Cháu thi căng thẳng, nội cũng chẳng thua gì!

Bà Lê Thị Phát (68 tuổi, quê Long An) có thâm niên 5 năm đưa cháu đi thi hôm nay cũng cắp nón trước cổng trường chờ thằng cháu nội.

Hai ngày cháu của bà vào phòng thi là 4 buổi bà “trực chiến” trước cổng. Cháu bà ngồi bàn cầm bút thì bà đặt một miếng báo hay một tờ giấy lộn xuống hàng gạch và cắp chiếc nón lá đau đáu ngồi chờ.

 

“Hắn thi căng thẳng tui cũng chẳng thua gì. Cầu trời cho hắn làm được bài. Hắn mà đậu tui thưởng hai sào ruộng” - bà Phát cười.

 

Trước cổng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trong suốt 3 ngày diễn ra kỳ thi tuyển sinh cao đẳng đại học đợt I là “lãnh địa” của các bậc phụ huynh chủ yếu là các bà mẹ.

 

Họ tụ tập thành một nhóm, ngồi ngay ngắn, cố nói chuyện râm ran nhưng vẫn không thể giấu nổi sự âu lo hiện rõ trên từng nét mặt. Nhìn cảnh nhấp nhỏm của họ khi chờ con em mình vượt vũ môn mới thấm thía câu “con đi thi lo một, cha mẹ lo mười”.

 

Đó là tâm trạng chung của nhiều ông bố, bà mẹ từ tỉnh đem con lên thi ở thành phố.

 

Quang gánh đưa con đi thi

 

Chú Ngô Tấn Sứ (56 tuổi, thường trú xã Sà Pan, Châu Đức, Vũng Tàu) tiếp chuyện với chúng tôi trên căn gác nhỏ tại ngôi nhà mà cha con chú được ở trọ miễn phí. Đó là nhà của bác Đôn Văn Ất số 21/1 Trần Phú, P 3, Đà Lạt.

 

Chú kể: Ngày 7/7, khi ôtô khách vào đến Bến xe Lâm Đồng thì tôi mệt muốn xỉu, không bước đi được nữa bởi bị gai cột sống và loét dạ dày mà phải đi mấy trăm cây số từ Vũng Tàu lên Đà Lạt. Hai thanh niên tình nguyện đã dìu tôi vào điểm đón tiếp và tư vấn cho thí sinh ở bến xe.

 

Mặc dù không thuộc diện chính sách nhưng tôi và con trai là Ngô Lý Tấn Thủy (SN 1989) vẫn được bố trí ở trọ miễn phí tại nhà bác Ất. Đây là lần đầu tiên đến Đà Lạt mà lại được đối xử nồng hậu thế này, suốt đời tôi không quên.

 

Bí thư Thành Đoàn Đà Lạt Đặng Đức Hiệp còn xúc động cho biết ngày 8/7, một người cha từ Nghệ An oằn lưng với đôi quang gánh đồ đạc, sách vở… cùng con trai vào Đà Lạt ứng thí.

 

Mặc dù không thuộc gia đình chính sách nhưng cũng được đội thanh niên tình nguyện linh động giải quyết chỗ trọ miễn phí. Cầu mong những cậu học trò nghèo hiếu học làm bài thật tốt, biến ước mơ của người cha người mẹ tận tụy, chân lấm tay bùn thành hiện thực.

 

Theo Hoàng Lan, Kim Anh
Tiền Phong

Dòng sự kiện: Tuyển sinh ĐH 2007