“Bỏ hàng nghìn tỷ xây chùa nhưng không ai dám bỏ tiền để xây dựng trường”

(Dân trí) - "Có rất nhiều đại gia, nhiều nhà hảo tâm ở Việt Nam có thể bỏ ra hàng trăm tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ để xây dựng chùa nhưng không ai dám bỏ ra từng ấy tiền để xây dựng trường. Trong thời gian cũng cần phải có chính sách thu hút việc đóng góp, hiến tặng trong giáo dục không?".

Đó là chia sẻ mà TS Đàm Quang Minh đặt ra tại buổi toạ đàm Giáo dục tư thục và định hướng phát triển giáo dục tư thục tại Việt Nam diễn ra tại TP.HCM ngày 6/5.
 
TS Đàm Quang Minh, hiệu trưởng trường ĐH Phú Xuân cho rằng "giáo dục phải gắn với văn hoá, nhưng hiện nay đang hình thành văn hoá số. Nếu nhìn vào văn hoá thì thấy rằng hiện nay tính địa phương giảm nhiều và những vấn đề mang tính cộng đồng, chia sẻ chung lại tăng lên. Văn hoá số không chỉ gây khó khăn cho Việt Nam mà đang là vấn đề phức tạp trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam trong 10 năm tới chắc chắn sẽ bị chi phối và phải chủ động trong sự phát triển đó. 
 
“Bỏ hàng nghìn tỷ xây chùa nhưng không ai dám bỏ tiền để xây dựng trường” - 1

TS Đàm Quang Minh, hiệu trưởng trường ĐH Phú Xuân phát biểu

Ngoài ra, sự toàn cầu hoá cũng tác động đến giáo dục với nhiều thử thách hơn, với sự dịch chuyển lao động toàn cầu dẫn đến sự dịch chuyển người học toàn cầu. Một người học hoàn toàn có thể học vài năm ở Việt Nam, sau đó học tiếp vài năm ở châu Âu, châu Mỹ và trở về Việt Nam. Trong vòng 5 năm vừa qua, lượng trường phổ thông trực tuyến ở Mỹ ra đời tăng đáng kể lên đến hàng nghìn trường. Giờ đây, bên cạnh bảng xếp hạng các trường tốt nhất thì còn có bảng xếp hạng những trường online tốt nhất. Sự phát triển của loại hình này nhanh như thế bởi vì nhu cầu dịch chuyển của người học độ tuổi phổ thông đang tăng nhanh. Liệu Việt Nam có dám đưa vào luật vấn đề này để tham gia vào quá trình toàn cầu hoá hay chỉ chấp nhận học đúng trường, đúng lớp, chương trình?".
 
Theo ông Minh, báo chí gần đây có đánh giá, một trong những nguyên nhân thất nghiệp gia tăng ở thế giới chứ không riêng nước ta có liên quan đến vấn đề giáo dục dư thừa. Riêng Việt Nam cũng xảy ra tình trạng tương tư nhưng ở mức khác nhau và nảy sinh vấn đề việc hoạch định trong quá trình học tập từ bậc ĐH, chương trình dạy học của chúng ta đang theo hướng không phục vụ đúng nhu cầu thị trường.
 
"ĐH trong thời gian hiện nay không đảm bảo điều gì cả và ĐH Việt Nam đang không dịch chuyển kịp với thế giới. Chúng ta đang mới nhắc đến chuẩn hoá về kiểm định, về chương trình và tiến tới xếp hàng. Nhưng ĐH trên thế giới đã tiến xa hơn nữa là gắn kết với xã hội và doanh nghiệp, những trung tâm, công ty hình thành trong trường ĐH ở các nước càng nhiều, doanh thu càng cao thậm chí hàng triệu USD. Nếu hoạch định 10 năm nữa thì cần xem giáo dục đại học đóng góp gì trong quá trình phát triển kinh tế xã hội đất nước, trong bối cảnh 4.0 để từ đó sẽ ra được hành lang pháp lý nào cho các trường.
 
