Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM):

Công bố kết luận vụ một bài báo bị rút khỏi tạp chí SpringerPlus

(Dân trí) - Chiều qua 28/10, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) công bố kết luận về việc Tiến sĩ N.V.T. - giảng viên Khoa Công nghệ sinh học của trường bị tạp chí quốc tế SpringerPlus thông báo rút bài báo khoa học sau khi đăng được 1 năm.

Kết luận của hội đồng độc lập của nhà trường cũng cho rằng vì Tiến sĩ N. V. T. không có chuyên môn về y học và có sự hiểu biết chủ quan về đông y nên đã không nắm được các quy định chặt chẽ về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, dẫn đến sự việc không tuân thủ các quy định này. Đồng thời, việc ông này ghi tên trường đại học đã đào tạo ra mình trong bài báo khoa học để tri ân là một việc làm sai.
Bài báo của tác giả N.V.T. bị rút khỏi tạp chí khoa học SpringerPlus.
Bài báo của tác giả N.V.T. bị rút khỏi tạp chí khoa học SpringerPlus.

Trước đó, ngày 25/9/2014, phía tạp chí SpringerPlus thông báo rút bài báo khoa học có nội dung: “Nâng cao chất lượng điều trị hen suyễn bằng cách sử dụng các chất chống oxy hóa có nguồn tự nhiên” của tác giả N.V.T. - giảng viên Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) và T.T.H. (vợ ông T. - PV).

Sai lầm đáng tiếc của tác giả

Trong buổi họp báo, PGS.TS. Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng nhà trường cho biết sự việc trên xảy ra đã nhận được nhiều quan tâm của xã hội, các chuyên gia nghiên cứu khoa học và giới truyền thông. Với tinh thần cầu thị và tôn trọng khoa học, nhà trường đã liên hệ trực tiếp với SpringerPlus để tìm hiểu đầy đủ hơn về quy trình bình duyệt và công bố bài báo. Tạp chí SpringerPlus cũng thừa nhận vệc chấp thuận công bố nghiên cứu này do ban biên tập hiểu nhầm bài báo của TS. N. V. T. đã được đánh giá tích cực từ một tạp chí có uy tín khác nằm trong hệ thống Springer.

Sau khi đăng được 1 năm, ban biên tập tạp chí SpringerPlus nhận được phản hồi từ phía độc giả về những khác biệt giữa bài báo được công bố và bản đăng ký. Phía tạp chí đã yêu cầu TS. N. V. T. đưa ra những bằng chứng về việc thực hiện các quy định dành cho nghiên cứu thủ nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng (RCT). Tuy nhiên, TS N.V.T. thừa nhận nghiên cứu của mình đã không được thông qua hội đồng y đức và không có bằng chứng bằng văn bản về sự đồng ý tham gia nghiên cứu của bệnh nhân.

Nhà trường cũng đã liên hệ với GS. Steven Neill - ĐH West of England (trường nơi TS. N.V.T. lấy bằng tiến sĩ), thì GS này cho biết ông không tham gia nghiên cứu của TS. T. và lĩnh vực nghiên cứu này không thuộc chuyên môn của ông. Đồng thời, GS. Neill khẳng định TS. T. đã phạm sai lầm khi đề tên ĐH West of England trong phần kê khai cơ quan công tác vì TS. T. không làm việc ở đây. Sau đó,  TS. T. đã trực tiếp xin lỗi GS. Neill về sự cố đã xảy ra.  

