Cô giáo mở thư viện miễn phí nơi làng quê nghèo

(Dân trí) - Gần 9 giờ tối, em Võ Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 7 vẫn đội áo mưa đạp xe đến thư viện nhà cô Phương để đọc sách. Miễn là các em đến, bất kể giờ nào thư viện cũng mở cửa.

"Thư viện cô Phương"

Từ nhỏ, Ánh chỉ có vài ba cuốn truyện tranh. Từ khi “kết” thư viện cô Phương, em đã đọc hàng trăm câu chuyện cổ tích, nhiều tác phẩm văn học trong và ngoài nước, sách hạt giống tâm hồn…

Thư viện đặc biệt này nằm trong căn nhà cấp bốn tềnh toàng của gia đình cô giáo Huỳnh Thị Thanh Phương, tại số 49, tổ 7, đường 793, ấp An Hòa, xã An Phú, huyện Củ Chi, TPHCM. Ngoài những kệ sách nhỏ nhắn nằm từ bên ngoài sân cho đến vào phòng khác, trong nhà không có lấy một đồ vật nào có giá trị lớn về vật chất.

Trẻ đến đọc sách tại Không gian đọc Củ Chi do cô Huỳnh Thị Thanh Phương thành lập
Trẻ đến đọc sách tại Không gian đọc Củ Chi do cô Huỳnh Thị Thanh Phương thành lập

Tấm biển “Không gian đọc Củ Chi” cũng được treo một cách khiêm tốn. Nhưng những sinh hoạt về văn hóa đọc của trẻ em ở thư viện tại gia này mang một sức sống lạ lùng. Không gian yên bình lại khuấy động cả một làng quê nghèo mà việc đọc sách, yêu sách trước đây là một thứ gì đó xa lạ, xa xỉ với các em.

Ngày thường, sau những giờ học rất nhiều học sinh lại vào thư viện cô Phương đọc sách. Ngày cuối tuần thì đông như hội. Không đủ bàn ghế, không sao! Các em có thể đứng, có thể ngồi một góc ở ngoài sân hay… ngồi ké thềm nhà hàng xóm bên cạnh để say sưa với cuốn sách trên tay.

Chỉ với hơn 1.500 đầu sách nhưng đây đã là một thế giới rộng mở để các em thỏa sức vùng vẫy, đưa suy nghĩ và khát khao của mình vượt ra khỏi làng quê còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Các em đến thư viện tự ghi vào sổ mượn và trả sách
Các em đến thư viện tự ghi vào sổ mượn và trả sách

Trừ đêm đi ngủ, còn lại giờ nào nhà cô Phương cũng mở rộng cửa để đón bạn đọc. Kể cả lúc không có ai ở nhà các em vẫn có thể đến đọc. Ở đây, trẻ mượn sách tự ghi vào sổ, đến khi trả tự xóa. Cô Phương muốn trẻ có thể thật tự nhiên với sách cũng như trao cho các em tinh thần tự giác, trách nhiệm.

Thấy nhà cô Phương đông vui, nhiều phụ huynh rồi các cụ già trong làng cũng tò mò đến chơi rồi bị cuốn vào việc đọc sách. Có cụ ngày trước ít được học chữ, phải đọc bập bẹ từng từ, tuần này qua tuần khác mới xong được cuốn sách. Vậy mà mừng rơi nước mắt bởi với họ đó là lần đầu tiên trong đời đọc sách.

Bày đủ “chiêu” dụ trẻ đến với sách

Khi về dạy học tại vùng quê nghèo của huyện Củ Chi, sự thiếu thốn về tinh thần của người dân, của học trò quanh mình đã làm cô giáo trẻ Thanh Phương, hiện là giáo viên Trường Tiểu học An Phú 2, xã An Phú, Củ Chi, TPHCM không khỏi trăn trở. Đặt mua tờ báo thì có khi báo đã cũ mới về đến nơi. Còn đọc sách là điều gì đó xa xỉ lắm với các em. Trong khi những mối nguy từ các trò game, chơi bời lêu lổng… thì cứ cận kề.

