Cần có chính sách đột phá cho các nhóm nghiên cứu trong trường đại học

(Dân trí) - Việt Nam chưa có những cơ chế chính sách mạnh để hỗ trợ và thúc đẩy sự hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu (NNC) trong các trường đại học. Nếu có sự hỗ trợ cũng là mức kinh phí rất nhỏ.

Ngày 05/1/2019, trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo quốc gia về: "Xây dựng và Phát triển các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học Việt Nam". Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc dự và chỉ đạo Hội thảo.

Cần có chính sách đột phá cho các nhóm nghiên cứu trong trường đại học  - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự hội thảo

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Khoa học của Hội thảo cho biết, các nhóm nghiên cứu (NCC) chính là các tế bào sống của hoạt động khoa học và thậm chí của cả hoạt động đào tạo trong các trường đại học. Vì chỉ có xây dựng được các nhóm nghiên cứu mạnh, mới triển khai được các hoạt động nghiên cứu mạnh, đủ sức giải quyết những vấn đề khoa học đỉnh cao của ngành và những nhiệm vụ KHCN quan trọng của đất nước. Mặt khác đào tạo và phát triển đội ngũ cũng được thông qua hoạt động của chính các nhóm nghiên cứu, nhất là đào tạo nghiên cứu sinh.

Hơn nữa khi nhóm nghiên cứu đã đủ mạnh về nhân lực, CSVC và các nguồn lực khác, lại có thể xây dựng các chương trình đào tạo mới. Thông qua sự phát triển của các nhóm nghiên cứu cũng sẽ tăng các công bố quốc tế, từ đó sẽ nâng được thứ bậc và xếp hạng của trường đại học. NNC vừa là phương thức, vừa là mục tiêu phát triển của các trường đại học tiên tiến.

Hiện nay các cơ quan quản lý cấp Bộ, Ngành, cũng như một số đại học, trường đại học định hướng nghiên cứu đã quan tâm và có những chính sách đầu tư cho NNC, nhưng trên thực tế tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ này còn chậm.

Điều đó đặt ra mục tiêu phải tìm hiểu, phát hiện và hóa giải những bất cập để những chính sách hỗ trợ NNC đi nhanh và hiệu quả vào thực tiễn, nhân rộng trong các trường đại học, từ đó trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy nhanh số lượng và nâng cao chất lượng các công bố quốc tế, qua đó nâng cao thứ hạng các trường đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng đại học của khu vực và thế giới.

Đã có 945 nhóm nghiên cứu trong trường đại học

Tại hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và cộng sự đã đưa ra một khảo sát quan trọng của nhóm thực hiện đề tài với các giảng viên ở 40 trường đại học, kết quả cho thấy có 58,8% (127/216) khẳng định đang tham gia các NNC.

Trên cơ sở khảo sát từ 142/271 trường đại học, hiện nay trong hệ thống các trường đại học đã hình thành 945 NNC, một trường đại học có trung bình 7 NNC". Độ tuổi đông nhất của các thành viên trong NNC là ở lứa tuổi từ 35-45 là 59,2%.

Các kết quả khảo sát cũng ghi nhận, nhiều NNC mới được tạo lập từ 2017 trở lại đây. Điều này có thể lý giải bởi áp lực của yêu cầu về công bố quốc tế với độ ngũ giảng viên và NCS.

Đóng góp lớn nhất của các NNC trong 5 năm qua là đã tạo được sự chuyển biến đột phá về chất lượng.

Đến nay, 80% các NCS trong lĩnh vực KHTN- CN của ĐHQGHN, cũng như nhiều NCS của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân và nhiều trường đại học khác, nhờ trưởng thành trong các NNC nên khi bảo vệ luận án TS đều đã có công bố quốc tế ISI.

