Thi THPT quốc gia 2016:

Có nhất thiết để học sinh chọn môn thi thứ 4 để xét tốt nghiệp?

(Dân trí) - Ngoài 3 môn bắt buộc gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ thì cứ cho thí sinh thi tự do các môn còn lại và môn nào cao sẽ tự động lấy để xét tốt nghiệp chứ không nhất thiết để học sinh chọn môn thi thứ 4.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Minh Trí, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi THPT quốc gia năm 2016 cho đại diện các sở GD-ĐT các tỉnh và các trường ĐH phối hợp hỗ trợ cụm thi tốt nghiệp trong phạm vi cả nước diễn ra ngày 22/3 tại TPHCM.

Ông Trí cho biết: “Chúng tôi băn khoăn có nhất thiết để thí sinh chọn môn thi thứ 4 để xét tốt nghiệp trong số các môn tự chọn không. Có thể ngoài 3 môn bắt buộc gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ thì cứ cho thí sinh thi tự do các môn còn lại và môn nào cao sẽ tự động lấy để xét tốt nghiệp.

Trước đề xuất này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT cho rằng, Bộ sẽ cân nhắc thêm.


Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai phát biểu tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi THPT quốc gia năm 2016 cho đại diện các sở GD-ĐT trong cả nước

Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai phát biểu tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi THPT quốc gia năm 2016 cho đại diện các sở GD-ĐT trong cả nước

Trước đó đại diện Sở GD-ĐT Quảng Ngãi cũng khiến đại biểu tham dự hội nghị xôn xao khi ý kiến rằng “Nếu không có sự khác biệt nào giữa 2 loại cụm thi ĐH và cụm thi tốt nghiệp thì tại sao phải tổ chức cả 2 loại cụm thi trong cùng 1 địa phương, điều này sẽ nảy sinh tâm lý rằng tổ chức cụm thi địa phương dễ dãi hơn?”.

Tuy nhiên ông Mai Văn Trinh khẳng định: “Hoàn toàn không có sự phân biệt về tính nghiêm túc của 2 loại cụm thi này, cũng không có quan niệm nào về cụm thi tốt nghiệp dễ hơn cụm thi ĐH”. Đại diện Cục khảo thí lý giải, việc tổ chức cụm thi tốt nghiệp nhằm mục đích không làm khó, gây vất vả và tốn kém với thí sinh chỉ có mục đích dự thi để xét tốt nghiệp. Hơn nữa, với những địa phương quy mô thí sinh dự thi ít, việc đi lại thuận lợi thì có thể chỉ tổ chức 1 loại cụm thi do trường ĐH chủ trì.

Ông Trinh cũng cho rằng không được có sự phân biệt sự nặng nhẹ giữa các cụm thi, nếu có phải xử lý nghiêm. “Ngay việc sử dụng giáo viên chấm thi, các trường ĐH chủ trì cụm thi được quyền chủ động nhưng phải đảm bảo tính nghiêm túc và chính xác. Chúng ta tuyệt đối không được có định hướng hay suy nghĩ rằng chấm bài cho học sinh của mình với mục đích nào đó”, ông Mai Văn Trinh nói.

Cũng trong hội nghị này, vấn đề về chất lượng chấm thi một lần nữa được đại diện các sở GD-ĐT đặt ra với Bộ. Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai cho rằng “để bảo đảm tính công bằng cho các tỉnh, Bộ nên xác định rõ có cho phép giáo viên các trường THPT chấm bài trong cụm thi của mình không. Như năm ngoái, có những địa phương giáo viên vẫn được quyền chấm bài học sinh mình. trong khi ở TPHCM thì giáo viên chấm bài đến từ các tỉnh khác”.

Ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng nêu ý kiến
Ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng nêu ý kiến

Còn ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng cho rằng việc rút thời gian xét tuyển xuống 10-12 ngày mỗi đợt như năm nay không đảm bảo được sự ổn định xét tuyển. Mặc dù cho thí sinh đăng ký xét tuyển bằng 3 hình thức (trực tiếp, bưu điện và trực tuyến) nhưng việc đảm bảo ổn định mới chỉ mang tính lý thuyết, áp lực xét tuyển vẫn sẽ dồn vào những ngày cuối cùng của đợt xét tuyển. Từ đó, đại diện này cho rằng nên cho học sinh đăng ký chọn ngành và trường ngay từ thời điểm đăng ký dự thi.

Cũng theo ông Trà, Sở không thể hướng dẫn đăng ký dự thi tới từng thí sinh, thay vào đó là các trường THPT mà cụ thể là các giáo viên, điều này dẫn đến không thể tránh khỏi những sai sót. Bên cạnh đó, bản thân thí sinh cũng có nguyện vọng được điều chỉnh hồ sơ đã nộp. Vì vậy, đề nghị Bộ dành cho các sở quyền chủ động nhất định để được chỉnh sửa dữ liệu để đảm bảo tính chính xác.

Đại diện Sở GD-ĐT Hải Phòng cũng ý kiến thêm, năm ngoái các Sở cũng rất vất vả với việc đăng ký dự thi của thí sinh dự thi trường Quân đội và Công an do chậm trễ. Do vậy, dù thí sinh thuộc đối tượng nào cũng cần bình đẳng trong việc nộp hồ sơ dự thi.

Vấn đề này, ông Mai Văn Trinh trả lời rằng điều này chỉ xảy ra trong năm 2015, một số thí sinh đăng ký dự thi trường công an và quân đội chậm trễ được gia hạn thời gian nộp hồ đăng ký dự thi là do chưa nắm rõ quy chế thi. Theo ông Trinh “năm nay kiên quyết không xử lý nếu có hiện tượng lặp lại. Thời gian để thí sinh đăng ký dự thi thống nhất từ ngày 1 đến 30/4”.

Liên quan đến việc tuyển thẳng, ông Vũ Văn Trà bức xúc “theo lịch của Bộ, học sinh được tuyển thẳng nộp hồ sơ về Sở trước 20/5 và các trường công bố kết quả trước 1/8. Thế nhưng năm ngoái có trường ĐH ở Hà Nội, trong khi Sở chưa mang hồ sơ đến trường mà trường đã công bố kết quả trúng tuyển, xảy ra tình trạng lo lắng cho học sinh”. Ông kiến nghị rằng nếu trường nào không thực hiện đúng, Bộ cần “thổi còi” tránh tình trạng các trường vì muốn tuyển học sinh giỏi mà làm xôn xao như năm ngoái.

Tham khảo đề minh họa của năm 2015

Phát biểu trong buổi tập huấn, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết các hướng đổi mới trong việc ra đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ và đề thi tốt nghiệp THPT những năm qua tiếp tục được thực hiện trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.

Theo đó, các môn xã hội tiếp tục ra các câu hỏi mở yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức liên môn, hiểu biết xã hội để làm bài, giảm yêu cầu học thuộc nhớ các sự kiện. Các môn tự nhiên tiếp tục ra những câu hỏi yêu cầu học sinh phải vận dụng kiến thức để xử lý các vấn đề thực tế.

Theo đại diện Bộ GD-ĐT, thí sinh có thể tham khảo đề thi minh họa năm 2015 và đề thi chính thức năm 2015 cho kỳ thi sắp tới.

Cũng trong hội nghị tập huấn, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đồng ý việc tăng cường chủ động của các Sở GD-ĐT nhưng việc thi không phải mục đích cuối cùng và duy nhất. Ông Trinh cho rằng để học sinh thi tốt thì đề nghị các Sở triển khai kế hoạch năm học không dạy tủ học tủ, không ép buộc học sinh ôn thi dưới bất kỳ hình thức nào, tránh tình trạng luyện thi.

Lê Phương