Cô giáo mầm non 9X xinh đẹp, đa tài

(Dân trí) - Với sự trẻ trung, xinh đẹp, không chỉ là một giáo viên nhiệt tình, năng nổ trong công tác giảng dạy, cô giáo Hà Thị Yên, ở bản Hiêu (xã Cổ Lũng, huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) còn tham gia làm du lịch cộng đồng tại địa phương.

Phải có lòng yêu thương trẻ, có tính kiên nhẫn...

Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Mầm non tại trường Đại học Hồng Đức từ năm 2013, cô giáo Hà Thị Yên (SN 1991) phải mất một thời gian nghỉ ở nhà. Đến năm 2014, cô Yên bắt đầu về công tác tại trường Mầm non xã Lương Nội, cách nhà hơn 50km.

Cô giáo trẻ Hà Thị Yên đã có gần 5 năm gắn bó với nghề.
Cô giáo trẻ Hà Thị Yên đã có gần 5 năm gắn bó với nghề.

Tình yêu thương những đứa trẻ đã đưa cô đến với nghề giáo viên Mầm non: “Lúc đầu em cũng nghĩ mình không có duyên với nghề mầm non. Nhưng em lại rất thích những đứa trẻ, tiếp xúc nhiều với trẻ, thấy mình như được trẻ lại và quyết định chọn theo học mầm non”.

Thời gian đầu, công tác xa nhà, nên cứ mỗi tuần, cô Yên mới về thăm gia đình một lần. Đi lại khó khăn, vất vả nhất là vào mùa đông rét buốt. Nhưng đổi lại, cô cũng rất vui, đó là khi đến lớp, trẻ thường khen cô giáo rất xinh và luôn quấn quýt bên cô.

Cảm nhận của cô giáo Hà Thị Yên đối với những ngày đầu tiên đến với nghề đó là sự vất vả giáo viên mầm non, phải đi sớm về muộn, không có thời gian cho gia đình. Những nỗi vất vả dần qua đi, nhường chỗ cho tình yêu thương với trẻ và niềm yêu thích công việc này.

Cô Yên quan niệm với cấp học mầm non, điều quan trọng nhất phải có lòng yêu thương trẻ, có tính kiên nhẫn và khả năng kiềm chế tốt, phải có tinh thần trách nhiệm cao.
Cô Yên quan niệm với cấp học mầm non, điều quan trọng nhất phải có lòng yêu thương trẻ, có tính kiên nhẫn và khả năng kiềm chế tốt, phải có tinh thần trách nhiệm cao.

“Em cứ nghĩ là cô giáo mới, ngày đầu các bé thấy em sẽ không nghe lời, sẽ không thích em, nhưng ngược lại các bé lại chạy lại kéo tay áo em và nói: Cô giáo ơi cô xinh quá, cô sẽ dạy chúng con chứ ạ. Lúc đó em thấy rất vui và hạnh phúc lắm” - cô Hà Thị Yên chia sẻ về kỷ niệm vui nhất ngày đầu tiên đi dạy.

Theo quan điểm của cô Yên, đối với cấp học mầm non, điều quan trọng nhất phải có lòng yêu thương trẻ, có tính kiên nhẫn và khả năng kiềm chế tốt, phải có tinh thần trách nhiệm cao.

Bên cạnh đó, giáo viên cần phải nắm bắt được kiến thức và kỹ năng cần thiết của nghề để có thể dạy giỗ trẻ một cách tốt nhất.

Hơn ba năm công tác tại trường Mầm non Lượng Nội, đến tháng 10 năm 2017, cô Yên chuyển về dạy tại trường Mầm non xã Ban Công.

Trong quá trình công tác với những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn, nhưng trong cô vẫn luôn giữ tình yêu thương đối với trẻ.
Trong quá trình công tác với những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn, nhưng trong cô vẫn luôn giữ tình yêu thương đối với trẻ.