GS Đức cho hay, các kết quả khảo sát của chúng tôi cho kết quả 65,3% các giảng viên tham gia các NNC đã có các công bố trên các tạp chí ISI/Scopus. Nhờ nâng chuẩn chất lượng và có chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu và các NNC, công bố quốc tế của Việt Nam đã đặc biệt tăng mạnh trong 5 năm gần đây.

Ví dụ, năm 2013, tổng công bố quốc tế của cả Việt Nam hết sức khiêm tốn, ở mức 2309 bài, thì theo thống kê mới đây nhất của nhóm nghiên cứu độc lập của trường ĐH Duy Tân, tính từ 2017 đến thời điểm công bố vào tháng 6/2018, chỉ riêng các công bố quốc tế của 30 trường đại học Việt Nam hàng đầu trong danh sách này đã đạt 10.515 bài, và hơn cả giai đoạn 5 năm trước 2011-2015, khi đó toàn Việt Nam, trong 5 năm mới có 10.034 bài. Có thể nhận thấy sự gia tăng các công bố quốc tế  tỷ lệ thuận với sự gia tăng các NNC trong các trường đại học của Việt Nam.

Cần có chính sách đột phá cho các nhóm nghiên cứu trong trường đại học  - Ảnh 2.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: "Các NNC chính là môi trường để các nhà khoa học được thể hiện và phát huy năng lực chuyên môn trong đào tạo và nghiên cứu".

5 hạn chế cản bước nhóm nghiên cứu

Cũng theo khảo sát, NNC trong các lĩnh vực cũng không đồng đều và có sự chênh lệch khá lớn: KHTN: 40,2%; Công nghệ - kỹ thuật chiếm 37%; Xã hội nhân văn chiếm 22,8% và Kinh tế - Luật chỉ chiếm 10,2%; trong khi Khoa học Giáo dục chỉ chiếm 1,6%.

 Khảo sát cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế chủ yếu của các NNC hiện nay ở Việt Nam là:

Thứ nhất, số lượng các công bố quốc tế của các NNC còn khá khiêm tốn. Trong đó có 37,5% số thầy cô được hỏi chưa có công bố quốc tế ISI/Scopus, và 34,7% chưa có công bố quốc tế nào khác. Số các giảng viên có công bố quốc tế ISI/Scopus trên 5 bài chỉ có 34,2%. 32,9% chưa có sách chuyên khảo nào.

Thứ hai, còn thiếu cán bộ khoa học đầu ngành dẫn dắt NNC. Kết quả khảo sát mới cho thấy trong số các cán bộ được hỏi mới có 75% các NNC là do các GS, PGS dẫn dắt. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát đánh cho thấy 96% cho rằng vai trò dẫn dắt của người trưởng nhóm rất quan trọng, 97,6% cho rằng bên cạnh người trưởng nhóm, chất lượng các thành viên tham gia NNC cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển NNC.

Thứ ba, nguồn lực đầu tư cho các NNC còn hạn chế. Kinh phí cho các đề tài rất khiêm tốn và thường bị cấp chậm. Có đến 93,7% số người được hỏi cho rằng kinh phí để đầu tư cho NNC có vai trò hết quan trọng trong việc duy trì và phát triển NNC.

Qua phỏng vấn sâu các trưởng NNC cho thấy, kinh phí cần được hỗ trợ bên cạnh để chi trực tiếp cho hoạt động chuyên môn, còn cần để thu hút nhân tài, thu hút các TS trẻ làm post-doctoral trong nhóm, thu hút các NCS và các sinh viên tài năng (nhằm duy trì đội ngũ này làm việc trong NNC, thay vì các em đã được đào tạo nhưng sau khi tốt nghiệp lại phải đi làm ở ngoài doanh nghiệp). 

Thứ tư, CSVC, thiết bị đầu tư cho nghiên cứu không có, hoặc rất thiếu, hoặc không đồng bộ.

