Bộ Công thương đang làm rõ việc “chống trượt” ngoại ngữ ở trường ĐH Công nghiệp Hà Nội

(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí ngày 23/11, một cán bộ của Bộ Công thương cho hay, đoàn thanh tra Bộ Công thương đang làm rõ thông tin “chống trượt” ngoại ngữ ở trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại đoàn vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ việc này.

Trước đó, loạt phóng sự điều tra của báo Lao Động đã phản ánh tình trạng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thay vì nâng cao chất lượng để đáp ứng chuẩn đầu ra môn tiếng Anh được quy định khắt khe bởi Bộ GD-ĐT thì lại đi tạo dựng các kỳ thi cấp chứng chỉ đầy dối trá. Cụ thể, sinh viên nào không chịu đóng khoản phí “chống trượt” 1,9 triệu đồng/người thì sẽ “auto trượt” – như cách nói của sinh viên, hoặc sẽ “bị chấm theo cách khác” – như thừa nhận của chính các giảng viên.

Nườm nượp cảnh đóng tiền chống trượt tại khoa Ngoại ngữ (ảnh: báo Lao Động)
Nườm nượp cảnh đóng tiền "chống trượt" tại khoa Ngoại ngữ (ảnh: báo Lao Động)

“Theo quy định của Bộ GDĐT, sinh viên muốn ra trường phải đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 tương đương 450 điểm TOEIC. Chưa bàn đến việc trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có đủ cơ sở pháp lý để tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ hay không, nhưng trên thực tế, với đại đa số sinh viên trường này, họ buộc phải vượt qua kỳ thi nếu muốn được xét tốt nghiệp.

Yêu cầu khắt khe là vậy nhưng có điều lạ, tỉ lệ thi trượt tại các đợt thi cấp chứng chỉ lại thấp ở mức đáng kinh ngạc.

Cụ thể ở buổi thi sáng đợt thi cuối tháng 9/2018, tra cứu kết quả ngẫu nhiên của 50 sinh viên cho thấy, tất cả đều đạt với điểm số cao. Các sinh viên hồ hởi giải thích, là bởi họ đã đóng tiền gói “chống trượt” trị giá 1,9 triệu đồng, kèm phí thi 280.000 đồng, tổng cộng 2.180.000 đồng.

Ở chiều ngược lại, buổi chiều cùng ngày cũng có lịch thi cấp chứng chỉ tiếng Anh cho khoảng 100 sinh viên thì điểm số lại rất bết bát. Họ là những sinh viên không tham gia khóa học “chống trượt”, Báo Lao động thông tin.

Trong khi đó, trả lời báo điện tử VTC News về vụ việc này, PGS.TS Trần Quý Đức – Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết: Qua giải trình ban đầu của các cá nhân, đơn vị, nhà trường xác nhận hai cô giáo trong video clip mà báo phản ánh đúng là giảng viên của trường. Tuy nhiên, cô giáo có giải trình và nhận trách nhiệm về phát ngôn không chuẩn xác dẫn đến hiểu sai chủ trương của khoa Ngoại ngữ và nhà trường.

PGS.TS.Trần Đức Qúy cho rằng, đây là khoản thu do một số sinh viên còn yếu về ngoại ngữ, đăng ký học bổ sung kiến thức nâng cao năng lực, để có thể đạt chuẩn đầu ra theo quy định. Khoa Ngoại ngữ đã xây dựng chương trình và tổ chức các lớp bồi dưỡng để sinh viên tự nguyện đăng ký học tập.

Học phí sinh viên nộp theo khối lượng giảng dạy của chương trình do khoa Ngoại ngữ xây dựng. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội không tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Nhà trường chỉ tổ chức kiểm tra để công nhận đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ theo quy định nội bộ của trường.

PGS.TS Quý cho biết thêm: “Thông tin sinh viên của trường phải đóng tiền chống trượt được báo chí phản ánh khiến ông ngỡ ngàng, vì chưa bao giờ trường Đại học Công nghiệp xảy sự việc như vậy”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin những diễn biến tiếp theo của vụ việc này.

Nguyễn Hùng