Chiến lược tâm lý giúp con dễ dàng vượt qua kì thi THPT

(Dân trí) - Các bậc phụ huynh nên có một chiến lược hỗ trợ tức thì để con bớt căng thẳng trong những ngày thi THPT quốc gia sắp tới.

Thay vì hỏi con có làm được bài không thì cha mẹ nên dành những câu hỏi thể hiện sự quan tâm của mình tới cảm xúc của con hay có những câu hỏi phân tán sự chú ý của con khỏi bài thi như hỏi con về món ăn mình nấu hay cùng nhau bàn về kế hoạch của cả gia đình khi kì thi kết thúc,…

Đó là chia sẻ của chuyên gia tâm lý Dương Thị Hoài tại buổi tọa đàm “Bên con mùa thi” do trường Đại học Anh Quốc Việt Nam tổ chức hôm Chủ nhật vửa rồi nhằm chia sẻ những áp lực trong mùa thi với các bậc phụ huynh có con đang chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.

Chiến lược tâm lý giúp con dễ dàng vượt qua kì thi THPT - 1

 Toàn cảnh buổi tọa đàm “Bên con mùa thi”.

Với sự chia sẻ của các diễn giả là chuyên gia trong các lĩnh vực tâm lý và dinh dưỡng – Bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải, nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú và chuyên gia tâm lý học đường Dương Thị Hoài, sự kiện thu hút hơn 100 phụ huynh tham dự.

Những vấn đề tâm lý trong mùa thi

Chia sẻ về vấn đề các em học sinh có thể gặp phải trong mùa thi, chị Hoài, chuyên gia tâm lý của trường Đại học Anh Quốc Việt Nam cho biết “Trong giai đoạn thi cử, các bạn học sinh thường đối diện với tình trạng lo âu. Sự lo âu, căng thẳng sẽ gây nên các vấn đề trên ba phương diện: cảm xúc, nhận thức và hành vi.”

Về cảm xúc, sẽ có nhiều cảm xúc tiêu cực đến với các bạn như: lo lắng, hoang mang, bồn chồn và nguyên nhân có thể đến từ chính bản thân, từ cha mẹ, họ hàng hay báo chí truyền thông.

Trên phương diện nhận thức, các em học sinh giai đoạn này thường tập trung năng lượng vào việc ôn luyện, ghi nhớ nhưng nhiều bạn cũng có thể có những suy nghĩ, trăn trở, lo lắng về tương lai, về việc nếu không đạt kết quả như mong đợi thì sẽ ra sao,…

Chiến lược tâm lý giúp con dễ dàng vượt qua kì thi THPT - 2

 Chuyên gia tâm lý Dương Thị Hoài cho biết hầu hết các sĩ tử đều đối diện với cảm giác lo âu, căng thẳng trong mùa thi.

Về hành vi, có nhiều xu hướng hành vi như: tăng cường học tập hoặc né tránh, ngừng việc luyện lại và không động đến sách vở. Cơ thể các em có thể có những triệu chứng như: tim đập nhanh, toát mồ hôi, cảm thấy bồn chồn bứt rứt, có những cơn đau, mỏi cơ, đau đầu, chị Hoài cho biết.

“Căng thẳng trở thành có hại khi nó đến quá nhiều cùng một lúc và bạn học sinh không có kỹ năng đối phó. Điều đó dẫn đến hậu quả là việc thể hiện không tốt trong kỳ thi, kết quả không tương xứng với khả năng,” chị Hoài chia sẻ.

Cách giải tỏa tâm lý cho sĩ tử

Chia sẻ về cách giải tỏa tâm lý cho con, anh Hoàng Anh Tú, Trưởng ban biên tập báo Hoa học trò - Sinh viên Việt Nam, thường được biết đến với vai trò Chánh Văn ở báo Hoa học trò cho biết: “Đôi khi mình nên xác định trách nhiệm học hành là của con, bố mẹ chỉ hỗ trợ thôi. Việc của chúng ta là chăm sóc, tạo điều kiện cho con học, chi tiền để con học được điều con mong muốn, tạo quyền quyết định cho con học cái gì. Khi con nhận ra rằng học là việc của mình, thì con sẽ cảm thấy thoải mái, không phải áp lực về việc phải trả điểm về cho bố mẹ.”

