Buồn vui mùa thực tập sư phạm

(Dân trí) - Sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, sinh viên các trường sư phạm lại tất bật chuẩn bị cho mùa thực tập, kiến tập tại các trường phổ thông. Lần đầu tiếp xúc và làm việc trực tiếp với môi trường sư phạm, những va chạm đầu đời này sẽ để lại những dấu ấn khó phai trong lòng mỗi em. Cảm xúc nghề nghiệp được thăng hoa cũng có mà nếm trải trái đắng cũng chẳng hề ít.

Được trường phổ thông phân công giáo viên hướng dẫn giảng giảng dạy và hướng dẫn chủ nhiệm, sẽ may mắn khi sinh viên (SV) thực tập gặp các thầy cô giáo có tấm lòng bao dung và sẵn sàng chỉ dạy mọi điều. Người giáo viên hướng dẫn biết tâm lí còn rụt rè và bỡ ngỡ của các em SV sẽ có những lời động viên thiết thực, những lời khuyên bổ ích cho nhiệm vụ giảng dạy và chủ nhiệm.

Có nhiều thầy cô giáo có “tâm” đối với SV thực tập, từ việc chuẩn bị chu đáo tiết dạy mẫu của bản thân đến việc hướng dẫn chi tiết các trang giáo án cho các em và góp phần tạo lập mối quan hệ tốt đẹp giữa SV thực tập và học sinh. Sự chuẩn bị chu đáo và những lời góp ý chân tình từ thầy cô bao giờ cũng tạo đà cho sự phát triển của chính những đồng nghiệp tương lai của mình.

Bên cạnh đó, rất nhiều SV thực tập gặp niềm vui ở công tác chủ nhiệm. Suốt một thời gian dài gắn bó với lớp, cùng chơi và tham gia nhiều hoạt động đã tạo một sợi dây gắn kết chặt chẽ giữa giáo sinh và học sinh. Những tình cảm trong sáng, hồn nhiên của thầy - trò ấy rất đẹp, đẹp đến mức buổi liên hoan chia tay cô và trò đã khóc sướt mướt. Những món quà mà các em tự tay làm tặng thật ý nghĩa: một lọ hạc giấy đủ màu, một cuốn sổ lưu bút của cả lớp, những tấm thiệp xinh xinh,…

Tuy nhiên, không phải mọi SV thực tập đều bước trên con đương thực tập rải đầy hoa như thế. Một bộ phận giáo viên mang tâm lí xem thường công tác hướng dẫn này nên rất hời hợt với SV. Tiết dạy mẫu của thầy cô chẳng để lại dấu ấn đậm nét nào trong lòng các em. Trang giáo án thực tập của các em lại bị “bắt bẻ” quá nhiều và bị buộc phải chỉnh sửa liên tục. Mà một số ít ỏi giáo viên áp đặt việc sửa giáo án tại… nhà. Vậy là SV phải tìm nhà cô đến và tất nhiên là phải mang theo thứ gì đó để làm quà. Dù là ít ỏi nhưng đã từng có những giáo viên như thế, một kiểu “hành” SV thực tập.

Có những giáo viên chủ nhiệm lại giao khoán toàn bộ công việc của lớp cho SV thực tập. Giai đoạn này khá căng thẳng với các cuộc thi nghi thức Đội và hoạt động kỉ niệm Ngày thành lập Đoàn 26/3. Những SV chân ướt chân ráo chưa có nhiều kinh nghiệm đã chịu một áp lực không hề nhỏ khi phải quản lí, điều hành hoạt động của một tập thể như thế. Và nếu gặp phải một lớp có nhiều học sinh quậy phá tí thôi, SV thực tập đã phải rơi nước mắt vì ấm ức, bất lực.

Rồi đúng dịp lễ 8/3, các SV thực tập đều chuẩn bị quà cho cô giáo hướng dẫn. Có cô biết hoàn cảnh của các em nên quán triệt ngay từ đầu, không quà cáp, thăm viếng gì cả. Nhưng đâu phải ai cũng được như thế. Những món quà ấy cùng vô số chi phí khác thật sự là một gánh nặng đồi với những SV có hoàn cảnh khó khăn. Đã từng có những em phải tích cóp từ đầu năm hoặc vay mượn một khoản dành riêng cho công tác thực tập tại các trường.

Bản thân mỗi SV đi thực tập đều chuẩn bị tâm lí va chạm với thực tế của môi trường sư phạm. Nhưng các em cần lắm những người giáo viên hướng dẫn đầy nhiệt tâm giúp các em mở những cánh cửa đầu tiên của công việc “đưa đò thầm lặng”

Thanh Ny

(Giáo viên cấp 2 tại Thừa Thiên - Huế)