Trong quá trình công tác, cũng không ít lần, cô giáo Yên cảm thấy áp lực từ phụ huynh: “Tuy đa số phụ huynh đều rất yêu quý giáo viên, nhưng vẫn có một số phụ huynh có thành kiến với các cô sau khi ở nơi này nơi kia xảy ra các vụ cô giáo mầm non bạo hành trẻ. Em nghĩ rằng, cái tâm của người giáo viên luôn muốn cống hiến hết mình vì trẻ”.

Không chỉ có những kỷ niệm, những niềm vui, trong gần 5 năm công tác, có những lúc, cô Yên cũng gặp những kỷ niệm buồn: “Có lần một bé rất nghịch ngợm và lười đi học, nên về nhà bé đã nói dối bố mẹ là ở lớp bị cô giáo đánh. Phu huynh đã nói em, và nói ra với các phụ huynh khác, nhưng sau đó bé đã nói lại là do không muốn đi học nên bé nói dối. Sau đó bé đã đi học rất ngoan, nhưng thật sự khi đó em đã rất buồn và tủi thân”.


Vốn sinh ra, lớn lên và công tác ở miền núi nên cô Yên giữ gìn bản sắc của dân tộc mình.

Vốn sinh ra, lớn lên và công tác ở miền núi nên cô Yên giữ gìn bản sắc của dân tộc mình.

Sau khi chuyển về Ban Công, cô Yên có dịp quay lại thăm trường cũ. Cô không nghĩ trẻ còn nhớ mình. Nhưng khi vừa vào đến trường thì trẻ ùa ra ôm lấy cô. Thậm chí, có hai trẻ nói em không đi học nữa vì không có cô Yên. Cô phải động viên các cháu quay lại học.

Vốn sinh ra, lớn lên và công tác ở miền núi, nên cô giáo Hà Thị Yên hiểu hơn ai hết về điều kiện cuộc sống khó khăn của bà con miền núi. Nhiều trẻ đi học mấy ngày không có quần áo thay, không tắm rửa. Mùa hè còn đỡ, mùa đông cô giáo phải nấu nước để tắm cho trẻ...

Thậm chí, nhiều phụ huynh còn không đón con, giáo viên lại phải đưa trẻ về nhà. Cũng bởi thế mà các con đường thôn bản nơi cô từng công tác đã trở nên quá đỗi quen thuộc.

Cô giáo làm du lịch cộng đồng

Không chỉ làm tốt công tác chăm trẻ, cô Hà Thị Yên còn tham gia làm du lịch cộng đồng tại gia đình và địa phương.

Không chỉ là một giáo viên dạy mầm non, cô giáo Hà Thị Yên còn tham gia làm du lịch cộng đồng của gia đình, địa phương.
Không chỉ là một giáo viên dạy mầm non, cô giáo Hà Thị Yên còn tham gia làm du lịch cộng đồng của gia đình, địa phương.

Ngoài thời gian dạy học, tranh thủ những ngày nghỉ, mỗi khi có tour hay du khách đến du lịch cộng đồng, cô giáo Hà Thị Yên lại trở thành một hướng dẫn viên, một đầu bếp nấu những món ăn truyền thống phục vụ du khách.

“Được quảng bá hình ảnh của địa phương đến với du khách trong và ngoài nước không chỉ là niềm vui mà còn là trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó còn đem lại nguồn thu nhập cho bản thân, gia đình”, cô Hà Thị Yên chia sẻ.

Tuy mới bước đầu làm du lịch cộng đồng, nhưng với niềm đam mê và mong muốn quảng bá hình ảnh du lịch địa phương đến với du khách, nên cô Hà Thị Yên rất tâm huyết với công việc.

“Các ngày trong tuần em đi dạy, cuối tuần ở nhà làm du lịch. Có cả du khách trong nước và nước ngoài nên em cũng rất thích công việc này. Nhất là khi em được tự mình nấu những món ăn đặc sản của người Thái cho khách thưởng thức. Được trò chuyện với du khách về địa danh, văn hóa của quê hương mình”, cô Yên cho biết.

Duy Tuyên