Chuyển giáo viên dôi dư bậc THCS sang dạy tiểu học, mầm non: Không thể làm khác?

(Dân trí) - Trước tình thế thừa giáo viên (GV) THCS nhưng thiếu GV tiểu học, mầm non, nhiều địa phương ở tỉnh Nghệ An đã chuyển số GV thừa sang chỗ thiếu. Bên cạnh sự phản đối của các GV bị chuyển, phương án này khiến không ít phụ huynh băn khoăn.

Giáo viên THCS đi dạy mầm non, tiểu học

Năm học 2018-2019, toàn tỉnh Nghệ An dôi dư hơn 1.089 GV bậc học THCS. Trong khi đó, thực hiện việc dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học thì hiện nay Nghệ An còn thiếu nhiều GV mới có thể đáp ứng được tỉ lệ 1,5 GV/lớp. Đối với bậc học mầm non, tình trạng thiếu GV cũng xảy ra ở nhiều địa phương do không được tăng chỉ tiêu tuyển dụng biên chế.

Một buổi học của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An)
Một buổi học của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An)

Tại huyện Diễn Châu (Nghệ An), năm học 2018-2019, dư 234 GV bậc THCS, bậc tiểu học thiếu 123 GV, bậc mầm non thiếu 210 GV. Đầu tháng 8 vừa qua, UBND huyện Diễn Châu đã có quyết định điều động 109 GV môn Toán và Ngữ văn bậc THCS dạy tiểu học.

Ông Nguyễn Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Việc điều chuyển GV từ bậc THCS sang tiểu học để giải quyết dôi dư GV trong thời điểm này cũng là giải pháp cần thiết nhưng không vội vàng. Trong quá trình triển khai cần phải tuyên truyền, giải thích đầy đủ, bố trí hợp lý để nhận được sự đồng tình của GV và các nhà trường.

Tại huyện Nam Đàn, năm học này bậc THCS thừa 40 GV, trong khi đó bậc tiểu học lại thiếu. UBND huyện Nam Đàn đã quyết định “biệt phái” 21 GV bậc THCS sang dạy bậc tiểu học. Để đảm bảo yêu cầu công tác mới, các GV này sẽ được bồi dưỡng, tập huấn một thời gian trước khi thực hiện nhiệm vụ công tác mới.

Giáo viên ấm ức, phụ huynh băn khoăn

Khi nhận được quyết định “điều động” hoặc “biệt phái” sang cấp tiểu học công tác, nhiều GV đã bày tỏ thái độ không đồng thuận. Theo các GV này, họ được đào tạo dạy THCS, khi chuyển sang dạy học sinh tiểu học hay mầm non - là một đối tượng khác thì sẽ không hề dễ dàng.

Mặc dù các GV này phải trải qua một khóa bồi dưỡng, tập huấn nhưng theo họ thời gian tập huấn quá ngắn, khó có thể lĩnh hội hết kỹ năng bởi mỗi cấp học có một đặc thù riêng. Chưa kể, một số GV cảm thấy không thoải mái khi bị “hạ cấp”.

Bậc tiểu học có những đặc thù riêng do các giáo viên phải dạy tổng hợp môn, thay vì dạy 1 -2 môn như bậc THCS
Bậc tiểu học có những đặc thù riêng do các giáo viên phải dạy tổng hợp môn, thay vì dạy 1 -2 môn như bậc THCS

Trong khi đó, một số GV thuộc diện thuyên chuyển cho rằng việc các tiêu chí đưa ra để “chấm điểm” GV điều động, thuyên chuyển chưa thực sự công bằng, dễ nảy sinh tình trạng “chạy” để được ở lại dạy bậc THCS. Có GV đã thẳng thừng từ chối quyết định “biệt phái” vì cho rằng quyết định này là không công bằng.

