Đại biểu Quốc hội: Không nên bi quan quá về giáo dục!

(Dân trí) - Những ngày qua, nhiều vấn đề của ngành Giáo dục đã làm nóng nghị trường Quốc hội, từ  gian lận thi cử, tới bệnh thành tích… Đại biểu Quốc hội đã có những cách lí giải khác nhau cho những vấn đề này, có chỉ trích, có cảm thông và mong đợi sự quyết liệt thay đổi của ngành Giáo dục.

Nhìn nhận giáo dục toàn gam tối là thiếu công bằng!

Đại biểu Mai Sỹ Diến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa bày tỏ sự tiếc nuối khi thời gian thảo luận ở nghị trường Quốc hội chưa có đủ để nêu được những việc đã làm được của ngành Giáo dục.

Đại biểu Quốc hội: Không nên bi quan quá về giáo dục! - 1

Đại biểu Mai Sỹ Diến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Theo ông Diến, cần phải nhìn tổng thể để thấy được cả mặt tích cực và tồn tại của ngành giáo dục. Những đóng góp, thành tựu của ngành trong các năm qua là không thể phủ nhận. Do đó, không thể lấy một số vấn đề cục bộ để cho rằng giáo dục hiện nay toàn gam màu tối. Cách đánh giá, nhìn nhận như thế là thiếu khách quan, khiên cưỡng, thiếu công bằng.

Khi nhìn nhận về sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, vị đại biểu này cho rằng, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm trong việc để xảy ra lỗ hổng trong quy trình tổ chức thi liên quan đến tính bảo mật, nhưng nếu những người tham gia thực hiện cố tình làm sai một cách có tổ chức, hệ thống thì việc bảo mật cũng không thể đảm bảo được.

“Phải nhìn nhận khách quan rằng, những sai phạm mang tính hệ thống, có tổ chức là rất khó phát hiện. Bộ GD&ĐT khi nắm bắt được vấn đề đã nhanh chóng báo cáo để Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo kịp thời. Bộ cũng vào cuộc cùng ngành Công an xác minh sai phạm, đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh. Quan trọng hơn, Bộ đã tập trung làm rõ, tìm ra nguyên nhân, những lỗ hổng trong quy trình tổ chức thi và có các thay đổi cụ thể trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay” - Ông Diến nói.

Ông Diến cũng đề cập đến trách nhiệm của địa phương - đơn vị trực tiếp tổ chức thi, chấm thi. Trách nhiệm lớn nhất theo ông Diến là khi chọn lựa cán bộ vào Ban Chỉ đạo thi, làm công tác coi thi, chấm thi…, địa phương đã để một số cán bộ suy thoái đạo đức tham gia đội ngũ này. Dưới tác động từ bên ngoài, có thể là từ đồng tiền, quyền lực, một số cán bộ địa phương đã không giữ được mình, trực tiếp gây ra sai phạm.

Nhìn nhận về vấn đề bạo lực học đường, ông Mai Sỹ Diến nêu quan điểm, trách nhiệm trước hết thuộc về gia đình, tiếp đến là sự suy thoái đạo đức lối sống của một số cán bộ, nhân viên trong ngành Giáo dục.

“Trong việc này, trách nhiệm của ngành Giáo dục là chưa tạo ra được một chương trình giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp, thiết thực cho học sinh, chưa có những hướng dẫn hành xử cho giáo viên để theo kịp yêu cầu trong điều kiện bùng nổ công nghệ thông tin, hội nhập quốc tế cao” - Đại biểu tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.

Không thể đổ hết lỗi cho ngành giáo dục

Nhìn nhận những sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La từ góc độ tư pháp, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cho rằng, Bộ GD&ĐT đã thể hiện trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với các cơ quan cũng như cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng tiến hành các quy trình theo quy định.

Theo bà Dung, để xử lý cần phải có quá trình điều tra, đủ cơ sở pháp lý kết luận vấn đề đó là sai phạm và sai phạm tới đâu, những người nào có sai phạm… Phải có đủ cơ sở để phân định trách nhiệm như vậy thì mới xét xử.

“Như chúng ta đã biết, luật pháp của chúng ta là công khai, minh bạch. Vì vậy, khi có kết luận điều tra đến đâu, cơ quan công an đã công bố thông tin đến đó để người dân và cử tri biết; còn những việc chưa đủ cơ sở, chưa đủ kết luận hoặc trong quá trình điều tra thì các cơ quan chức năng tiếp tục làm” - Bà Dung cho hay.

Đại biểu Quốc hội: Không nên bi quan quá về giáo dục! - 2

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An

Về trách nhiệm của các bên, bà Dung nêu quan điểm, không thể đổ lỗi hết cho ngành Giáo dục, ở đây còn có trách nhiệm của các địa phương, cụ thể hơn là những người trực tiếp tổ chức kỳ thi, trong đó có những người có chức vụ lãnh đạo.

“Qua sự việc này, tất nhiên Bộ GD&ĐT cũng phải lấy đây là bài học, phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hết cho Bộ. Ngành Giáo dục thời gian qua đã có nhiều cố gắng. Chúng ta cũng phải nhìn nhận công bằng như vậy” - Bà Dung nói.

Trong khi những sai phạm của kỳ thi THPT quốc gia 2018 vẫn chưa ngã ngũ thì kỳ thi năm 2019 lại đang đến gần, nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Long An mong rằng, phụ huynh, học sinh sẽ không để những vấn đề của kỳ thi năm 2018 chi phối, ảnh hưởng, sẽ tạo tâm lý không tốt cho các em bước vào kỳ thi.

Vị đại biểu Quốc hội cũng chia sẻ, Bộ GD&ĐT đã có những giải pháp, đổi mới và hướng dẫn để kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019 vừa đạt chất lượng, hiệu quả và ngăn ngừa tối đa những tiêu cực có thể xảy ra. “Theo tôi, chúng ta đừng quá bi quan về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 này”.

Thu Hà