Chuyện học ở một quốc gia không có Bộ Giáo dục

(Dân trí) - Trở về sau chuyến đi thỉnh giảng hơn 3 tuần ở Thụy Sĩ, GS Võ Tòng Xuân đã dành cho <i>Dân trí</i> một bài viết đặc sắc về tình hình giáo dục ở quốc gia giàu có, xinh đẹp này và những suy ngẫm vô cùng thấm thía cho giáo dục Việt Nam.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết này của GS Võ Tòng Xuân. (*)

Tài nguyên con người được nâng niu từ tấm bé

Thuỵ Sĩ là một đất nước nhỏ nằm bên cạnh dãy núi Alps với diện tích chỉ bằng 1/8 diện tích Việt Nam, chỉ có 10% đất canh tác còn lại là rừng, núi có nhiều suối nước nóng và hồ nước. Dân Thuỵ Sĩ gồm 65% dân tộc Đức, 18% Pháp, 10% Italy, 7% các dân tộc khác. Ba dân tộc chính sống chung với nhau có những nét văn hoá đặc thù và luôn bảo vệ những độc đáo đó của mỗi dân tộc gốc, nhưng khi cần thì họ luôn đặt quốc gia lên trên hết, dẹp quyền lợi dân tộc gốc qua một bên.

Năm 2007 tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của 7,6 triệu dân Thuỵ Sĩ đạt 264 tỉ USD, lớn hơn GDP của 85,5 triệu dân Việt Nam. Thu nhập bình quân mỗi người Thuỵ Sĩ đạt 35.300 USD so với 3.100 USD của mỗi người Việt Nam.

Sang Thuỵ Sĩ thỉnh giảng tại Đại học Genève lần này, tôi dành thì giờ đi viếng nhiều tỉnh thấy rõ những người chủ của đất nước nhỏ bé rất nghèo tài nguyên này toàn là những người giàu và mạnh. Một đất nước không hề có chiến tranh, và hầu như tất cả các tổ chức quốc tế đều đặt trụ sở ở đây.

Đàm đạo với nhiều giáo sư và cùng với nhiều chuyên gia người Việt đang sinh sống ở đây nhiều năm, tôi nhận ra chính hệ thống giáo dục độc đáo của họ đã ươm mầm nhân tài ở mọi tầng lớp người dân, tạo ra những lãnh đạo tài giỏi cho đất nước. Thuỵ Sĩ đã chọn chiến lược phát triển kinh tế độc đáo của mình để chiếm vị trí cao trong nền kinh tế và chính trị thế giới.

Tài nguyên con người của Thuỵ Sĩ được đào tạo ngay từ tấm bé để lớn lên nắm vững kiến thức khoa học sâu rộng để có thể quyết định chính xác những hướng phát triển kinh tế, phát huy sở trường của mỗi dân tộc, sản xuất ra những sản phẩm công nghiệp độc đáo.

(Tính chính xác tỉ mỉ đưa đến những công nghiệp sản xuất đồng hồ, các máy móc tinh vi; Tính thích hoà bình, ổn định đưa đến sở trường tài chính, mở những ngân hàng lớn; đặc thù thiên nhiên núi cao tuyết phủ đưa đến công nghệ trượt tuyết; sườn núi đá sạn đưa đến nghề trồng nho làm rượu vang; suối nước nóng tạo nên những khu du lịch, nghỉ dưỡng độc đáo; vùng thung lũng nhỏ đưa đến nghề trồng cỏ nuôi bò sữa và bò thịt - sản xuất các sản phẩm từ sữa như phô mát đặc biệt hương vị Thuỵ Sĩ).

Giáo dục Việt Nam- Thụy Sĩ: Những “mảng mầu” đối lập

Chính phủ Thuỵ Sĩ chú ý đặc biệt nhất đến cái nền của giáo dục: đó là giáo dục phổ thông (GDPT). Thuỵ Sĩ không có Bộ Giáo dục, mà chính sách giáo dục là do mỗi tỉnh, huyện và cộng đồng cùng quyết định tuỳ thuộc văn hoá dân tộc, môi trường sinh thái đặc thù ở mỗi địa phương. Một hội đồng giáo dục liên bang được Chính phủ thành lập để nắm được các hoạt động giáo dục trên toàn quốc.