Anh Lê Thanh Hưng - một phụ huynh có con đang học mẫu giáo băn khoăn: “Các GV bậc THCS là được đào tạo chuyện sâu theo từng môn, giờ chuyển sang dạy tiểu học và mầm non với những đặc thù riêng như vậy liệu họ có đảm đương được không? Chưa kể, hai bậc này không chỉ yêu cầu về kiến thức mà còn yêu cầu về kỹ năng, tâm lý, năng khiếu nữa. Trong khi đó, các GV chỉ được bồi dưỡng trong vài ba tháng hè thì làm sao mà trang bị hết những kỹ năng mềm này?

Ông Đậu Văn Thanh - Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An nêu quan điểm: Luân chuyển là cần thiết nhưng không được tùy tiện, ồ ạt mà vừa phải đảm bảo về mặt tổ chức lẫn cá nhân. Về nguyện vọng cá nhân, cũng phải phù hợp với bố trí, tổ chức. Ý kiến cá nhân nếu tổ chức thấy chưa ổn, chưa hợp lý thì cần phải xem xét, không được làm theo đại trà. Quan điểm của Sở là theo đúng các văn bản chỉ đạo hướng dẫn, nếu địa phương nào làm sai, trái với hướng dẫn sẽ phải rà soát và kiểm tra.

Việc điều động không nhận được sự đồng thuận của chính các GV thì liệu họ có chuyên tâm mà thực hiện nhiệm vụ mới hay không? Phương án này là để giải quyết tình trạng thừa - thiếu GV ở các bậc học khác nhau nhưng tôi không thực sự yên tâm nếu con mình được phân công cho các GV này đứng lớp”.

Không còn cách nào khác!

Theo nguyên tắc, đối với số GV dôi dư ở bậc THCS phải chấm dứt hợp đồng, còn bậc tiểu học, mầm non phải tuyển dụng số còn thiếu. Tuy nhiên, 10 năm nay Diễn Châu không được phê duyệt thêm biên chế giáo dục nào, kể cả hợp đồng mới. Trong khi đó, nếu chấm dứt hợp đồng sẽ có hàng trăm giáo viên mất việc làm, kéo theo nhiều hệ lụy khác. Bởi vậy, theo ông Mai Ngọc Long - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu, việc chuyển các GV thừa ở bậc THCS sang bậc mầm non, tiểu học là tất yếu, không có cách nào khác.

Ngoài việc tổ chức bồi dưỡng cho các GV này, Phòng cũng đã xây dựng kế hoạch bố trí chuyên môn cho những GV bị thuyên chuyển. GV bộ môn Ngữ văn sẽ dạy Tiếng Việt và các môn KHXH. GV bộ môn Toán sẽ dạy Toán và các môn KHTN.


Hiện Nghệ An đang dôi dư hơn 1.000 giáo viên bậc THCS nhưng lại thiếu giáo viên bậc tiểu học, mầm non. (Ảnh minh họa: Giờ học của cô trò Trường THCS Hưng Dũng, TP Vinh)

Hiện Nghệ An đang dôi dư hơn 1.000 giáo viên bậc THCS nhưng lại thiếu giáo viên bậc tiểu học, mầm non. (Ảnh minh họa: Giờ học của cô trò Trường THCS Hưng Dũng, TP Vinh)

Theo bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An việc luân chuyển, thuyên chuyển, điều động GV trong bối cảnh thừa - thiếu như hiện nay là cần thiết và đúng. Luân chuyển GV từ bậc THCS sang bậc tiểu học và mầm non phải tuân thủ các quy định của các cấp có thẩm quyền, theo nguyên tắc chung, đảm bảo nguyện vọng cá nhân và cân đối đội ngũ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Người đứng đầu ngành Giáo dục Nghệ An cũng thừa nhận trong quá trình thực hiện, một số địa phương còn thiếu sự công bằng khách quan gây tâm lý xấu đối với các GV. Tuy nhiên, bà cũng mong các GV chia sẻ với ngành để hài hòa, giải quyết được vấn đề thừa - thiếu giữa các cấp học.

Hoàng Lam