Để làm rõ những vấn đề y đức trong nghiên cứu khoa học và sai lầm mạo nhận khi công bố khoa học trong nghiên cứu của TS. T., ĐH Quốc tế đã thành lập Hội đồng độc lập với sự tham gia của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Sau khi làm việc, Hội đồng đã công bố các kết luận rằng: TS. N.V.T. không có chuyên môn về y học mà chỉ có chuyên môn về Công nghệ sinh học và chưa từng thực hiện bất kỳ nghiên cứu nào trên đối tượng là con người. Tuy nhiên, TS. T. xuất thân từ gia đình có truyền thống Đông y nên từ kinh nghiệm thực tế chữa bệnh hen suyễn, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bệnh nên mà ông đã thực hiện nghiên cứu này với mong muốn phổ biến bài thuốc và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân hen suyễn. Tuy nhiên vì TS. T. không có chuyên môn về y học và có sự hiểu biết chủ quan về đông y nên đã không nắm được các quy định chặt chẽ về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, dẫn đến sự việc không tuân thủ các quy định này.

Với kinh nghiệm thực hiện nhiều công trình nghiên cứu, TS. N.V.T. phải hiểu rõ và tuân thủ nghiêm túc với các quy định trong công bố khoa học. Việc TS. T. tốt nghiệp Tiến sĩ tại ĐH West of England và được hướng dẫn bởi GS. Steven Neill năm 2007 hoàn toàn không liên quan đến đề tài nghiên cứu hen suyễn của ông nhưng ông lại ghi vào bài báo của mình như một lời tri ân nơi đã đào tạo là một việc làm sai, cần phải rút kinh nghiệm.

TS. N.V.T. thực hiện toàn bộ nghiên cứu tại nhà và không báo cáo với nhà trường. Nhà trường cũng không có hội đồng chuyên môn và hội đồng y đức để đánh giá, cũng như không hỗ trợ về nhân sự và cơ sở vật chất để thực hiện nghiên cứu. Nghiên cứu này không được nhà trường công nhận là bài báo quốc tế theo đúng quy định của nhà trường. Theo TS. Hồ Thanh Phong, qua sự việc này, tác giả N.V.T. đã thừa nhận sai lầm và rất hối tiếc.

Hoàn thiện quy trình quản lý

Bài báo của tác giả N.V.T. bị rút khỏi tạp chí khoa học SpringerPlus.
PGS. TS. Hồ Thanh Phong cho biết sau việc một bài báo bị rút khỏi tạp chí SpringerPlus, nhà trường sẽ tích cực hoàn thiện quy trình quản lý của trường.

PGS.TS. Hồ Thanh Phong cũng cho biết theo quy định của nhà trường, giảng viên phải công bố ít nhất một bài báo quốc tế hoặc hai bài báo trong một năm. Các tác giả, nhà nghiên cứu có trách nhiệm tuân thủ các quy định quốc tế và quy định của tạp chí mình gửi đăng. Việc bài báo nghiên cứu của TS. N. V. T. bị rút khỏi SpringerPlus là sai lầm đáng tiếc của tác giả tuy nhiên cũng là một bài học kinh nghiệm để trường hoàn thiện chính sách quản lý, hỗ trợ công bố khoa học của cán bộ giảng viên.

Theo TS. Phong thì nhà trường cũng nghiêm túc nhìn nhận những khiếm khuyết và sẽ tích cực hoàn thiện quy trình quản lý của mình. Sắp tới, nhà trường sẽ báo cáo ĐH Quốc gia TPHCM và thành lập Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu khoa học để hoàn thiện quy trình xét duyệt bắt buộc trong các thử nghiệm khoa học trên đối tượng con người và động vật. Dù các nghiên cứu trên lĩnh vực Y sinh hay xã hội cũng tuân thủ các quy định y đức Việt Nam và tuyên bố Helsinki.

Bên cạnh đó, trường sẽ hoàn thiện các quy trình quản lý về các đề tài và các công bố khoa học từ mọi nguồn tài trợ đối với giảng viên và nghiên cứu trong trường trên tinh thần tôn trọng “tự do học thuật” nhưng vẫn đảm bảo theo quy chuẩn quốc tế và quy định của nhà trường. Đề ra những giải pháp tích cực nhằm tạo điều kiện cho giảng viên yên tâm giảng dạy và nghiên cứu.

Lê Phương