“Biết công ty làm việc cả thứ 7, nhiều ứng viên trẻ liền tỏ ra buồn rầu”

(Dân trí) - Nhiều nhà tuyển dụng mong muốn các sinh viên mới ra trường có định hướng rõ hơn, tầm nhìn xa hơn và mong đợi thực tế hơn khi tham gia thị trường lao động thay vì đòi hỏi và ảo tưởng.

“Nhiều bạn trẻ chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt”

Tại “Ngày hội hướng nghiệp và việc làm chuyên sâu dành cho sinh viên - Career day 2017” do Trung tâm chuyển giao Tri thức - ĐHQG Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 2/12 tại Hà Nội, các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực đã có những chia sẻ kinh nghiệm đầy tâm huyết cho các bạn trẻ về định hướng nghề nghiệp.

Đa số các nhà tuyển dụng nhận định, sau khi học ở trường 4 năm, các cử nhân vẫn yếu và thiếu nhiều kỹ năng. Nếu thực sự yêu nghề, các bạn sinh viên phải chủ động tìm hiểu, dấn thân để có định hướng trau dồi chuyên môn và kỹ năng đặc thù đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp.

Bà Nguyễn Cẩm Chi (Founder & CEO Công ty TNHH Đào tạo và Tư vấn Unity Academy) - diễn giả Phòng kế toán - kiểm toán cho biết: “Nghề kế toán kiểm toán hơi khác các ngành khác ở chỗ số liệu kế toán thì không phải ai cũng sờ vào được. Chính vì lí do đó việc thực tập của các bạn rất khó khăn nhưng nhà tuyển dụng thì luôn cần các bạn có kinh nghiệm thực tế”.

Vậy tại sao nhà tuyển dụng lại đưa ra yêu cầu đó? Cứ hình dung, trên địa bàn Hà Nội mỗi năm có trên 20.000 sinh viên cùng tốt nghiệp một lúc. Tính riêng trường tốp về ngành tài chính kinh tế thì ra trường đã có vài nghìn rồi cộng trường khác cũng đào tạo ngành kế toán kiểm toán nên nhà tuyển dụng đương nhiên có nhiều lựa chọn. Họ chỉ chọn những bạn cực kì xuất sắc và có kinh nghiệm thực tế.

Theo bà Chi, nếu chưa có kinh nghiệm thực tế thì các bạn trẻ cần phải bù đắp bằng điều gì đó. Chẳng hạn, các chứng chỉ quốc hay khả năng suy nghĩ áp dụng kiến thức vào đời thường, khả năng đặt câu hỏi gắn liền cuộc sống. Chẳng hạn, tại sao xe buýt đang màu vàng chuyển sang màu xanh thì nó có liên quan đến ngành mình học không?

Nhà tuyển dụng Nguyễn Cẩm Chi nhận định: “Nhiều bạn trẻ ngại cống hiến, ngại dấn thân”.
Nhà tuyển dụng Nguyễn Cẩm Chi nhận định: “Nhiều bạn trẻ ngại cống hiến, ngại dấn thân”.

Nói về những lỗi thường gặp của các bạn trẻ mới ra trường, bà Nguyễn Cẩm Chi lưu ý: “Lỗi đầu tiên là các bạn mong muốn tìm việc làm để kiếm tiền thay vì tìm sự nghiệp cho mình. Từ đó dẫn đến việc các bạn đòi hỏi, vì các bạn đang nghĩ mình cần việc để kiếm tiền chứ không phải cơ hội làm việc với người sếp giỏi, cơ hội mong muốn mình trở thành người thế nào trong vòng 5-10 năm nữa.

Các bạn chỉ nhìn cái lợi trước mắt chứ không nhìn xa một chút. Em học trường này ra thì em phải lương thế này nhưng không nghĩ được, để trả lương cho em công ty phải đóng bảo hiểm và nhiều thứ khác, ngược lại các bạn phải làm việc gì.

Lỗi thứ hai là các bạn không tận dụng thời gian khi mình còn trẻ. Ba năm đầu tiên làm càng khổ thì sau này đời càng sướng vì đó là thời gian bạn làm được nhiều nhất mà không vướng bận. Có thể đi làm nhiều, về muộn, đi công tác cũng không sao cả vì lúc đó bạn học được rất nhiều. Hơn nữa, ba năm đầu là năm ghi điểm, mà các bạn lại hơi lãng phí thời gian trong những năm đầu vì nghĩ mình còn trẻ phải đi chơi, du lịch nhưng sau này lấy chồng, lấy vợ rồi thì gặp khó khăn hơn nhiều”.

“Không ít bạn ứng tuyển vào công ty tôi thường hỏi công ty có làm thứ 7 không, nói khi biết có làm cuối tuần thì các bạn đã hơi buồn rồi”, bà Chi kể.

Trong quá trình tuyển dụng, nhiều bạn trẻ gặp lỗi không chú trọng hồ sơ nên bị loại ngay từ vòng ngoài.
Trong quá trình tuyển dụng, nhiều bạn trẻ gặp lỗi không chú trọng hồ sơ nên bị loại ngay từ vòng ngoài.

