Bộ trưởng Bộ Người tiêu dùng Nhật Bản giảng tại ĐH Việt - Nhật

(Dân trí) - Ngày 6/9, tại Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Người tiêu dùng Nhật Bản Teru Fukui có bài giảng đặc biệt về “Tiêu thụ có tính đạo đức” (Ethical Consumption) đối với sự phát triển bền vững của xã hội.


Bộ trưởng Bộ Người tiêu dùng Nhật Bản Teru Fukui

Bộ trưởng Bộ Người tiêu dùng Nhật Bản Teru Fukui

Tại buổi giảng đường trường ĐH Việt - Nhật, Bộ trưởng Bộ Người tiêu dùng Nhật Bản Teru Fukui đã phân tích cụ thể về khái niệm tiêu thụ có tính đạo đức là hành vi tiêu dùng được đặt dưới góc nhìn xem xét tới cộng đồng trong cuộc sống. Qua đó, người tiêu dùng tự mình xem xét các vấn đề có tính xã hội cho chính bản thân mỗi người trong xã hội và tiến hành các hoạt động tiêu thụ dựa trên quan điểm mang lại lợi ích công bằng cho toàn xã hội.

Theo một cách dễ hiểu hơn, một người tiêu dùng thực hiện hành vi tiêu thụ có tính đạo đức khi mua sắm hàng hóa được sản xuất có đạo đức và không có hại cho môi trường hay xã hội. Một ví dụ đơn giản cho hành vi tiêu thụ có tính đạo đức là khi người tiêu dùng từ chối sử dụng sản phẩm được tạo ra từ những doanh nghiệp bóc lột sức lao động của người lao động.

Các đối tượng trong hệ quy chiếu của tiêu thụ có tính đạo đức bao gồm: Con người (Sản phẩm có hỗ trợ cho người khuyết tật,…), Xã hội (Các sản phẩm mang tính công bằng trong thương mạng,…), Môi trường (Sản phẩm Eco, sản phẩm tái chế, sản phẩm được chứng nhận bảo vệ môi trường,…), Khu vực (Sản xuất địa phương, sản phẩm khu vực bị ảnh hưởng thiên tai,…), Động vật (Sản phẩm không thực hiện thử nghiệm trên động vật,…).


Sinh viên trường ĐH Việt - Nhật đặt câu hỏi với Bộ trưởng

Sinh viên trường ĐH Việt - Nhật đặt câu hỏi với Bộ trưởng

“Tiêu thụ có tính đạo đức” cũng được đánh giá là một trong những hành động được cam kết Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, cụ thể hơn được thể hiện trong mục tiêu “Đảm bảo trách nhiệm trong sản xuất và tiêu dùng”. Nội dung “17 mục tiêu để thay đổi thế giới" đã được thống nhất giải quyết đến năm 2030, SDGs đều hướng đến tất cả các nước phát triển và đang phát triển, Với từ khóa tinh thần là "Không bỏ lại bất kỳ ai”, SDGs nhằm mục đích chuyển đổi thành một xã hội bền vững và không còn nghèo đói.

“Tiêu thụ có tính đạo đức sẽ là nhân tố cân bằng giá trị của ba yếu tố: người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính quyền. Nâng cao ý thức của người tiêu dùng về hành vi tiêu dùng sản phẩm hàng ngày, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong sản xuất hàng hóa và phát triển địa phương dưới góc nhìn xem xét nhân quyền và môi trường” - Bộ trưởng Bộ Người tiêu dùng Nhật Bản Teru Fukui nhấn mạnh.

Hồng Hạnh