Thứ năm,  chưa có những cơ chế chính sách mạnh để hỗ trợ và  thúc đẩy sự hình thành và phát triển các NNC trong các trường đại học. Nếu có sự hỗ trợ cũng là mức kinh phí rất nhỏ.  

Quốc tế hóa trong các hoạt động nghiên cứu chưa cao

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng, nguyên nhân chính của những hạn chế tồn tại nêu trên trước hết xuất phát từ chủ quan các cán bộ giảng viên còn chưa ý thức được đầy đủ việc gắn kết công tác đào tạo với nghiên cứu, và chưa ý thức được tầm quan trọng của việc làm việc và rèn luyện, nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn thông qua NNC.

Qua khảo sát còn có 2,2% trả lời không có nhu cầu tham gia NNC và 15,7% trả lời chưa rõ được lợi ích của việc tham gia các NNC. Thứ đến là chính sách hỗ trợ , khuyến khích của đơn vị đào tạo cho các NNC hoặc chưa có, hoặc chưa cụ thể, hoặc còn chưa đáng kể, tức là chính đơn vị đào tạo cũng chưa có những giải pháp quyết liệt để đầu tư cho các NNC.

Và nguyên nhân đặc biệt quan trọng mà GS Đức đưa ra là sự hội nhập quốc tế trong các nghiên cứu của các nhà khoa học và mức độ quốc tế hóa trong các hoạt động của nhiều trường đại học Việt Nam còn chưa cao. Có đến 16,7% các cán bộ giảng viên được hỏi trả lời chưa từng tham gia hội nghị quốc tế nào (được tổ chức ở trong cũng như ngoài nước).

GS Nguyễn Đình Đức cho rằng, để chúng ta có thể nắm bắt được những cơ hội của của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, không chỉ cần nguồn nhân lực chất lượng cao mà cần có nhân tài. Chính vì vậy, các NNC cũng không là ngoại lệ và vấn đề thu hút nhân tài cũng là thách thức lớn đặt ra với các NNC trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay.

Việc thu hút và trọng dụng tài năng trí thức (trong và ngoài nước) trong các trường đại học phải được thực hiện trong mô hình của các NNC, vì các NNC chính là môi trường để các nhà khoa học được thể hiện và phát huy năng lực chuyên môn trong đào tạo và nghiên cứu.

Để khắc phục những hạn chế tồn tại và những nguyên nhân chủ yếu nêu trên, cũng như thu hút được nhân tài, đáp ứng được xu thế phát triển và vận động khách quan của các NNC, nhóm nghiên cứu khảo sát kiến nghị Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm xây dựng chính sách hỗ trợ cho việc xây dựng và phát triển các NNC trong các trường đại học.

 Theo GS Đức, thực tế cho thấy các NNC thuộc các lĩnh vực khác nhau cần có những chính sách khác nhau. Các NNC cũng có quy mô, trình độ và thành tích nghiên cứu, đào tạo nghiên cứu, uy tín và khả năng kết nối, hợp tác trong ngoài nước rất khác nhau, vì vậy, các chính sách cũng cần xây dựng các tiêu chí đánh giá phù hợp với từng đối tượng để đảm bảo đầu tư không lãng phí, tránh cào bằng và đem lại hiệu quả cao nhất. 

"Chúng tôi đề xuất có thể xây dựng các tiêu chí để phân biệt các NNC thành 3 loại cơ bản: NNC cấp cơ sở giáo dục đại học, NNC mạnh cấp quốc gia và NNC quốc tế để có những cơ chế chính sách đầu tư và yêu cầu về chuẩn đầu ra phù hợp" – GS Đức nhấn mạnh.  

       

Cần có chính sách đột phá cho các nhóm nghiên cứu trong trường đại học  - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định: "Trong thời gian tới, để thúc đẩy sự phát triển của nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học thì Bộ GD&ĐT và Bộ KHCN sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng cơ chế chính sách để hình thành cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu mạnh thực sự và sống được bằng khoa học".

Nhật Hồng