Ông Trần Trung Hiếu (CEO công ty cổ phần Top CV Việt Nam) - diễn giả Phòng Startup chia sẻ: “Các lỗi thường gặp khi các bạn viết CV là đưa nhiều những thông tin kinh nghiệm làm thêm hoặc hoạt động xã hội không liên quan/ không cần thiết, trong khi thực tế kinh nghiệm gắn với công việc lại không có. Cách trình bày thiếu khoa học, không sạch đẹp (trông không rõ ràng nên các nhà tuyển dụng từ chối ngay từ cái nhìn đầu tiên).

Nên có mong đợi thực tế hơn khi tham gia thị trường lao động

Ông Nguyễn Thạc Thắng (tốt nghiệp Quản trị kinh doanh tại Anh Quốc) - Phụ trách chi nhánh Hà Nội của First Alliances - một công ty chuyên tư vấn, tuyển dụng nhân sự cấp cao cho các công ty nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam nhận xét: “Các bạn sinh viên Việt Nam tương đối thông minh chỉ có điều thiếu sự chuẩn bị liên quan đến thực tế đi làm sau này như: hồ sơ, kinh nghiệm liên quan, tìm hiểu các công ty và vị trí ứng tuyển trước khi tham gia phỏng vấn”.

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm.
Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm.

Theo ông Thắng, phần lớn các bạn có bảng điểm khá tốt nhưng chưa va chạm, tham gia chương trình thực tập, tham gia các CLB trong và ngoài trường.

Bàn về thực trạng thất nghiệp của nhiều cử nhân, ông Thắng nhấn mạnh “chỗ nào thiếu thì vẫn thiếu, chỗ nào thừa vẫn thừa”.

Theo thống kê hiện nay hơn 200 nghìn cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường nhưng thực tế, rất nhiều công ty vẫn thiếu nhân sự, chưa tìm được người tốt.

Vị diễn giả cho rằng, bài toán nhân sự thất nghiệp của Việt Nam chỉ được giải quyết với 2 điều kiện: 1/ Các cử nhân có kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc mà nhà tuyển dụng mong muốn; 2/ Các em có mong đợi thực tế hơn một chút khi tham gia thị trường lao động.

Với điều kiện thứ hai, các em có thể sẵn sàng làm những công việc nhỏ. Bước đi từng bước nhỏ để trau dồi kinh nghiệm nhiều hơn bởi các bạn hay mong đợi công việc tốt, mức lương cao nhưng năng lực bản thân hạn chế.

“Đợt vừa rồi, công ty tôi chạy dự án cho một đơn vị bán lẻ tại Indonesia. Họ cần tuyển 300 nhân viên bán hàng và yêu cầu tìm các bạn có tiếng Anh. Chúng tôi chỉ tuyển được 1/3 các bạn mới ra trường có Tiếng Anh. Khi hết nguồn rồi, chúng tôi tìm chọn các bạn tiếng Anh không tốt lắm nhưng thái độ phải tốt”, ông Thắng cho hay.

Cũng theo ông Thắng, nếu năng lực, kỹ năng, năng suất lao động không tốt thì mức lương của nhân sự trẻ Việt chắc chắn thua xa so với nhân sự các nước khác như Malaysia, Thái Lan, Singapore…

Đổi mới đào tạo: Nhà trường và doanh nghiệp nên “bắt tay”

Ông Trần Anh Tú (tốt nghiệp ngành Quản trị tại Anh quốc) hiện là CEO Interstellar - diễn giả Phòng Sales-Marketing cho hay: Điểm khác của giáo dục Anh quốc so với Việt Nam là bên đó người ta định hướng thực tế nghề nghiệp cho sinh viên ngay từ trong trường.

Ông Nguyễn Anh Tú cho rằng, nhà trường và doanh nghiệp nên hợp tác trong đào tạo nhân sự.
Ông Nguyễn Anh Tú cho rằng, nhà trường và doanh nghiệp nên hợp tác trong đào tạo nhân sự.

Nhà tuyển dụng ngành tiếp thị truyền thông cho biết, công ty ông gần như tuyển người vào phải đào tạo lại từ đầu, kể cả khi ứng viên có bằng thạc sĩ.

Theo ông Tú, muốn giải quyết chất lượng nhân sự Việt Nam phải có đổi mới trong đào tạo. “Nhà trường nên hợp tác với các đơn vị cần nguồn nhân sự đào tạo từ trong trường. Hợp tác tuyển dụng quan trọng rồi nhưng quan trọng hơn là hợp tác đào tạo. Nhà trường có thể mời những người quan lý doanh nghiệp đứng lớp các khóa học để các bạn vỡ ra ngành cần gì và kết hợp thực tập sinh. Bởi nếu chỉ học theo sách thì sách tiếp thị truyền thông ở Việt Nam bị chậm. Gần như không có trường nào cập nhật kịp kiến thức quảng cáo qua Facebook, Google, phải có sự kết hợp rất sớm nếu không mọi thứ thay đổi rất nhanh. Và trước khi có sự đổi mới, sinh viên phải chủ động”.

Lệ Thu