Ấp ủ mở một thư viện ngay tại nhà của cô Phương trở thành hiện thực cách đây hơn hai năm. Khi đó, cô gặp gỡ với một số người đang thực hiện dự án đưa sách về nông thôn của mạng lưới Không gian đọc.

Cô giáo Huỳnh Thị Thanh Phương trong một chương trình tổ chức cho trẻ tại thư viện của mình
Cô giáo Huỳnh Thị Thanh Phương trong một chương trình tổ chức cho trẻ tại thư viện của mình

Công việc của một giáo viên tiểu học, cô Phương một mình gồng gánh nuôi con nhỏ, chồng bị tai nạn mất sức lao động, mẹ chồng lớn tuổi… Vậy nhưng, cô vẫn gom góp từng đồng tiền để mua những cuốn sách đầu tiên, đóng kệ rồi bắt đầu nhận sự trợ giúp, góp sách từ bạn bè, từ các nhà hảo tâm.

Lập được thư viện đã khó, lôi được người đọc đến càng khó hơn gấp bội. “Làm sao để lôi kéo các em đến thư viện?” là câu hỏi cô Phương suy nghĩ nhiều nhất. Dân cư ở đây thưa thớt, đi lại khá khó khăn, nói đến sách thì có mấy đứa trẻ hào hứng, dễ gì chịu đến.

Cô Phương lên kế hoạch rất bài bản để “chiêu dụ” các em. Những trẻ nhỏ đến thư viện, các bé ném sách, xé sách cô Phương vẫn cười như một sự khích lệ các em làm quen với sách. Chứ với trẻ, cô Phương tâm lý hiểu rằng nạt nộ, quạu quọ, gây khó khăn thì sau đó có cho kẹo, ngọt ngào cỡ mấy cũng khó mà lấy lòng.

Rồi cô nhờ chồng, một số bạn bè đọc sách cho các em nghe để các em thấy được sự thú vị, hấp dẫn từ sách

Biết trẻ ham vui, thích tụ tập, cô Phương tận dụng mọi ngày lễ trong năm như Tết Thiếu nhi, Trung thu… tổ chức ngày hội, phát quà bánh, những món quà nhỏ cho trẻ bằng các nguồn hỗ trợ. Ngay tại nhà, cô còn trang trí sân, mượn máy chiếu, loa đài tổ chức chuyên đề như về giáo dục giới tính, bảo vệ bản thân, hay chương trình sinh hoạt thường kỳ cho trẻ với sự tham gia của các chuyên gia tâm lý, giáo dục.

Cho dù trước khi tổ chức cô đều thông báo và xin phép địa phương như không ít lần, chính quyền xã cử người xuống lập biên bản với lý do cô hoạt động thư viện không phép và tổ chức tụ tập đông người.

Cô Phương cùng các nhà hảo tâm, sinh viên tình nguyện thường đứng ra tổ chức nhiều hoạt động cho trẻ với mục đích... để các em biết nhà mình có sách đọc miễn phí.
Cô Phương cùng các nhà hảo tâm, sinh viên tình nguyện thường đứng ra tổ chức nhiều hoạt động cho trẻ với mục đích... để các em biết nhà mình có sách đọc miễn phí.

“Mục đích của tôi là làm sao các em đến nhà mình thật nhiều, thật đông để biết nhà cô Phương có sách đọc miễn phí”, cô giáo Phương chia sẻ.

Nhà cách trung tâm thành phố hơn 50 cây số nhưng chỉ cần ai nói có sách tặng thư viện là cô Phương thu xếp đi bằng được để bổ sung đầu sách vào thư viện của mình. Rồi các ngày hội sách hay những chương trình liên quan đến giáo dục cô cũng mang theo cậu con trai 2 tuổi đi dự bằng được.

Cô quan niệm, chính bản thân mình cũng phải học hỏi không ngừng để có thể cùng bạn đọc ở thư viện mình chọn sách, đọc sách, trao đổi về sách. Và hơn hết là biết sống theo những điều tích cực, nhân văn chắt góp được từ sách.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)