Nếu hầu hết các trường ĐH ở Hoa Kỳ và thế giới đưa online vào dạy học, còn Việt Nam việc này không đơn giản, có nhiều quy định và tiêu chuẩn khó khăn, trong đó nhiều quy định rất lạc hậu. Chúng ta nói nhiều giáo dục tư nhân, gần đây Hà Nội đang nóng về tuyển sinh lớp 10, dù chiếm 24% chỉ tiêu nhưng nghịch lý vẫn là chỉ tiêu xin cho, nhiều trường khóc dở vì không được cấp chỉ tiêu. Vì sao lại có sự đi ngược với xu thế và sự phát triển như thế? Nguồn lực tư ở Việt Nam đang bị ngược đãi hơn ở nước ngoài rất nhiều. Muốn phát triển giáo dục tư thục phải gỡ bỏ hoàn toàn sự phân biệt đó.
 
Nếu ví giáo dục công và tư của Việt Nam như là hai cánh chim thì tỷ lệ đóng góp hai bên khá chênh lệch: công 84% và tư 16%. Ông Minh cho rằng cần có định hướng, cơ chế cho giáo dục tư thục phát triển hơn để đôi cánh này trở nên hài hòa hơn.
 
TS Đàm Quang Minh cũng ý kiến rằng, trong thời gian cũng cần phải có chính sách thu hút việc đóng góp, hiến tặng. "Có rất nhiều đại gia, nhiều nhà hảo tâm ở Việt Nam có thể bỏ ra hàng trăm tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ để xây dựng chùa nhưng không ai dám bỏ ra từng ấy tiền để xây dựng trường, trong khi đó chắc trường sẽ cần nhiều hơn chùa”, ông Minh nói.
 
“Bỏ hàng nghìn tỷ xây chùa nhưng không ai dám bỏ tiền để xây dựng trường” - 2
PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng luật đã đưa vào vấn đề cho mở các quỹ phát triển, tuy nhiên phải thừa nhận chúng ta chưa có văn hoá hiến tặng. Ngoài ra, vấn đề thuế hiện nay cũng chưa làm rạch ròi giữa vấn đề vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận nên cũng gây khó. Thực tế, bên cạnh có những trường tư làm vì giáo dục chung nhưng vẫn có những trường làm để kinh doanh, nên nếu áp chung một chính sách thì sẽ khó. Do đó, các trường phải chứng minh được hệ thống giáo dục chúng ta hoàn hảo.
 
Ông Bình, cho rằng, hiện nay xã hội đã có những nhận thức rất rõ về giáo dục tư thục, kể cả Nhà nước. "Luật Giáo dục Đại học sắp tới không nói tới phân tầng, mà chỉ nói đến phân loại, và phân loại gì đều quan trọng như nhau. Trường tự chọn chiến lược, sứ mệnh của trường mình, có lẽ trường tư nặng về vấn đề nguồn nhân lực. Ở đây, ta nói chất lượng là nguồn gốc của cạnh tranh, nhưng trường tư thì phải tính đến vấn đề kinh tế, làm sao chúng ta cân ở chỗ này, vì nó ảnh hưởng đến quản lý của Nhà nước”, ông Bình nói.
 
Ông Bình chia sẻ thêm, hiện việc xây dựng bộ luật giáo dục đảm bảo trên ba nguyên tắc, đó là tính mở, thứ hai là dựa trên năng lực người học, thứ ba là tính tự chủ. Sắp tới, chúng ta cũng không dựa hoàn toàn vào số năm học, bằng cấp mà dựa vào khung trình độ 8 bậc: sơ cấp 3 bậc, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ là bậc 8.
 
Việc xây dựng khung trình độ như trên là để hội nhập quốc tế, khi nhập chương trình quốc tế về Việt Nam sẽ đối chiếu phù hợp với khung trình độ nào. Chính vì vậy, giáo dục của chúng ta cũng sẽ không đặt nặng bằng cấp nữa. 
 
“Bỏ hàng nghìn tỷ xây chùa nhưng không ai dám bỏ tiền để xây dựng trường” - 3

GS.TS Mai Hồng Quỳ cho rằng cần thay đổi nhận thức của xã hội về giáo dục tư thục

GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen thì nhận định quan trọng nhất vẫn là thay đổi nhận thức của xã hội về giáo dục tư thục. "Bộ trưởng có quan điểm tích cực nhưng các vụ chức năng, nhân viên vụ chức năng khi làm lại căn cứ vào các quy định chặt nhưng chưa chặt, điều này làm khó các trường. Tính tự chủ ĐH hiện nay cao nhưng chúng tôi chưa yên tâm. Nói như vậy không phải trường tư muốn làm gì làm, nhưng họ làm trong chừng mực nhất định, cơ quan quản lý nhà nước không thể đánh giá như từ trước đến nay”, bà Quỳ nói.
 
Lê Phương