Bỏ kỳ thi THPT Quốc gia, giao cấp trường xét tốt nghiệp?

(Dân trí) - Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông), trong tương lai học sinh sẽ không phải thi THPT Quốc gia như hiện nay. Việc xét tốt nghiệp sẽ giao cho các cấp trường căn cứ vào đánh giá định kỳ năng lực học sinh.

Đổi mới hình thức đánh giá kết quả giáo dục, tiến tới bỏ kỳ thi THPT Quốc gia là điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT vừa công bố chiều ngày 12/4. Theo đó, việc xét cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ được giao cho cấp trường. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá năng lực theo quy định của Bộ GD&ĐT được cấp bằng tốt nghiệp mà không phải trải qua kỳ thi THPT Quốc gia như hiện nay.

“Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có đề cập đến vấn đề đánh giá. Từ 3 hình thức đánh giá đưa ra trong dự thảo, có thể hiểu sẽ không còn kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa. Cách hiểu như vậy có đúng hay không?”, phóng viên đặt câu hỏi tại họp báo.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết trả lời rằng: “Hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giao Vụ Giáo dục Trung học chủ trì phối hợp cùng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục và Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông xây dựng lộ trình đổi mới xét tốt nghiệp THPT khi chương trình mới bắt đầu được triển khai”.

“Tuy nhiên, Bộ trưởng GD&ĐT cũng khẳng định từ nay đến năm 2020 sẽ giữ ổn định hình thức thi THPT Quốc gia và xét tốt nghiệp”, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho biết.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, với chương trình mới, chúng ta sẽ tiến tới bỏ kỳ thi THPT Quốc gia, giao việc xét tốt nghiệp cho cấp trường.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, với chương trình mới, chúng ta sẽ tiến tới bỏ kỳ thi THPT Quốc gia, giao việc xét tốt nghiệp cho cấp trường.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nếu chúng ta không đổi mới thi cử thì rất khó tạo điều kiện buộc người giáo viên đổi mới cách dạy, người học đổi mới cách học.

Theo ông Thuyết, kỳ thi tốt nghiệp có áp lực rất lớn, chủ yếu là kiểm tra kiến thức (chứ không phải năng lực). Nếu bây giờ chúng ta dạy học sinh theo kiểu mới buộc các em phải giải nhiều bài toán thực tế thì sau này các trường có thể tổ chức một vài môn thi theo hình thức như thế. Trường giao cho học sinh làm một vài đề án nghiên cứu, học sinh làm tốt thì tích lũy thêm điểm cộng với đánh giá định kỳ và thường xuyên ở trường làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT. Để xét tốt nghiệp, chúng ta không phải nhất thiết thi theo kiểu kiểm tra lý thuyết và kỹ năng giải bài tập.

Riêng việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương sẽ chỉ được thực hiện để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục. Các kỳ đánh giá diện rộng này sẽ được tổ chức bởi các tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ngoài hai hình thức này, dự thảo cũng đề cập đến việc đánh giá thường xuyên, do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện. Việc đánh giá này sẽ dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.

Ba hình thức đánh giá theo Dự thảo chương trình tổng thể mới:

- Đánh giá thường xuyên, do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.

- Đánh giá định kỳ, do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp THPT.

- Đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương, do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.

Lệ Thu