Chi Pu, Sơn Tùng MTP vào đề thi: Học sinh được giáo dục gì?

(Dân trí) - Nhiều trường THPT đã đưa câu chuyện đề xuất cải tiến bảng chữ cái "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt"; câu chuyện tranh cãi về giọng hát của Chi Pu hay đề cập đến hiện tượng ca sỹ Sơn Tùng... vào đề thi Ngữ Văn, nhiều người lo ngại rằng đề thi giáo dục được gì cho học sinh qua những vấn đề trên? đâu là chuẩn mực của người chấm?

Cụ thể đề bài yêu cầu: Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao về "Đề xuất cải tiến bảng chữ cái "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt" của PGS.TS Bùi Hiền, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về đề xuất ấy.

Hoặc yêu cầu học sinh: Hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV Từ hôm nay.

Đây không phải lần đầu tiên đề thi đề cập đến những vấn đề tranh cãi chưa có hồi kết trong dư luận. Trước đó rất nhiều đề thi đề cập đến hiện tượng Sơn Tùng MTP, câu chuyện trong bộ phim Hậu duệ mặt trời... Việc đề thi đề cập đến những vấn đề mang tính thời sự không có trong sách vở, chưa phải thông tin chính thống gây ra rất nhiều tranh cãi về việc sử dụng ngữ liệu.

Nhiều người lo ngại rằng đề thi giáo dục được gì cho học sinh qua những vấn đề trên, với những học sinh không cập nhật thông tin hay không quan tâm đến vấn đề đó liệu có thiệt thòi. Đâu là chuẩn mực của người chấm, làm thế nào khi quan điểm của người chấm và học sinh có sự khác biệt?

Đề thi liên quan đến Chi Pu của Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ.
Đề thi liên quan đến Chi Pu của Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ.

Đề thi cần đề cao tính thời sự, tính thực tiễn, gần gũi và gây hứng thú với đa số học sinh.

Các đề mở dạng này đều rất sát với thực tiễn đời sống giới trẻ vì vậy bản thân học sinh đều cảm thấy mới lạ, hứng thú nên dễ nói, dễ bàn. Các vấn đề không còn mang tính hàn lâm nữa mà xóa bỏ mọi khoảng cách giữa sách vở và cuộc sống.

Các em học sinh phần nào cảm nhận được tính thiết thực của môn học. Nhiều đề bài cũng có gắn kết kiến thức và thực tiễn để các em có thể vận dụng kiến thức học được và thực tế. Từ việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đến việc cải cách bảng chữ cái, từ việc chỉ trích phê phán một người đến việc đặt mình vào vị thế của người khác để cảm nhận ít nhiều có tính giáo dục, những học sinh làm bài có chiều sâu sẽ nhận ra được dụng ý của người ra đề.

Học sinh thời đại ngày nay học lý thuyết, học qua sách giáo khoa, qua lời giảng của giáo viên là chưa đủ. Một học sinh giỏi ngày nay phải thực sự năng động, không chỉ chăm ngoan học giỏi mà còn có kỹ năng mềm đặc biệt là biết cách nắm bắt các vấn đề cuộc sống, vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống.

Không nên e ngại các vấn đề gây tranh cãi, đề cao quan điểm riêng người học là việc cần làm.

Từ trước đến nay, giáo dục nước ta vẫn còn mang tính một chiều, luôn đề cao và lấy kiến thức trong sách vở làm chuẩn mực. Trong các giờ học, trong các đề thi kiểm tra không đề cập đến các vấn đề gây tranh cãi. Như thế học sinh không được quyền và không có cơ hội được nói lên quan điểm, chính kiến riêng của mình. Tư tưởng của người viết thường bị gò vào một cái khuôn mẫu nhất định.

Sự rập khuôn máy móc ấy có thể hạn chế sự phát triển và sáng tạo. Biểu hiện là khi ai đó bày tỏ quan điểm, đề xuất hay sáng kiến cá nhân có sự khác biệt với số đông thường không được lắng nghe mà bị đánh giá tiêu cực, chỉ trích và phê phán.

Vì vậy ra đề mở để lắng nghe những tranh luận xã hội của người học cũng là đòi hỏi cần thiết của một nền giáo dục mở, không gò bó, quy ép tư duy của người học.

