Chưa có chương trình đã đăng ký viết sách giáo khoa

(Dân trí) - Mặc dù Bộ GD-ĐT chưa ban hành chương trình mới nhưng Sở GD-ĐT TPHCM đã có công văn gửi Bộ xin đăng ký viết sách giáo khoa. Thông tin này được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết tại cuộc họp báo chiều 22/4.

Tại buổi họp báo, Bộ GD-ĐT tập trung trao đổi với báo chí một số thông tin về các hoạt động thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Ông Đoàn Văn Ninh - Vụ Trung học, Trưởng ban thường trực Đề án đổi mới Chương trình, SGK cho hay, ngày 27/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định số 404 phê duyệt đề án đổi mới chương trình SGK, tuy nhiên trên thực tế, Bộ đã chuẩn bị các điều kiện cho việc thực hiện đổi mới này từ lâu.

Ông Đoàn Văn Ninh (áo tối màu) trao đổi với báo chí về các hoạt động thực
Ông Đoàn Văn Ninh (ngoài cùng bên trái) trao đổi với báo chí về các hoạt động thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Minh chứng cho vấn đề này, ông Ninh cho biết: Trong thời gian qua, ngành Giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về đổi mới việc thực hiện và quản lý triển khai đổi mới chương trình, SGK, làm cơ sở cho việc tiếp tục nghiên cứu và áp dụng chương trình, SGK mới và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và đã có thành công bước đầu: Giao quyền tự chủ xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục trường học phổ thông; Mô hình trường học mới ở tiểu học và THCS; Thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tiễn của chương trình trung học; Đổi mới dạy học ngoại ngữ ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo; Dạy tiếng Việt lớp 1 theo phương pháp Công nghệ giáo dục; Áp dụng phương pháp dạy học “bàn tay nặn bột” ở tiểu học và THCS;

Triển khai dự án thí điểm đổi mới dạy mỹ thuật ở tiểu học; Đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 30; Đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH,CĐ theo hướng đánh giá năng lực, bảo đảm khách quan, công bằng, giảm áp lực, tốn kém, góp phần đổi mới dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục;...

Bên cạnh đó chỉ đạo 7 trường ĐH Sư phạm trọng điểm tham gia đóng góp xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, chủ động tham gia nghiên cứu, đổi mới công tác đào tạo, đào tạo lại giáo viên một cách toàn diện (từ mục tiêu, chương trình, giáo trình, phương pháp đến cách thức kiểm tra đánh giá) nhằm đáp ứng yêu cầu chương trình và SGK mới; tích cực phối hợp với các trường phổ thông chuẩn bị nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu năng lực (tài liệu, bài giảng của các chuyên gia, bài giảng mẫu...).

Cơ bản đã có chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Ông Ninh cũng cho biết thêm, Bộ GD-ĐT đã huy động đông đảo đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục ở các trường phổ thông, trường ĐH, viện nghiên cứu,... tham gia thiết kế, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể; tổ chức các hội thảo xin ý kiến về chương trình GDPT tổng thể. Cho đến thời điểm này, chương trình GDPT tổng thể về cơ bản đã tạo được sự đồng thuận, nhất chí cao. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện, để đưa ra thảo luận, xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội.

Trao đổi thêm về cách thực hiện của Bộ GD-ĐT Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho hay: Bộ GD-ĐT không thực hiện việc xây dựng xong chương trình tổng thể mới tiến hành xây dựng chương trình bộ môn. Hiện nay các bộ môn cũng đã bắt đầu biên soạn xây dựng chương trình trong khi chương trình tổng thể thì chưa hoàn thành, chương trình tổng thể sẽ được phê duyệt trước, chương trình bộ môn bắt đầu sau nên sẽ phê duyệt sau. Cách thực hiện nay nhằm đảm bảo tính nhất quán từ đầu đến cuối nhưng cũng không bị chậm trễ. Nếu xong chương trình tổng thế mới làm chương trình bộ môn sẽ bị chậm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

Thậm chí bây giờ đã có một số tác giả có ý viết SGK mới. Dù thế nào thì SGK vẫn phải được phê duyệt sau khi đã có chương trình bộ môn. Chuẩn bị trước cứ chuẩn bị nhưng trước khi ban hành, phê duyệt thì phải xem lại những quy định. Khi ban hành chương trình bộ môn phải đối chiếu với chương trình tổng thể đã hoàn thiện, khi ban hành SGK phải đối chiếu với chương trình bộ môn đã được phê duyệt.

Trước câu hỏi mà phóng viên Dân trí đặt ra: Theo Nghị quyết cũng như các Chỉ thị thì yêu cầu phải ban hành tiêu chí tuyển chọn người tham gia viết chương trình. Tuy nhiên hiện nay chưa có tiêu chí nhưng Bộ lại cơ bản đã có chương trình tổng thể, điều này có phải là mâu thuẫn?

Giải đáp vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: “Cái trong đầu của Bộ và cái Bộ đang nháp ra là có rồi, tiêu chí những người này đã có rồi. Vấn đề là muốn cho chỉn chu thì mới đi xin góp ý công khai. Hội đồng để viết chương trình này là chưa thành lập nhưng Bộ đang tập trung những nhà khoa học có năng lực nhất tập hợp họ vào để viết. Không phải chỉ có họ viết mà nhiều lần thảo luận, hội thảo để xin ý kiến toàn quốc. Để hoàn thiện chỉnh thể sẽ có đội ngũ đủ tiêu chuẩn mình duyệt vào để làm lại lần cuối cùng rồi mới đem đi thẩm định. Đảm bảo hai việc thống nhất nhau chứ không có chuyện mâu thuẫn”.