Sau giai đoạn mẫu giáo, GDPT có tất cả 13 năm. Bắt đầu lên lớp 3 các cháu phải học thêm một ngôn ngữ dân tộc ngoài tiếng mẹ đẻ (thí dụ ở trường vùng nói tiếng Pháp thì học thêm tiếng Đức hoặc Ý; trường vùng Đức thì học thêm tiếng Pháp hoặc Ý). Lên lớp 5 thì học thêm ngôn ngữ dân tộc thứ hai. Lên trung học đệ nhất cấp tiếp tục học hai ngôn ngữ dân tộc và học thêm một ngoại ngữ, thường là tiếng Anh.

Sang trung học đệ nhị cấp học sinh tiếp tục học các ngôn ngữ dân tộc và ngoại ngữ như đã học ở đệ nhất cấp. Chương trình học ở các cấp là do địa phương thiết kế (chứ không phải theo một khuôn duy nhất do Bộ GD- ĐT bắt buộc như ở ta). Chương trình chủ yếu dạy học sinh biết cách sống trong xã hội, trong thiên nhiên nơi mình cư trú, vì thế học sinh bắt đầu mới vào lớp 1 mà đã được cho đi dã ngoại nơi gần nhà nhất; lên lớp 3 đi lên vùng trượt tuyết....

Đây là cách giảng dạy cách sống cho những công dân tương lai, mà giáo dục phổ thông của Việt Nam không dám nghĩ tới, chỉ tập trung thời gian cho học sinh học vẹt.

Các môn lịch sử, địa lý, khoa học được dạy với nội dung nhẹ nhàng, chứ không phải dạy nhồi nhét để cho mỗi học sinh đều phải trở nên thần đồng toán, thần đồng lý, thần đồng hoá, văn sĩ có tài cao… như chương trình GDPT nhồi nhét rất nặng của ta.

Từ trung học đệ nhị cấp học sinh nào không thích học hàn lâm thì có thể theo học tại chương trình hướng nghiệp, khi tốt nghiệp trung học là có thể đi làm việc ở các doanh nghiệp ngay, hoặc có thể liên thông học tiếp nghề đó tại một trường cao đẳng nghề gần nhà. Cũng như học sinh ở các nước châu Âu láng giềng như Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Bỉ…, khuynh hướng học sinh đi theo hướng nghiệp nhiều hơn vào đại học vì có tay nghề làm việc ngay, lương có thể bằng hoặc lớn hơn lương của đại học.

GDPT của Thuỵ Sĩ bắt buộc ở mẫu giáo, tiểu học, và trung học đệ nhất cấp nên học sinh hoàn toàn được miễn phí. Trung học đệ nhị cấp không bắt buộc, nhưng cũng miễn phí. Phụ huynh học sinh chỉ phải trả tiền tàu xe cho con em mình khi các cháu đi dã ngoại.

Được nhà nước trang bị cho mình kiến thức phổ thông cơ bản rất sát thực tế như thế, mỗi người dân Thuỵ Sĩ biết tư duy, tìm hướng đi của mình sao cho gắn kết với phát triển kinh tế của đất nước. Từ đó, họ chọn đúng nghề để học, chứ không phải chọn theo “tỉ lệ chọi” các ngành học dễ thi đậu nhất dù không thích ngành đó.

Chuyện học ở Thuỵ Sĩ là thế, họ đi lên giàu mạnh nhờ mỗi người dân đều bắt buộc phải có căn bản giáo dục ở cấp phổ thông để tự mình nhận định cần được đào tạo thêm nghề gì nữa ở bậc đại học hoặc cao đẳng nghề để tham gia đắc lực trong cộng đồng dân tộc.

Trở về nước ta thấy dân nhà giàu của mình đang “di tản giáo dục” sang các nước khác nhất là đi Hoa Kỳ mới tội nghiệp cho hàng chục triệu dân thường của ta phải chịu tiếp nhận một hệ thống giáo dục phổ thông quá lạc hậu, không chuẩn bị được cho thanh niên ra đời với kiến thức và kỹ năng có thể tham gia vào đội ngũ lao động đắc lực của nước ta. Hệ thống nhà nước của chúng ta khi đề cập đến vấn đề giáo dục là chỉ chú trọng đến đại học, trong khi đó cái ưu tiên số một cần được cải tiến là giáo dục phổ thông thì không được quan tâm bao nhiêu.

Với trình độ lực lượng lao động được giáo dục căn bản và đào tạo tay nghề như hiện nay, liệu chúng ta có thể tiến lên thành quốc gia công nghiệp từ năm 2020?

Võ Tòng Xuân

(*) Đầu đề và tít phụ do Tòa soạn tự đặt.