Cha mẹ nên làm gì khi con mắc hội chứng khó đọc?

(Dân trí) - Bài tổng hợp này giúp cha mẹ hiểu hội chứng khó đọc (dyslexia) là gì, dấu hiệu nhận biết sơ bộ, điểm mạnh của trẻ mắc hội chứng này và làm thế nào cha mẹ có thể giúp con mình sống chung với hội chứng này, đặc biệt là về mặt tâm lý.

Theo British Dyslexia Association, hội chứng khó đọc (dyslexia) được phát hiện vào năm 1896 bởi một tiến sĩ người Anh. Đây là một dạng khuyết tật tiềm ẩn ảnh hưởng tới khoảng 10% dân số, 4% bị ảnh hưởng nghiêm trọng, là một dạng Khó khăn đặc biệt trong học tập (SpLDs) phổ biến nhất và thường là do di truyền. Một học sinh mắc chứng khó đọc thường hay nhầm lẫn các ký tự trong một từ và các từ trong một câu khi đọc gây cản trở việc đọc đúng và đọc lưu loát. Các em cũng có thể gặp vấn đề viết đúng chính tả, thường hay bị viết đảo ngược các ký tự.

Cha mẹ nên làm gì khi con mắc hội chứng khó đọc? - Ảnh 1.

Không chỉ gây khó khăn khi học văn, hội chứng khó đọc còn ảnh hưởng đến qua trình xử lý, lưu trữ và tiếp nhận thông tin, các vấn đề với trí nhớ, tốc độ xử lý của não bộ, nhận thức về thời gian, việc tổ chức và sắp xếp thứ tự. Một vài trường hợp còn gặp khó khăn trong vấn đề định vị đường đi, hướng trái phải và phương hướng. Đây là một dạng khiếm khuyết trong học tập không phân biệt giới tính, quốc gia, dân tộc, giàu nghèo.

Cha mẹ nên làm gì khi con mắc hội chứng khó đọc? - Ảnh 2.

Sự khác biệt về chữ cái trong mắt người bình thường và người mắc chứng khó đọc. (Daniel Briton thiết kế)


Trong phạm vi bài tổng hợp này, chúng tôi chỉ xem xét đến hội chứng khó đọc ở trẻ trong độ tuổi đi học, giúp các bậc cha mẹ có cái nhìn rõ hơn, các dấu hiệu nhận biết sớm và những điều cơ bản mà các bậc cha mẹ có thể hỗ trợ con mình tại nhà.

Các dấu hiệu nhận biết sơ bộ:

- Tiền sử từ gia đình;

- Liên tục gặp khó khăn trong việc thay quần áo;

- Gặp khó khăn trong việc cài nút hoặc buộc dây giầy;

- Liên tục gặp khó khăn trong việc đi giày đúng chân phải, trái;

- Cảm thấy có những ngày "tốt", "xấu" mà không có lý do nào cụ thể;

- Cũng thấy thích đọc, nhưng không cảm thấy thích từng chữ cái và từ;

- Thường xuyên bị cho là "không lắng nghe" hoặc "không chú ý";

- Liên tục bị hụt chân, đâm vào đồ vật, hay ngã;

- Gặp khó khăn trong việc vỗ tay theo đúng nhịp điệu đơn giản.

Hội chứng khó đọc không phải là bệnh

Hội chứng khó đọc tạo ra nhiều khó khăn khiến tâm lý một đứa trẻ mắc chứng này thường dễ chán nản, nổi cáu, buồn bã, dễ cảm thấy bị cô lập và bị bắt nạt, vì thế các bậc cha mẹ cần hết sức khéo léo trong việc giúp đỡ con mình. Những hệ lụy như tổn thương về tâm lý, rối loạn hành vi, bỏ học giữa chừng, thậm chí vi phạm pháp luật có thể xảy ra.

Dưới một khía cạnh khác, người "bị" dyslexia là những người có thị giác rất nhạy, "thấy" nhiều hơn người bình thường; về mặt tri thức họ bén nhạy trong việc nhận thức, có óc tưởng tượng phong phú. Tạm hiểu là khi học bằng cách thực tập, hình ảnh thì những người bị dyslexia học rất nhanh và rất giỏi. Họ là những nghệ sĩ có tài và có óc sáng tạo trong việc thiết kế, tính toán và suy tưởng bên ngoài thứ tự bình thường. Họ có khả năng thiên bẩm về xây dựng hay những đồ chơi mang tính kỹ thuật như gạch, xếp hình, lego, hình khối, điều khiển TV hay video, bàn phím máy tính… Nhiều người mắc chứng khó đọc đã rất thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể kể đến một số tên tuổi như: Thomas Edison, Albert Einsten, Pablo Picasso, Alexander Graham Bell, Walt Disney…

Cha mẹ nên làm gì khi con mắc hội chứng khó đọc? - Ảnh 3.

Thái độ của cha mẹ nên như thế nào

Khi con có một vài dấu hiệu khác như kể trên, cha mẹ nên đưa con đi kiểm tra với những người có chuyên môn. Khi đã được kết luận con có hội chứng này, cha mẹ cần đón nhận với thái độ đúng đắn rằng đây không phải là một loại bệnh, và cũng không phải do con thiếu tập trung, không chịu lắng nghe hay lười học để xác định tâm lý cho chính mình và có những can thiệp hữu ích giúp con. Sau đây là một vài điều cơ bản mà cha mẹ có thể làm cho con:

• Luôn khen ngợi, động viên con, tạo tâm thế cho trẻ tin tưởng rằng mình cũng có khả năng học tập như những bạn bè khác, cho dù kết quả vẫn còn kém hơn các bạn;

• Nhấn mạnh cho con hiểu là chỉ nên so sánh với chính bản thân mình thay vì so sánh với các bạn khác;

• Khoan dung với con khi con không sắp xếp, tổ chức tốt như các bạn của con;

• Nói với con chậm, rõ và không lớn tiếng, tuyệt đối tránh chỉ trích con, tránh những lời nói, hành vi khiến các con mất tự tin, tổn thương;

• Giúp con nhận thấy rằng mình được đối xử công bằng như những người khác.

• Đảm bảo rằng con hiểu và nhớ các chỉ dẫn trong bài tập hay công việc;

• Giảm lượng công việc phải viết bằng cách như đưa mẫu có sẵn những thông tin căn bản để con chỉ việc phải điền vào chỗ trống ý chính;

• Cho phép con dùng công nghệ, các phần mềm hỗ trợ cho việc đọc viết;

• Cho phép con ghi âm bài học và dùng máy tính.

Trong khuôn khổ bài viết này chưa thể đề cập hết các nội dung liên quan đến hội chứng khó đọc của trẻ. Chứng khó đọc không phải là căn bệnh thuộc về sinh lí nên điều trị này không phải bằng thuốc mà bằng các biện pháp tâm lí và giáo dục. Cha mẹ cần thấu hiểu và thông cảm với những khó khăn của con mình và hy vọng những thông tin trên là bước đầu gợi ý để cha mẹ bắt đầu quá trình tìm hiểu và hoàn toàn có thể giúp đỡ con mình vượt qua khó khăn trong học tập, cũng như trong cuộc sống để đến với tương lai rộng mở phía trước.

Ha D.