Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu điều chỉnh thời gian thi THPT quốc gia

(Dân trí) - Ngày mai (12/8), Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2014-2015 và tập trung thảo luận, bàn bạc và tìm ra những giải pháp thích hợp triển khai năm học mới 2015-2016.  Một vấn đề đáng quan tâm đó là nghiên cứu điều chỉnh thời gian thi THPT quốc gia.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã được chuẩn bị chu đáo từ Trung ương đến các địa phương và được tổ chức theo đúng tinh thần đảm bảo thi gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân; kết quả thi phản ánh trình độ người học, làm căn cứ để xét tốt nghiệp THPT đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp xét tuyển sinh, nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội, tạo ra những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu điều chỉnh thời gian thi THPT quốc gia - 1
Việc tổ chức thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7 là thời gian nóng nhất trong năm, Bộ sẽ nghiên cứu điều chỉnh thời gian phù hợp. (Ảnh: Mai Châm)

Tỉ lệ tốt nghiệp giáo dục THPT năm 2015 là 93,42%, GDTX : 70,08%. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia chung là : 91,58%

Tuy nhiên kì thi cũng có một số khâu cần phải rút kinh nghiệm như công tác truyền thông cần làm tốt hơn để phổ biến, hướng dẫn cho thí sinh đăng kí dự thi và nộp hồ sơ đăng ký dự thi theo đúng thời gian quy định, nhất là đối với các ngành học, các trường có sơ tuyển; Việc tổ chức thi vào đầu tháng 7 là thời gian nóng nhất trong năm, Bộ sẽ nghiên cứu điều chỉnh thời gian phù hợp; Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm công tác ra đề thi, tổ chức thi để hoàn thiện các khâu của quá trình tổ chức thi trong những năm sau.

Tập trung thảo luận, bàn bạc 8 nhiệm vụ trọng tâm

Tại Hội nghị ngày 12/8, Bô GD-ĐT sẽ đưa ra 8 phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2015-2016 để các đại biểu tập trung thảo luận, bàn luận. Cụ thể gồm đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo; Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập; Đổi mới đồng bộ hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; Tăng cường hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; Công tác xã hội hóa và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; Tiếp tục triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020; Công tác phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi và giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; Tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia.

Một điểm đáng chú ý trong năm học 2015-2016 đó là tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Theo đó, các cấp quản lý giáo dục tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho giáo viên, cha mẹ học sinh và xã hội hiểu và nắm rõ bản chất, ý nghĩa mục tiêu, cách thức phối hợp các thành phần tham gia đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30.

Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ các cơ sở giáo dục và đào tạo tập huấn về đánh giá học sinh tiểu học; chỉ đạo sơ kết đánh giá học sinh tiểu học để rút kinh nghiệm và điều chỉnh hoạt động đánh giá. Chỉ đạo các trường sư phạm đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đổi mới đánh giá học sinh, phù hợp với chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới.

Nghiên cứu, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật về công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, Điều lệ trường tiểu học, kiểm định chất lượng giáo dục, quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Thông tư số 30; Các cơ sở giáo dục tiếp tục đổi mới công tác quản lý, giảm nhẹ hồ sơ, sổ sách, sự vụ hành chính để giáo viên dành nhiều thời gian cho công tác chuyên môn, hướng dẫn, giúp đỡ, động viên học sinh; tăng cường trải nghiệm cùng giáo viên, hỗ trợ, hướng dẫn, thực hiện, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, chia sẻ với giáo viên.

Về kì thi THPT quốc gia sẽ tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc từ Bộ đến các địa phương, các trường đại học về công tác chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, công bố và sử dụng kết quả thi... để hoàn thiện các khâu của quá trình tổ chức thi; đồng thời, xem xét điều chỉnh thời gian tổ chức thi phù hợp từ năm 2016 và những năm tiếp theo.

Tăng cường công tác truyền thông để xã hội hiểu rõ và ủng hộ chủ trương, cách thức tổ chức kỳ thi, lợi ích của việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015; chú trọng phổ biến, hướng dẫn cho thí sinh đăng kí dự thi và nộp hồ sơ đăng ký dự thi theo đúng thời gian quy định, nhất là đối với các ngành học, các trường có sơ tuyển.

Ngoài ra, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục ngay từ đầu cấp, chú trọng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, nhất là đối với học sinh lớp cuối cấp, học sinh vùng kinh tế xã hội khó khăn theo hướng phát triển năng lực học sinh là giải pháp tích cực để góp phần đổi mới thành công công tác thi theo tinh thần Nghị quyết 29.

Báo Dân trí sẽ cập nhật thông tin diễn biến của Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 của Bộ GD-ĐT. Được biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đến tham dự Hội nghị và sẽ có những chỉ đạo đối với ngành giáo dục.

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn )