Cô giáo dạy như "bảng cửu chương", làm sao trẻ tự học?

(Dân trí) - Nếu trẻ có khả năng tự học nhưng với cách đánh giá, thi cử như hiện nay liệu trẻ có thể không đi học thêm? Cô giáo dạy học áp đặt, day như một cái máy "bảng cửu chương" thì trẻ tự học, sáng tạo như thế nào?...

Rất nhiều vấn đề nhức nhối mang tính "thâm niên" trong ngành giáo dục được nhiều người đặt ra tại tọa đàm ra mắt cuốn sách "Học thế nào bây giờ" (do TS Nguyễn Khánh Trung dịch) vừa diễn ra tại TPHCM với sự tham dự của nhiều giáo viên, phụ huynh. Diễn giả dẫn dắt buổi tọa đàm là TS Nguyễn Thị Thu Huyền, ĐH Sư phạm TPHCM.

Áp lực thi cử, phụ huynh không tin vào "tự học"

Cuốn sách hướng dẫn trẻ cách học tự chủ thông qua những tình huống, bối cảnh cụ thể như học ở nhà, học trong lớp, học kiến thức, học kỹ năng... Ngoài hướng dẫn trẻ hợp tác với người khác trong học tập, cuốn sách nhấn mạnh đến việc trẻ học khám phá chính bản thân mình. Các nội dung hướng đến hình thành cho trẻ thói quen, kỹ năng, tư duy tự học, tự chủ trong học tập cho con trẻ.

TS Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ tại buổi tọa đàm về hướng dẫn trẻ cách học tự chủ
TS Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ tại buổi tọa đàm về hướng dẫn trẻ cách học tự chủ

Tuy nhiên, cụm từ "tự học" và "tự chủ trong việc học" lại cũng như mồi lửa, làm nhiều người rất băn khoăn khi đặt những khái niệm này bên cạnh điểm số, thành tích, cách đánh giá, thi cử hiện tại. Rất nhiều câu hỏi nghi ngờ, không tin tưởng vào việc tự học của con trẻ sẽ không phù hợp với môi trường giáo dục ở Việt Nam.

Một phụ huynh bày tỏ, cuốn sách xuất phát từ nền giáo dục phương Tây, ở nơi xem trọng khả năng tự học, tự chủ của học sinh. Còn giáo dục gia đình và nhà trường, điều kiện xã hội của Việt Nam có những khác biệt, liệu việc dạy trẻ khả năng tự học, tự chủ liệu có phù hợp?

Cùng chung băn khoăn, chị Phan Thu Hoài, một phụ huynh ở quận Thủ Đức đưa ra một câu hỏi cụ thể: "Nếu các cháu được rèn khả năng tự học nhưng với cách đánh giá, thi cử áp lực như hiện nay, các cháu có cần phải học thêm không?". Câu hỏi của người mẹ như "chạm vào chỗ ngứa" những người có mặt tại buổi tọa đàm, tất cả nhốn nháo hẳn lên. Nhiều người cho biết, con mình học 2 buổi/ngày nhưng vẫn phải đi học thêm vào thứ bảy, chủ nhật thì mới theo kịp chương trình, theo kịp việc thi cử.

Anh Huỳnh Ngọc Thừa, nhà ở Q.7 cho biết đó là câu hỏi mà anh đã đặt ra từ khi... chưa lấy vợ và đến bây giờ đã có hai con. Anh quan sát quanh mình và thấy nhiều đứa trẻ về nhà lúc 7, 8 giờ tối ăn uống, tắm rửa rồi lại đến lớp học thêm. Bố mẹ và con không có thời gian để trò chuyện, trao đổi với nhau.

Theo phụ huynh Huỳnh Ngọc Thừa, trong điều kiện học trường công lập như hiện nay, nếu trẻ không học thêm thì ảnh hưởng đến rất nhiều người
Theo phụ huynh Huỳnh Ngọc Thừa, trong điều kiện học trường công lập như hiện nay, nếu trẻ không học thêm thì ảnh hưởng đến rất nhiều người

Theo anh, không phải tất cả nhưng học sinh ở trường công lập nếu không học thêm thì không chỉ là việc không theo kịp chương trình, khó khăn trong thi cử mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều người. Việc không học thêm ảnh hưởng đến phụ huynh, giáo viên, trường học, thậm chí Phòng, Sở GD-ĐT do liên quan đến thành tích, thi đua.

