Bạn đọc viết:

Bố mẹ tạo áp lực điểm số cho con

(Dân trí) - Một lần tôi nhận được tin nhắn điện tử của nhà trường thông báo điểm của con, một điểm số dưới trung bình của môn Toán. Đây là điều mà tôi chưa từng nghĩ đến nên cảm thấy khá sốc và thực sự buồn…

Suốt một ngày tôi vẩn vơ với suy nghĩ liệu khâu vào điểm có nhầm lẫn gì không? Với sức học của con sao lại có thể bị điểm kém như vậy? Và tại sao con không nói với mình về việc bị điểm kém?

Câu hỏi cuối cùng khiến tôi cảm thấy băn khoăn nhất. Bởi trước khi trường báo điểm cho phụ huynh thì các cô giáo chắc chắn đã trả bài kiểm tra cho học sinh rồi. Bình thường, mỗi khi có điểm kiểm tra con đều kể là được mấy điểm, môn nào cô giáo trả bài thì đưa cho mẹ xem. Có lẽ khi biết điểm kém, con đã giấu nhẹm đi, không dám nói với mẹ vì sợ bị la mắng hay bị phạt. Chính vì thế, tôi đã dặn mình phải thật bình tĩnh khi hỏi con về chuyện điểm kém này.

Đúng như suy đoán của tôi, con có biết mình bị điểm kém nhưng không dám nói với mẹ vì sợ bị mắng. Con bảo rằng, vì mẹ luôn nhắc con phải chăm chỉ học bài để được điểm cao nên con không dám nói. Nếu mẹ biết chắc chắn mẹ sẽ buồn, sẽ mắng con.

Tôi hỏi con lý do bị điểm kém, con nói: “Không phải đề khó mà do con tính nhầm thôi, lúc con nhận ra mình làm sai thì đã hết giờ nên không kịp sửa nữa. Mẹ yên tâm bài kiểm tra sau con làm tốt lắm, chắc chắn không dưới 8 điểm”... Khi đó, vẻ mặt con đầy lo âu, sợ sệt giống hệt những lần con phạm lỗi bị bố mẹ trách phạt.

Dù không vui, song tôi hiểu mọi chuyện đã xảy ra, con bị điểm kém cũng đã có ý thức sửa đổi ở những bài kiểm tra sau, nếu tôi tiếp tục la mắng chỉ khiến con thêm áp lực. Việc con không chia sẻ việc bị điểm kém cũng do con lo lắng, không biết bố mẹ sẽ tức giận thế nào mà thôi.

Từ việc này, nghĩ lại tôi mới thấy lâu nay mình đã tạo áp lực điểm số cho con. Những câu nói kiểu như: Con mà không chịu khó học bài kiểu gì cũng bị điểm kém! Điểm kém là cuối năm không được giấy khen đâu; hay là so sánh: Con thấy các bạn được 9, 10 mà không thấy xấu hổ ư? Con của bạn mẹ toàn được 9, 10 kiểm tra thôi đấy!... đã tạo ra áp lực vô hình khiến con luôn sợ kiểm tra, sợ điểm kém. Nhiều lúc con ước vẫn đang học Tiểu học vì không phải kiểm tra nhiều mà mỗi lần kiểm tra thì toàn được điểm cao, được bố mẹ khen.

Việc bố mẹ kỳ vọng con học tốt, điểm cao là lẽ thường tình. Trong những câu chuyện của các bố, các mẹ, thành tích học tập của con cái luôn được quan tâm hỏi han nhiều nhất. Ai có con học giỏi, điểm cao thì luôn cảm thấy vinh dự.

Chính bản thân trẻ cũng phấn khởi, vui vẻ khi được điểm cao bởi đó là thước đo đánh giá năng lực, điểm cao tức là học giỏi, được cô giáo quý mến, bạn bè đánh giá cao. Những lần kiểm tra được điểm 9, 10 con hào hứng xòe ngay ra để khoe mẹ như giành được một chiến công lớn. Môn nào thường xuyên được điểm cao cũng là môn con có hứng thú học nhiều nhất, yêu thích nhất so với các môn khác. Nếu con được điểm cao mà các bạn bên cạnh điểm kém hơn con sẽ cho rằng mình học tốt hơn các bạn. Việc trẻ có suy nghĩ so sánh, hơn thua về điểm số cũng

Có thể thấy, việc đánh giá bằng điểm số tồn tại cả hai yếu tố ưu điểm và hạn chế. Nếu người lớn quá coi trọng điểm số, đặt ra yêu cầu cao vượt khả năng của trẻ thì sẽ tạo thành áp lực, khiến trẻ luôn sống trong hoang mang, sợ hãi. Cũng có khi điểm số không phản ánh được đầy đủ năng lực, trình độ của học sinh vì có những bài kiểm tra đột xuất con không chuẩn bị bài thì sẽ làm không tốt, tâm lý lo lắng mỗi khi làm bài kiểm tra cũng dễ gây mất bình tĩnh, ảnh hưởng đến kết quả...

Khi đã trưởng thành, chúng ta nhận ra rằng điểm số cao hay thấp không phải là điều gì ghê ghớm lắm, không phải ai học giỏi, điểm cao khi đi học cũng sẽ thành đạt và không phải bị vài ba điểm kém sẽ là người kém cỏi. Nhớ lại thời học sinh đã từng lo lắng, căng thẳng ra sao mỗi lần đến tiết kiểm tra hay hồi hộp, hy vọng khi giáo viên trả bài, đọc điểm... mới thấy việc người lớn luôn yêu cầu hay kỳ vọng con cái phải đạt điểm cao là không cần thiết.

Điểm số không nói lên điều gì trong tương lai mỗi người nhưng cách ứng xử của chúng ta với điểm số thì lại tạo ra rất nhiều tiêu cực trong hiện tại. Bởi thế, tôi rất đồng cảm với điều ước ngây thơ của con: “Không phải làm nhiều bài kiểm tra và mỗi lần kiểm tra thì toàn được điểm cao”.

Đỗ Quyên

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!