Cô giáo rút ruột gan “Ai đánh cắp tuổi thơ của trẻ?”

(Dân trí) - "Xã hội càng phát triển, càng phải học nhiều hơn, học nhiều điều mới hơn, kiến thức rộng lớn hơn, phức tạp hơn. Quan trọng phải là học điều hữu ích chứ không phải là học sao cho dễ hơn, nhẹ nhàng hơn là ổn."

Cô giáo Nguyễn Khánh Ly, giáo viên Văn Trường THPT chuyên ĐH Vinh, Nghệ An chia sẻ rút ruột gan trước những tranh luận năm nào cũng được nhắc đến trong những dịp hè "Ai đang lấy cắp tuổi thơ của trẻ?".  

Chương trình học chỉ cần mức 5 điểm trở lên là đạt 

Cô Nguyễn Khánh Ly nêu quan điểm, việc học của các con, chương trình của các con nặng nề, tuổi thơ con bị mất... không phải do Bộ, do sách giáo khoa (SGK), do nhà trường mà trước hết, từ chính mỗi chúng ta.

Cô giáo rút ruột gan “Ai đánh cắp tuổi thơ của trẻ?” - 1

Cô giáo Nguyễn Khánh Ly.

Chương trình hiện đã giảm tải nội dung và thời lượng học. Học sinh tiểu học nghỉ trọn vẹn hai ngày cuối tuần, các buổi chiều khác các con học nhiều thứ không phải chỉ là học chữ. 

SGK được biên soạn để dạy học sinh ở các cấp độ yếu kém - trung bình - khá - giỏi, thậm chí xuất sắc.

Chỉ cần mức trung bình 5 điểm trở lên là đạt rồi. Để đạt mức này, trẻ không cần đi học thêm, không cần phải làm núi bài tập, không cần lọ mọ học đến đêm khuya. Chương trình học không hề nặng nếu học sinh muốn đạt mức trung bình hay khá.

Nếu chương trình học chính khóa nặng, hãy đặt mục tiêu mình sẽ hoàn thành nó nhẹ nhàng ở mức trung bình hoặc khá - nhường mức tốt cho mục tiêu ưu tiên. Học thêm nếu thấy không cần thiết, nhồi nhét quá, mệt mỏi quá thì hoàn toàn có thể không theo. 

Nếu cảm thấy thi đại học là quá sức, không phải là con đường duy nhất thì có thể chọn một trường vừa tầm phù hợp với mình, học nghề, đi xuất khẩu lao động, kể cả không theo con đường học ở trường.  

Cô giáo rút ruột gan “Ai đánh cắp tuổi thơ của trẻ?” - 2

Nhiều đứa trẻ được bố mẹ chen chân đăng ký học hè ngay cả trước khi vào lớp 1 (Ảnh minh họa)

"Như con tôi, hè nghỉ trọn vẹn 3 tháng. Như vậy, sao gọi là nặng? Chúng ta phải xác định, nếu muốn bình thường, con hãy học nhẹ nhàng. Nhưng nếu con muốn trở thành một học sinh xuất sắc, ít nhất là về điểm số, thì con phải nỗ lực, phải vất vả hơn. Đó là đương nhiên", cô Khánh Ly nói.

Làm sao có thể làm Luật sư giỏi nếu không nhồi não hàng trăm quyển luật? Làm sao làm giáo viên giỏi nếu không chịu đêm hôm như cò vạc nghiên cứu tài liệu? Làm sao khiêu vũ giỏi nếu không chấp nhận bàn chân có lúc phải bật máu? Bất cứ điều gì muốn giỏi, đều phải học. Bất cứ hoạt động nào, nếu nghiêm túc, đều ít nhiều trải qua sự căng thẳng, mỏi mệt. 

Việc học không phải nhẹ đi mà cần thiết thực hơn 

Trước ý kiến kêu gọi giảm tải, giảm nhẹ, giáo dục đánh mất tuổi thơ của con trẻ, cô Khánh Ly cho rằng, SGK, chương trình, việc dạy học hiện nay không ổn không phải vì kiến thức khó, nhồi nhét, ôm đồm mà vì kiến thức ít hữu ích, có phần vô dụng. Nếu hữu dụng thì khó đến mức nào cũng cần phải học. 

Xã hội càng phát triển, càng phải học nhiều hơn, học nhiều điều mới hơn, kiến thức rộng lớn hơn, phức tạp hơn. Quan trọng phải là học điều hữu ích chứ không phải là học sao cho dễ, cho nhẹ hơn. Vậy tại sao lại cho rằng việc học phải dễ hơn, nhẹ hơn mới ổn mà không nghĩ học điều có ích mới ổn, dẫu khó thế nào đi nữa?

Học áp lực là điều không thể tránh khỏi mới có thể mang lại những giá trị bền vững. Vấn đề quan trọng phải là dạy học cái gì cho thiết thực, phù hợp để giúp trẻ đạt được mục tiêu tốt nhất trong cuộc sống. Đừng để trẻ chịu áp lực một cách uổng công, đánh đổi những ngày vui tươi cho điều không đáng.

Đây là vai trò của các quản lý trong xây dựng chương trình học, SGK, thi cử.

Là người trực tiếp đứng lớp, cô Ly nhắn nhủ đừng nghĩ việc bớt kiến thức SGK, đơn giản hóa nội dung chương trình hay cách giảng dạy thì trẻ "có tuổi thơ". Bởi không đứa trẻ nào hạnh phúc, có tuổi thơ thật sự nếu như bố mẹ suốt ngày so sánh con mình với con người khác, lấy chuẩn người khác áp vô mình. 

Cô giáo rút ruột gan “Ai đánh cắp tuổi thơ của trẻ?” - 3

Và cũng nhiều đứa trẻ rong ruổi suốt ngày hè

Tham vọng điểm cao, đỗ thủ khoa, muốn vào trường "vip", muốn được giải quốc gia, quốc tế, muốn ra trường kiếm việc nhẹ nhàng, lương cao, muốn đầu óc phải "trên thông thiên văn, dưới tường địa lí", muốn "cầm - kì - thi - họa", "công - dung - ngôn - hạnh" vẹn toàn... thì phải chấp nhận áp lực. 

Còn chương trình giảm tải, thầy cô dạy đơn giản nhưng nếu lòng tham của bản thân không giảm thì không bao giờ giảm được áp lực. Chưa kể những áp lực từ xã hội, từ yêu cầu của thị trường lao động chứ không chỉ trong trường học.

"Có bạn nhỏ tối học rất ít hoặc không học nhưng lại có bạn tối cặm cụi 11 - 12h đêm để học bài. Có bạn nghỉ hè thỏa thích đi đó đây, về quê, tham gia trại hè, có bạn lại phải mòn đít quần ở các lớp học thêm... Điều này là do chương trình, SGK, nhà trường hay ai?

Đó là lựa chọn. Điều quan trọng cho mỗi sự lựa chọn là chúng ta phải dũng cảm đối diện và chấp nhận. Nếu bạn chọn mục tiêu ưu tiên cho cuộc đời mình, những thứ khác cần chấp nhận thiệt thòi, thua kém hơn.

Muốn phát huy sở thích có thể học cái mình không thích ít đi chút cũng không sao. Giáo dục không bắt chúng ta phải hoàn hảo."

Cô Nguyễn Khánh Ly

Hoài Nam