Đề thi thời đại mạng xã hội có chạy theo xu hướng

Việc đổi mới cách thức ra đề thi cho thấy sự chuyển biến theo hướng tích cực của việc dạy và học. Sự ảnh hưởng của thời đại công nghệ 4.0 đã phần nào đi vào quá trình dạy và học của GV và HS. Các vấn đề tranh cãi trên các trang mạng xã hội trở thành chủ đề nghị luận trong các đề thi.

HS dĩ nhiên đòi hỏi phải cập nhật các vấn đề như thế trên các trang mạng xã hội. GV cũng trở thành GV của mạng xã hội, phải cập nhật được các xu hướng, các sở thích của giới trẻ, xem giới trẻ xem gì, nghe gì, đang bàn tán chuyện gì....

Đề thi về giữ gì sự trong sáng của Tiếng Việt liên quan đến đề xuất cải tiến bảng chữ cái.
Đề thi về giữ gì sự trong sáng của Tiếng Việt liên quan đến đề xuất cải tiến bảng chữ cái.

Tuy nhiên cần cân nhắc trong việc lựa chọn vấn đề. Vì các vấn đề có tính thời sự, xu hướng không có tính bền vững sẽ nhanh chóng trở thành cái xưa cũ khi dư luận không quan tâm đến nữa. Nếu các vấn đề đưa ra không có tính khoa học, tính giáo dục thì nó trở nên phù phiếm, hình thức sáo rỗng, không có ý nghĩa.

Các thông tin đưa vào đề thi cho HS tiếp cận cũng cần có sự chọn lọc đảm bảo các yêu cầu: cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng và khách quan. Đề xuất cải cách bảng chữ cái là một công trình nghiên cứu nên không thể đưa ra bình luận khi HS chưa tiếp xúc một cách toàn vẹn và những nghiên cứu còn chưa hoàn thành.

Những thông tin như chuyện bị đá xéo, ảnh chế, clip xuyên tạc... về một ca sĩ là những thông tin chưa phù hợp có nên chăng là được nêu trong ngữ liệu ở đề thi. Cùng một vấn đề nhưng khai thác theo hướng tuổi trẻ và đam mê, khát vọng; vượt qua khó khăn từ dư luận số đông có lẽ sẽ thiết thực hơn.

Trong đó giáo viên cần định hướng được suy nghĩ của HS tránh suy nghĩ tiêu cực không thể biến bài làm của học sinh trở thành một trang mạng xã hội để ai bàn luận gì cũng được. GV cũng cần cân nhắc việc đưa thông tin cá nhân của người khác vì có thể gây tổn thương tinh thần khi người đó bị phê phán một cách công khai. Nhiều học sinh có thể chế giễu Chi Pu trong bài làm của mình. Nhiều bạn HS thay vì bàn về sự trong sáng tiếng Việt lại thiên về chỉ trích cá nhân.

Nhiều học sinh cũng lo lắng khi đề thi mở nhưng đáp án vẫn cố định gạch ý, đếm ý cho điểm. Quan điểm của mỗi người một khác biệt, liệu giáo viên có chấp nhận quan điểm của người làm bài. Khi sự phân định đúng – sai không rõ ràng thì lại phụ thuộc rất nhiều vào chủ quan của người chấm.

Người chấm phải có tầm nhìn bao quát, có chiều sâu kiến thức và hiểu biết xã hội. HS làm bài cũng nên tự tin bày tỏ suy nghĩ cá nhân, sẵn sàng bảo vệ quan điểm của mình sao cho thuyết phục nhất bằng lí lẽ và dẫn chứng.

Tóm lại vấn đề được lựa chọn trong các bài giảng hay trong các đề thi không quan trọng, quan trọng là GV sẽ khai thác thông tin gì, định hướng thông điệp gì và HS có được thực sự nói lên quan điểm của mình một cách tích cực hay không? Trong một phạm vi nào đó, những đề thi như thế sẽ thay đổi không khí học tập sôi nổi, hào hứng và thú vị hơn.

Xem xét ở một khía cạnh khác nó lại trở nên “tầm phơ tầm phào” vô vị, vô ý nghĩa. Giống như nhà văn Nguyễn Khải đã từng khẳng định: Để sống được hằng ngày tất nhiên phải nhờ vào những “giá trị thức thời”, nhưng sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào những “giá trị bền vững”.

Trịnh Văn Quỳnh

(Giáo viên THPT Lương Thế Vinh, Nam Định)