 2”.

Cô Nguyễn Thị Long, GV một trường THCS kể chuyện trong lớp mình, cô học trò từng làm lớp trưởng nhiều năm trước không trước không “trúng cử” do không đủ phiếu bầu chọn.  Được cô động viên, em cũng rất vui vẻ nhưng khi nghe tin con mình "mất chức", bố mẹ đến tận nhà cô… đòi công bằng, yêu cầu cô phải “trả” chức lớp trưởng cho con. 

Mặc cho cô giải thích, ông bố vẫn nói một thôi một hồi: “Con tôi làm lớp trưởng từ hồi mẫu giáo, có tố chất lãnh đạo không đứa nào qua được, nó là đứa trẻ toàn diện” rồi liệt kê ra hàng loạt khả năng về học hành, năng khiếu, ăn nói… của con và trách cô không biết nhìn nhận tài năng của người khác. Đau lòng nhất là khi không thay đổi được kết quả, hai vợ chồng quay sang chửi mắng đứa con thậm tệ.

Hiệu trưởng một trường tiểu học Gò Vấp, TPHCM kể rằng đầu năm học nào cũng có vài phụ huynh đến yêu cầu nhà trường nhận con mình mới 4 - 5 tuổi vào học vì lý do cháu nhà mình là… thần đồng. Họ nói rằng con mình đã có thể đọc, viết thành thạo, hơn hẳn những đứa trẻ khác nếu không học sớm thì phí. 

“Họ ép con học chữ trước rồi khẳng định con mình “hơn người”. Tôi phân tích cho họ hiểu, trẻ cần được học đúng tuổi, quy định cũng không nhận trẻ sớm tuổi thì có người vùng vằng trách rằng ngành lãng phí tài năng. Hội chứng “con tôi là thần đồng” bây giờ nhiều lắm, nhất là ở những gia đình có con vàng, con bạc”, bà hiệu trưởng nói.

Trẻ khổ vì áp lực từ cha mẹ

17 tuổi, em N.V.T, ở TPHCM bỏ dở con đường học hành và tương lai của mình xuất phát từ chính áp lực từ cha mẹ. Không hài lòng về học lực trung bình khá của T. nhưng bố mẹ em lại có niềm tin khả năng của con chưa đến lúc bột phá nên khi bước vào năm cuối THCS, họ không ngừng “thúc” con phải đỗ… thủ khoa vào một trong những chuyên của thành phố. 

Bản thân T. và thầy cô cũng nhiều lần nói với gia đình việc thi vào trường chuyên quá sức em nhưng bố mẹ T. không chấp nhận. Họ khư khư bảo rằng, từ nhỏ con trai mình đã vượt trội bạn bè nhiều mặt, chỉ vì lâu nay ham chơi. Để chứng minh mời mình đúng, họ bắt con đi học thêm ở thầy cô, ở trung tâm, mời gia sư về nhà.

Đến giữa năm học, T. phát điên, cậu bỏ học rồi suốt ngày bỏ nhà đi lang thang gần hai năm nay. Lúc này, bố mẹ T. phải suốt ngày đi tìm con, đưa con vào viện tâm thần chữa trị nhưng bệnh không thuyên giảm. Mong muốn con có thể đến trường bình thường như bao người của họ giờ cũng chưa thể thực hiện.  

Nhiều phụ huynh mắc hội chứng Con mình là số 1 (Ảnh minh hoạ). 
Việc được đánh giá đúng khả năng sẽ giúp trẻ tự tin và khiêm tốn. Trong ảnh: Học sinh Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM trong giờ học ngoại khoá

TS.BS Nguyễn Thị Mỹ Châu (Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch) rất nhiều trẻ vào bị hoảng loạn, lo lắng xuất phát từ sự kỳ vọng quá mức ở gia đình do bố mẹ đặt ra những mục tiêu quá cao so với khả năng thật sự của con.

“Đôi khi phụ huynh đặt ra mục tiêu này nọ để con có động lực cố gắng nhưng khi mục tiêu đó không phù hợp với khả năng và mong muốn của con thì động lực trở thành áp lực rất kinh khủng với trẻ”, BS Mỹ Châu nhấn mạnh.

Các chuyên gia tâm lý cho hay, sai lầm của bố mẹ hay gặp phải là đánh giá con thiếu khách quan, xuôi theo cảm tính, xác định không đúng khả năng của con. Điều này có thể xuất phát từ tâm lý phụ huynh đặt quá nhiều mong muốn, kỳ vọng ở con.   

Việc “ảo tưởng”, đánh giá con quá cao so với năng lực thực gây ra rất nhiều hệ luỵ. Mức độ nhẹ thì trẻ sẽ kiêu căng, tự mãn, chủ quan hoặc ngược lại là chúng trở nên tự ti, sợ hãi, căng thẳng, nhất là khi đối diện với những kết quả không mong muốn. Bởi phụ huynh có suy nghĩ “con mình giỏi hơn người” cũng thường áp đặt, bắt con phải chạy theo  mục tiêu của mình, đặc biệt họ không chấp nhận và thiếu thông cảm cho sự thất bại ở con.

Đáng tiếc hơn, việc đánh giá con không đúng, bắt con phải chạy đua theo những gì ngoài khả năng cũng là lý do làm trẻ có thể mất đi những cơ hội phát triển phù hợp với mình.

Hoài Nam