Thừa Thiên Huế:

Đại học Huế: Khó kiểm soát chất lượng học bạ của học sinh THPT

(Dân trí) - Thực tiễn ở Đại học Huế cho thấy việc xét tuyển đại học theo học bạ sẽ rất khó khăn trong quá trình lọc ảo trong công tác tuyển sinh, tạo nên sự hoài nghi về chất lượng đầu vào của sinh viên.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Đại học Huế đã tính đến phương án ứng phó, đảm bảo công tác tuyển sinh và chất lượng đầu vào.

PGS.TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế cho biết, việc giữ ổn định kỳ thi THPTQG 2020 như các năm 2017 - 2019 là phù hợp với Luật Giáo dục (Điều 34).

“Từ xưa tới nay, kỳ thi cuối cấp là thước đo quan trọng để phân tầng học sinh phổ thông tốt nghiệp, giúp cho các cơ sở giáo dục đại học tuyển chọn học sinh có đầu vào cho các ngành nghề khác nhau với yêu cầu chất lượng khác nhau. Thông qua kỳ thi, các cơ sở giáo dục đại học có thể tham gia trực tiếp vào kiểm tra, giám sát chất lượng và kết quả kỳ thi, giúp đảm bảo chất lượng.

Đặc biệt, với các đại học đa ngành, đa lĩnh vực như Đại học Huế có các ngành học như khoa học sức khoẻ, các ngành tốp trên thì nhu cầu cần phải lựa chọn sinh viên có chất lượng đầu vào cao mới đảm bảo chất lượng đào tạo” – ông Linh nhấn mạnh.

Đại học Huế: Khó kiểm soát chất lượng học bạ của học sinh THPT - 1

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế có ý kiến về việc nên giữ kỳ thi THPTQG

Theo ông Linh, những ngành khoa học cơ bản tuy khó tuyển sinh song cũng cần sinh viên giỏi và có đầu vào tốt mới đảm bảo chất lượng trong quá trình đào tạo và định hướng cho việc đào tạo nguồn nhân lực khoa học Nước nhà. Chỉ thông qua kỳ thi THPTQG mới có thể đánh giá khách quan chất lượng đầu vào của thí sinh cho các cơ sở giáo dục đại học.

Về xét tuyển bằng học bạ, ông Linh cho rằng, sẽ khó đáp ứng được tiêu chuẩn đầu vào đại học.

Bên cạnh đó, rất khó để kiểm soát được chất lượng học sinh và chất lượng học bạ tương ứng. Thực tiễn ở Đại học Huế cho thấy việc xét tuyển đại học theo học bạ sẽ rất khó khăn trong quá trình lọc ảo trong công tác tuyển sinh, tạo nên sự hoài nghi về chất lượng đầu vào của sinh viên.

Điều đó sẽ dẫn đến vấn đề không tuyển được những sinh viên giỏi, đặc biệt là các ngành như sư phạm, ảnh hưởng lớn đến đào tạo giáo viên và nguồn nhân lực chung.

Ông Linh cho rằng, trong trường hợp dịch Covid-19 kéo dài, khó hoàn thành chương trình lớp 12, nếu sử dụng căn cứ xét tuyển qua học bạ, các cơ sở giáo dục đại học sẽ gặp nhiều khó khăn nhất là các ngành năng khiếu.

Tuy nhiên, để phù hợp với hình thức học trực tuyến và thời gian học như hiện nay, ông Linh kiến nghị: "Cần có phương án giảm tải chương trình, kéo dài thời gian kết thúc năm học và kéo theo thời gian xét tuyển vào đại học cao đẳng cũng được lùi lại".

Đại Dương