"Làm sao để trẻ tự chủ, tự học, tăng khả năng lập luận, tư duy khi mà đi đến trường, thầy cô yêu cầu các em học y chang, làm bài theo ý thầy cô đưa ra, làm khác sẽ bị cho là sai, điểm số sẽ thấp?" - một bà mẹ hỏi.

Nhiều giáo viên mất động lực sáng tạo

Làm rõ thêm ý này, phụ huynh có con học tại một trường nổi tiếng ở Q.1, TPHCM ví von nhiều giáo viên đi dạy như "bảng cửu chương". Cô yêu cầu học sinh phải viết hàng này bằng bút màu gì, hàng sau bằng bút màu gì, hàng này lùi vào ra sao, dịch ra thế nào... làm khác là không được chấp nhận.

Phụ huynh này biết rằng, vấn đề đào tạo giáo viên là chuyện vĩ mô nhưng cũng muốn đặt câu hỏi cho TS Nguyễn Thị Thu Huyền: "Ở trường Sư phạm cải thiện như thế nào trong việc đào tạo giáo viên để giúp các em tự học?".

Phụ huynh rất quan tâm nhưng cũng đầy băn khoăn đến việc tự học của con trẻ
Phụ huynh rất quan tâm nhưng cũng đầy băn khoăn đến việc tự học của con trẻ

Buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách kéo dài hơn dự kiến vì rất nhiều phụ huynh quan tâm, thắc mắc xoay quanh vấn đề tự học ở Việt Nam. Đối với việc hướng dẫn trẻ tự học, tự chủ với việc học, TS Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ, bất cứ nền giáo dục nào, bất cứ đất nước nào cũng chứa đựng giá trị mang tính toàn cầu như tự lập, tự chủ, sáng tạo, yêu thương... Trong việc học, cũng có những giá trị mang tính phổ biến và mỗi người đều phải nỗ lực để tiếp cận những giá trị này.

Không phủ nhận ở Việt Nam áp lực về điểm số, thành tích, thi cử, dạy học áp đặt còn nặng nề nhưng bà Huyền nhấn mạnh, không vì thế mà chúng ra không rèn cho trẻ năng lực tự học, tự chủ. Khi hình thành được năng lực này, trẻ sẽ xử lý được vấn đề trong nhiều tình huống khác nhau. Bản thân bà cũng gặp nhiều phụ huynh hướng đến khả năng sáng tạo, tư duy của con, chấp nhận việc con làm bài điểm không cao. Có phụ huynh khi cô giáo ra 10 bài tập, họ trao đổi với giáo viên con mình chỉ làm 3 bài, 5 bài thôi...

TS Nguyễn Thị Thu Huyền cũng chia sẻ, trên thực tế có nhiều giáo viên mất đi động lực dạy học, sáng tạo. Rất nhiều sinh viên của bà khi ở trường đại học rất năng động, nhiệt huyết nhưng chỉ vài năm đi dạy các em đã... thay đổi, các em vào khuôn khổ, máy móc, mất dần động lực với việc dạy học vì rất nhiều áp lực, ràng buộc.

Áp lực lớn và thấy rõ nhất chính là sĩ số học sinh, nhiều lớp tiểu học 55 em chỉ 1 giáo viên thì không thể nào dạy học chủ động, dạy học sáng tạo. Thế nên, bà Huyền cũng thẳng thắn nói rằng, với thực tế như vậy, chúng ta không thể kỳ vọng giáo viên làm quá nhiều.

Trong lời giới thiệu cuốn sách, TS Nguyễn Khánh Trung cũng cho biết, khi đang chờ Bộ GD-ĐT thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện, thì theo ông, chính mỗi người, mỗi giáo viên, mỗi phụ huynh cần nỗ lực giúp con mình. Từ đó, để tác động ngược góp phần thay đổi hiện trạng, một sự thay đổi từ dưới lên.

Hoài Nam