Đại học - Doanh nghiệp: Mô hình đào tạo tiên tiến của thời 4.0

(Dân trí) - Nguồn nhân lực không chỉ vững chuyên môn mà còn giỏi kỹ năng, ứng dụng công nghệ và nhạy bén trong công việc là những yêu cầu cấp thiết của thị trường lao động thời kỳ 4.0. Trong đó, mô hình kết nối Đại học - Doanh nghiệp được coi là giải pháp đào tạo hiệu quả.

Là một trong những trường đại học tiên phong xây dựng mô hình Đại học - Doanh nghiệp, trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã và đang khẳng định giá trị thiết thực của mô hình đào tạo này - thông qua những thế hệ kỹ sư, cử nhân chất lượng bổ sung cho thị trường lao động hằng năm.

Trải nghiệm doanh nghiệp - kinh nghiệm thực tế ngay khi là sinh viên

Với sinh viên trưởng thành từ “cái nôi” Đại học - Doanh nghiệp, những chương trình kết nối học tập tại doanh nghiệp thường xuyên là giải pháp giúp các bạn dễ dàng vượt qua “thử thách” mang tên kỹ năng mềm hay hiểu biết thực tế về môi trường làm việc; đồng thời có cơ hội học hỏi, cập nhật những yêu cầu mới nhất của các nhà tuyển dụng hiện đại.

Sinh viên ngành Quản trị khách sạn tham gia Học kỳ doanh nghiệp tại khách sạn Majestic
Sinh viên ngành Quản trị khách sạn tham gia Học kỳ doanh nghiệp tại khách sạn Majestic

Chẳng hạn, với nhóm ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, sinh viên HUTECH ngay từ năm 2 đã được tạo điều kiện tham gia các Học kỳ doanh nghiệp tại các đối tác của trường: khách sạn 5 sao như Majestic, Intercontinental, các trung tâm hội nghị cao cấp như GEM Center, Gala Center, The Adora. Trong thời gian 3 - 4 tháng, sinh viên được training bởi giám sát các bộ phận và tham gia làm việc cùng nhân viên chính thức của doanh nghiệp. Không chỉ có cơ hội phát triển kỹ năng, các bạn còn có thể hiểu thêm về các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực chuyên môn, nâng cao năng lực tiếng Anh thông qua làm việc với khách hàng nước ngoài,... - những yêu cầu không thể thiếu của thời đại 4.0.

Sinh viên ngành Công nghệ thông tin HUTECH trải nghiệm nghề nghiệp tại công ty FPT Software HCM
Sinh viên ngành Công nghệ thông tin HUTECH trải nghiệm nghề nghiệp tại công ty FPT Software HCM

Trong khi đó, sinh viên ngành Công nghệ thông tin, An toàn thông tin HUTECH được tham gia các chuyến tham quan thực tế tại FPT Software, TMA Solutions, KMS Technology,... “Già dặn” hơn - ở năm 3, năm 4 - là những đợt “Office Tour” dài hơi, yêu cầu cao hơn và tất nhiên là học tập được nhiều hơn. Lợi thế là thành viên của Hội Tin học TP.HCM (HCA) giúp sinh viên Công nghệ thông tin HUTECH luôn được chào đón bởi các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu - không chỉ trong tham quan học tập mà còn trong tuyển dụng.

Hẳn nhiên, để đảm bảo hiệu quả từ các chương trình thực tế, bên cạnh hợp tác doanh nghiệp và sự năng động, tích cực, sẵn sàng “dấn thân” của các bạn sinh viên thì tính thực tiễn của chương trình đào tạo cũng là yêu cầu quan trọng. Tại HUTECH, yêu cầu này được “giải quyết” thông qua thời lượng thực hành thường xuyên ngay tại trường, trong hệ thống phòng thực hành - thí nghiệm - mô phỏng,... được trang bị chuyên nghiệp.

Học tập thực tiễn, kỹ năng vững vàng để tự tin khởi nghiệp

Đào tạo thực tiễn theo hướng ứng dụng, không ngừng trải nghiệm thực tế để nắm bắt nhu cầu thị trường, chú trọng kỹ năng mềm và khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại - đó cũng chính là những ưu điểm nổi bật khiến mô hình Đại học - Doanh nghiệp được coi như “đất lành khởi nghiệp” cho sinh viên. Bởi ý tưởng khởi nghiệp thật ra không phải là điều gì quá vĩ mô, mà đôi khi chính là những ý tưởng nảy sinh từ nền tảng cọ xát thực tế.

Nguyễn Thị Thủy Tiên nhận giấy chứng nhận Top 10 giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2017
Nguyễn Thị Thủy Tiên nhận giấy chứng nhận Top 10 giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2017

Bên cạnh đó, một hoạt động nổi bật khác ở các trường đại học có hợp tác doanh nghiệp chặt chẽ là các chương trình gặp gỡ doanh nhân thành đạt, tạo nên các “vườn ươm khởi nghiệp” cho những sinh viên có ý tưởng nhưng còn bối rối trong bước khởi đầu. Nguyễn Thị Thủy Tiên, sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm HUTECH, Top 10 giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2017 với dự án khởi nghiệp từ mứt chôm chôm, cho biết: “Từ một ý tưởng ban đầu đến một đề án kinh doanh và sau đó là một startup cần có một quá trình nỗ lực và phấn đấu không ngừng. Cùng kiến thức chuyên môn, em được trang bị nền tảng về khởi nghiệp rất kỹ trong quá trình học tập. Nhà trường, thầy cô luôn hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh viên thực hiện ý tưởng, nên em cứ mạnh dạn thử thách bản thân để trưởng thành”.

Cựu SV HUTECH - Huỳnh Vũ Hoài Nhân – nhận giải Nhất Festival Thanh niên khởi nghiệp Việt-Hàn 2017
Cựu SV HUTECH - Huỳnh Vũ Hoài Nhân – nhận giải Nhất Festival Thanh niên khởi nghiệp Việt-Hàn 2017

Cũng như Thủy Tiên, nhiều sinh viên HUTECH đã và đang bước đầu khẳng định bản thân với những ý tưởng khởi nghiệp “đậm chất công nghệ” như các sinh viên Huỳnh Vũ Hoài Nhân (cựu sinh viên Công nghệ thông tin - giải Nhất Festival Thanh niên khởi nghiệp Việt-Hàn 2017 với sartup Ứng dụng ngón tay robot MicroPush, co-founder ColorME), Tô Thành Duy (Ứng dụng tìm nhà trọ trên thiết bị di động),...

Tuy nhiên, mỗi “giảng đường” đều có những yêu cầu riêng. “Giảng đường doanh nghiệp” cũng thế. Học tập định hướng “Đại học - Doanh nghiệp” sẽ đòi hỏi các bạn “lăn xả” trong nhiều môi trường hơn, “đi” nhiều hơn và hẳn là vất vả! Đó cũng có thể coi là một kiểu “thử lửa” để mỗi sinh viên xây dựng bản lĩnh vững vàng - vì trong bất cứ thời đại nào thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất.