Bạn đọc viết:

Chì chiết con vì không được khen thưởng ngày 1/6

(Dân trí) - Lẽ ra vào ngày Tết thiếu nhi, các con được vui chơi, được nhận những món quà ý nghĩa từ người thân. Vậy nhưng chỉ vì con không đạt học sinh giỏi nên con bị ba mẹ mắng suốt ngày. Ngay cả cơ quan ba cũng không cho con tham dự chỉ vì con không phải là học sinh giỏi.

Hôm qua, tôi ghé nhà cô bạn gái và cũng là đồng nghiệp của tôi chơi. Vừa bước vào cổng, tôi bỗng giật mình vì tiếng quát của bạn. Bạn đang xối xả mắng cô con gái thứ hai vì tội lười học bài. Khuôn mặt bạn đỏ bừng vì tức giận. Con bé quá sợ hãi chỉ biết đứng nép mình vào cánh cửa. Cháu vừa khóc, vừa liên tục xin lỗi mẹ không ngừng.

Cô bạn gái của tôi là giáo viên dạy cấp 2. Bạn là một giáo viên dạy giỏi của trường. Bạn sinh được hai cô con gái rất dễ thương. Bé đầu năm rồi đã vào được trường chuyên của tỉnh. Cô con gái út thì vừa học xong lớp 7. Cả hai bé vốn rất chăm ngoan và học giỏi. Chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ gia đình bạn.

Thế nhưng, năm học này, chẳng hiểu sao cô con gái thứ hai của bạn bị rớt danh hiệu học sinh giỏi. Những năm trước bé thường đứng tốp đầu. Bạn tôi đã từng hãnh diện về hai cô con gái biết bao. Các con là niềm tự hào vô cùng của bạn. Bạn cũng thường khoe những thành tích của con trên Facebook của mình. Chúng tôi ai cũng mừng vì bạn có hai cô con gái thật tuyệt vời.

Quá thất vọng về con nên bạn không ngừng mắng nhiếc, chì chiết con bé. Ngay cả ông xã bạn cũng vậy. Từ hôm biết điểm đến giờ, ngày nào bạn cũng mắng vốn con. Không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng. Ông xã còn trách mắng vợ vì tội chiều con. Hai vợ chồng giận nhau cũng chỉ vì chuyện học hành của con bé.

Bạn kể rằng buồn nhất là khi cơ quan chồng thông báo kế hoạch ngày 1/6. Chỉ có học sinh giỏi mới được tham dự và khen thưởng. Vậy là nhà bạn chỉ còn được một suất. Vì thế mà bạn mới tực giận như vậy.

Những năm trước, vào Ngày Quốc tế Thiếu nhi các con bạn đều được cơ quan chồng khen thưởng và tổ chức vui chơi. Cả nhà đều hớn hở vui vẻ. Vậy mà năm nay thì buồn hết sức. Nói rồi, bạn lại tiếp tục trách mắng con. Tội nghiệp, con bé mặt mày ủ rũ ngồi một góc nhìn đến là thương.

Phải đến khi tôi nói, mãi bạn mới nguôi ngoai. Con bé đâu có làm sai điều gì. Chẳng qua vì căng thẳng quá mà bữa thi học kì con đã làm sai hai bài toán. Vậy là con bị rớt danh hiệu học sinh giỏi. Chuyện chẳng có gì lớn nếu bạn biết động viên con cố gắng ở những lần sau. Thế nhưng vợ chồng bạn lại cứ làm quá lên. Cuối cùng con khổ, bản thân bạn cũng khổ theo.

Bây giờ, có rất nhiều phụ huynh là giáo viên quan niệm giống y bạn tôi. Họ không tiếc tiền của để đầu tư cho con. Khi không đạt được ước nguyện, họ thường rất tức giận. Họ còn quan niệm con giáo viên thì nhất định phải giỏi. Thành thử, lúc nào họ cũng tạo áp lực lên các con. Nhiều đứa trẻ vì quá sợ mà sức học ngày càng đi xuống. Cô bé con bạn tôi là một ví dụ như thế.

Lẽ ra vào ngày Tết thiếu nhi, các con được vui chơi, được nhận những món quà ý nghĩa từ người thân. Vậy nhưng chỉ vì con không đạt học sinh giỏi nên con bị ba mẹ mắng suốt ngày. Ngay cả cơ quan ba cũng không cho con tham dự chỉ vì con không phải là học sinh giỏi.

Thế mới thấy áp lực thành tích điểm số không chỉ diễn ra trong các trường học. Ngay trong các gia đình, phụ huynh còn coi trọng gấp bội. Chừng nào còn áp lực về điểm số, thành tích thì chừng đó còn nhiều đứa trẻ phải khổ sở như con gái của bạn tôi.

Loát Trần

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!