Bộ trưởng Giáo dục: “Phải có SGK tốt nhất cho chương trình giáo dục phổ thông mới”

(Dân trí) - Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến chất lượng và tiến độ thẩm định SGK lớp 1 để phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tháng 7: Tập huấn ứng viên Hội đồng quốc gia thẩm định SGK

Báo cáo tình hình chuẩn bị tổ chức thẩm định SGK, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Phó trưởng ban Tổ chức thẩm định SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Thái Văn Tài cho biết, ngày 24/6 Bộ GD&ĐT đã phát thông báo về việc tổ chức thẩm định SGK lớp 1.

Hiện các tác giả, nhà xuất bản (NXB) đã nhận được thông báo này và bắt đầu chuẩn bị các điều kiện theo quy định để gửi bản thảo SGK về Bộ thẩm định.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, các đơn vị đã tích cực phối hợp, tham mưu để lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch Tổ chức thẩm định SGK lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Kế hoạch này nêu rõ từng hoạt động và kết quả, sản phẩm tương ứng, đơn vị chủ trì, phối hợp và thời gian thực hiện, hoàn thành.

Chuẩn bị tài liệu cho các thành viên Hội đồng thẩm định SGK làm việc có hiệu quả và tính thống nhất cao, Vụ Giáo dục Tiểu học đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo để các nhà khoa học góp ý hoàn thiện dự thảo các tài liệu (ngày 19/6).

Bộ trưởng Giáo dục: “Phải có SGK tốt nhất cho chương trình giáo dục phổ thông mới” - 1

Người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh, chất lượng của Hội đồng quốc gia thẩm định sẽ quyết định đến chất lượng SGK

Hiện nay, một dự thảo hướng dẫn cụ thể hóa các điều, khoản trong Thông tư 33; các nội dung hướng dẫn tránh định kiến trong biên soạn sách; nội dung tích hợp về giáo dục bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới… đã được xây dựng.

Đây là tài liệu hướng dẫn mang tính chất khung, áp dụng cho tất cả các bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12. Tài liệu này sẽ được tiếp tục lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà giáo dục uy tín, các thành viên dự kiến mời tham gia Hội đồng nghiên cứu thảo luận theo đặc trưng của bộ môn, đặc biệt là đối với SGK lớp 1, để từ đó thống nhất được cách hiểu, cách tiếp cận thống nhất khi đánh giá SGK lớp 1.

Theo kế hoạch, trong đầu tháng 7, Hội thảo - Tập huấn các cho các thành viên dự kiến tham gia Hội đồng thẩm định sẽ được tổ chức.

Hội đồng quốc gia thẩm định SGK phải thật sự chất lượng, uy tín

Ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong việc chuẩn bị thẩm định SGK lớp 1, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: đây là sự khởi đầu của một chuỗi các hoạt động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, có ý nghĩa chính trị, trách nhiệm xã hội to lớn, do đó cần thực hiện thật tốt.

Các tài liệu để phục vụ hội thảo - tập huấn cho các thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia phải giúp người đọc có thông tin đầy đủ về chương trình tổng thể, chương trình môn học; thống nhất quan điểm, nhận thức về các nội dung đã được quy định trong Thông tư 33/2017 Ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Đây là cơ sở pháp lý của việc thẩm định SGK.

Bộ trưởng Giáo dục: “Phải có SGK tốt nhất cho chương trình giáo dục phổ thông mới” - 2

Mục đích cuối cùng là phải có những bộ SGK chất lượng tốt nhất, kịp tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Để thuận lợi cho các Hội đồng thẩm định SGK, ta cần cụ thể hóa thông tư 33 thành các hướng dẫn cụ thể để đánh giá SGK chung và SGK của từng môn học tại lớp 1. Hướng dẫn này cần rõ ràng, tường minh; không trái pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam; vừa kế thừa những ưu điểm của các văn bản liên quan khác, vừa tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có tính phổ quát và thực tiễn cao” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói và phân công cụ thể từng cá nhân chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng các tài liệu hướng dẫn sao cho đảm bảo chất lượng này.

Người đứng đầu ngành Giáo dục nhấn mạnh, chất lượng của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK sẽ quyết định đến việc thẩm định và lựa chọn ra những bộ SGK chất lượng từ đó các địa phương thực hiện lựa chọn theo thẩm quyền quy định. Do đó, phải đảm bảo thành lập được các hội đồng thật sự chất lượng, uy tín. Các thành viên được lựa chọn tham gia vào đội ngũ này là những người vừa giỏi chuyên môn, vừa có uy tín, vừa có trách nhiệm, đạt các tiêu chuẩn, yêu cầu Ban tổ chức đề ra.

Việc thông báo kết quả thẩm định SGK với các trường hợp “Đạt nhưng cần sửa chữa” cũng được Bộ trưởng GD&ĐT lưu ý cần chỉ rõ điểm cần hoàn thiện trong bộ sách là gì và có hướng dẫn cụ thể để tác giả, NXB điều chỉnh cho phù hợp.

“Chúng ta phải chuẩn bị và thực hiện thật tốt các công đoạn. Mục đích cuối cùng là phải có những bộ SGK chất lượng tốt nhất, kịp tiến độ triển khai chương trình GDPT mới”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Quỳnh Nguyễn