Chiến lược tâm lý giúp con dễ dàng vượt qua kì thi THPT - 3

 Diễn giả Hoàng Anh Tú chia sẻ tại buổi tọa đàm “Bên con mùa thi” do trường Đại học Anh Quốc. Anh là gương mặt quen thuộc với nhiều thế hệ học trò với vai trò Chánh Văn của báo Hoa học trò.

Để tạo được sự ảnh hưởng tích cực lên con trong mùa thi, cha mẹ nên là người đồng hành và có những cách động viên con thích hợp cùng chiến lược giải tỏa tâm lý kịp thời, chị Hoài chia sẻ.

Sự đồng hành cùng con nên bắt đầu ngay từ đầu năm học. Cha mẹ và con nên cùng nhau chia sẻ, lựa chọn ngành học, tạo những cuộc nói chuyện thoải mái để tìm hiểu đam mê và sức học để tư vấn ngành học phù hợp với con.

Chiến lược tâm lý trong kì thi cũng vô cùng quan trọng. Thay vì hỏi con có làm được bài không sau một ngày thi căng thẳng, cha mẹ nên có những câu hỏi nhằm phân tán sự chú ý của con, nhằm thể hiện sự quan tâm của cha mẹ tới cảm xúc của con.

Sau kì thi, gia đình có thể cùng nhau có một chuyến đi chơi để ghi nhận những nỗ lực của con trong suốt thời gian nỗ lực đồng thời tiếp tục thảo luận, tìm những sự lựa chọn khác nếu kết quả của con không được như mong muốn, chị Hoài cho biết.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp

Về dinh dưỡng, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khuyên các sĩ tử nên ăn các loại thực phẩm giàu năng lượng, uống đủ nước và tuyệt đối tránh các loại đồ uống có chất kích thích như trà đặc, cà phê,.., các loại đồ ăn vặt như nem chua rán, bim bim,…

Chiến lược tâm lý giúp con dễ dàng vượt qua kì thi THPT - 4

 Trong buổi tọa đàm Bên con mùa thi, bác sĩ Lê Thị Hải (bên phải) đã chia sẻ một số lưu ý khi chăm sóc các sĩ tử trong mùa thi.

Bác sĩ cho biết thêm: “Các phụ huynh không nên cho con dùng thuốc bổ bởi những chất dinh dưỡng bổ cho não thì hoàn toàn có trong thực phẩm. Ăn uống đầy đủ là ta đã có thể cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể.”

Các em học sinh cũng nên đi ngủ sớm và đảm bảo ngủ tối thiểu 6-8 tiếng/ ngày.

Chiến lược tâm lý giúp con dễ dàng vượt qua kì thi THPT - 5

 Tọa đàm “Bên con mùa thi” do trường Đại học Anh Quốc Việt Nam tổ chức đã thu hút đông đảo phụ huynh và các em học sinh tham dự.

“Học 1 tiếng vào buổi sáng sớm có thể có hiệu quả bằng 4-5 tiếng buổi đêm. Các em không cần thiết suốt ngày phải ôn luyện mà điều quan trọng là sự tập trung. Học trong thời gian ngắn thôi nhưng hiệu quả thì tốt hơn rất nhiều so với việc học nhiều,” bác sĩ Hải cho biết.

Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, trường Đại học Anh Quốc Việt Nam đã gửi tặng quý phụ huynh tham dự Thực đơn “10 ngày dinh dưỡng cho sĩ tử mùa thi” được bác sĩ Lê Thị Hải thiết kế riêng cho các sĩ tử. Quý độc giả quan tâm có thể truy cập tại đây để tìm hiểu thêm về cách thức nhận thực đơn:

https://www.facebook.com/Britishuniversityvietnam/videos/2084443728331093/