Thứ trưởng Hiển cũng khẳng định, chưa có chương trình tổng thể vẫn viết được chương trình bộ môn, chỉ có điều chương trình bộ môn đó chưa được áp dụng ngay. Khi đã hình dung được chương trình tổng thể thì có thể viết được chương trình bộ môn, chương trình bộ môn muốn phê duyệt được thì phải đối chiếu lại với chương trình tổng thể đã được phê duyệt. Có như thế mới tranh thủ được thời gian.

Hiện tại Bộ cũng đã hình thành nhóm xây dựng chương trình tổng thể và các nhóm xây dựng chương trình bộ môn để thực hiện, các nhóm này thường xuyên làm việc với nhau để đảm bảo sự thống nhất. Các nhóm này chưa được phê duyệt trên giấy tờ mà thôi.

Theo tiết lộ của Thứ trưởng Hiển, tiêu chí chọn người xây dựng chương trình gồm các tiêu chuẩn chính sau: Có phẩm chất; phải giỏi về khoa học; có năng lực sư phạm và một số tiêu chí khác như năng lực tiếp thu, năng lực thực tiễn.

“Trước mắt Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo một tổ chức nào đó để viết SGK, Sở GD-ĐT TPHCM có công văn xin tham gia viết SGK” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.

Khoảng 85% trường học thực hiện chương trình mới

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng tiết lộ một số thông tin về việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Chẳng hạn như, với việc sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia viết SGK nên Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu họ phải có đề cương. Điều này có nghĩa, các tác giả viết đề cương trước để Bộ GD-ĐT góp ý kiến, qua đó tác giả hình dung để viết SGK để giảm đi tính mạo hiểm (viết sách xong nhưng không được phê duyệt).

Về sự khác biệt so với lần đổi mới trước, Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh: Trước đây không xây dựng chương trình tổng thể, viết chương trình tiểu học sau đó ban hành chương trình THCS và sau ban hành THPT. Lần này có chương trình tổng thể sẽ đảm bảo được tính nhất quán, liên thông giữa các cấp học, không bị cắt khúc như trước. Chương trình tổng thể còn có cả định hướng cả về mặt yêu cầu. Định hướng chương trình, SGK sắp tới là phát triển phẩm chất năng lực học sinh chứ không dừng lại ở mức là chỉ trang bị kiến thức.

Sẽ có khoảng 85% số các trường học đáp ứng được ngay việc dạy
Sẽ có khoảng 85% số các trường học đáp ứng được ngay việc dạy chương trình mới.

Trong chương trình phổ thông sắp tới sẽ phân ra thành hai giai đoạn: Một là giai đoạn cơ bản gồm có tiểu học và THCS - Trang bị cho học sinh kiến thức phổ thông nền tảng; Hình thành ra cơ bản phương pháp tự học của các em học sinh. Mô hình chung là học sinh học xong THCS là có thể bước vào đời, tự nuôi sống bản thân. Đây chỉ là trước mắt còn muốn hướng tới tương lai thì học sinh lại phải tự học, học thường xuyên.

Ở THCS cũng sẽ có gợi ý cho học sinh biết được năng lực của mình, ý thích của mình, hiểu được những cái đơn giản về nghề nghiệp trong xã hội để các em có nền tảng vững chắc để định hướng học tiếp THPT hay ra ngoài đường đời vừa làm, vừa học hay là đi học nghề.

“Trước đây quan niệm 12 năm là xong phổ thông nhưng ở chương trình mới học sinh học hết lớp 9 là cơ bản xong. Thời gian thì ít đi, yêu cầu thì cao hơn nên thiết kế chương trình theo hướng tích hợp nhiều hơn, giảm số môn học bắt buộc. Những kiến thức có liên quan đến nhau được sắp xếp lại gần nhau, không bị dạy đi dạy lại. Khi xếp lại gần nhau thì việc dạy và học dễ liên hệ tới nhau nên khi vận dụng sẽ thuận lợi dễ hình thành năng lực hơn. Năng lực tổng hợp của học sinh sẽ sớm được hình thành hơn, kiến thức sớm được cung cấp đầy đủ hơn” - Thứ trưởng Hiển nói.

Hai là giáo dục định hướng nghề nghiệp thực hiện ở bậc THPT bằng cách dạy phân hóa, dạy ít môn bắt buộc còn một ít môn tự chọn, thêm chuyên đề học tập cho các em học sinh tự chọn. Tuy nhiên sự phân hóa được thực hiện dần chứ không phải ngay từ lớp 10. Với việc dạy phân hóa thì cách tổ chức học THPT sẽ phức tạp và khó hơn. Chương trình thiết kế mở đáp ứng được làm sao được cao nhất nguyện vọng của HS, trong khả năng phù hợp của nhà trường.

“Theo định hướng thì chương trình ban hành ra là các trường thực hiện được ngay là khoảng 80-85%. Đội ngũ giáo viên chỉ cần đi tập huấn trong một thời gian ngắn (trong đợt hè chẳng hạn ) là có thể thực hiện được, tất nhiên cơ sở cũng phải được trang bị thêm một ít. Đây chính là tính khả thi của đề án. Chỉ có khoảng 10-15% các trường thiếu thì nhà nước sẽ tập trung để đầu tư” - Thứ trưởng Hiển khẳng định.

Thứ trưởng Hiển cũng cho biết thêm, ngoài đề án chương trình, SGK mới thì Bộ GD-ĐT sẽ có thêm hai đề án: Đề án về cơ sở vật chất; Đề án phát triển đội ngũ cán bộ nhà giáo.

Nguyễn Hùng