Đại học phải xoay chiều đào tạo vì nhiều ngành học sẽ “biến mất”

(Dân trí) - Các chương trình mang tính liên ngành, xuyên ngành đã và đang xuất hiện ngày càng nhanh trong “bản đồ ngành nghề” ở Việt Nam. Cùng đó sẽ là sự “biến mất” của những ngành đào tạo không còn nhu cầu XH.

Đó là nhận định của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo (Đại học và Sau Đại học) của ĐHQGHN.

Ngày 18/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1982/QĐ-TTg về việc phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Theo đó, ngày 30/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 436/QĐ-TTg giao Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với các bên liên quan triển khai xây dựng, ban hành chuẩn CTĐT đối với các ngành, nhóm ngành theo từng lĩnh vực đào tạo của GDĐH.

Một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hội nhập giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới ngày nay là sự công nhận lẫn nhau về trình độ, chất lượng nguồn nhân lực.

Theo đó, yêu cầu cấp thiết là xây dựng chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT), giúp các trường đại học nâng cao năng lực cạnh tranh trong đào tạo nguồn nhân lực xuyên biên giới.

Đại học phải xoay chiều đào tạo vì nhiều ngành học sẽ “biến mất” - 1

Nhiều ngành học sẽ biến mất trong thời cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cần xây dựng chuẩn đầu ra chung nhất cho một số nhóm ngành

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, xây dựng khung trình độ quốc gia Việt Nam là việc làm rất đúng đắn và cần thiết. Nếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam được thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc và đúng hướng, rõ ràng nó không chỉ góp phần khắc phục tình trạng “lộn xộn” trong đào tạo đại học mà còn góp phần nâng tầm và nâng cao tính hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam đối với giáo dục trong khu vực và trên thế giới.

Theo GS Nguyễn Đình Đức, với xu hướng ngày càng đề cao tính tự chủ của các trường đại học học, và với tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0, các chương trình đào tạo ngày càng có tính liên ngành và xuyên ngành, thậm chí đã ngày càng xóa nhòa biên giới giữa các ngành trong cùng một lĩnh vực.

Hơn nữa, trong bối cảnh CMCN 4.0, hoạt động tổ chức và quản lý đào tạo ngày càng có tính cá thể hóa, do đó chỉ nên quy định các chuẩn đầu ra cơ bản và tối thiểu, không nên quy định quá cứng về cấu trúc và thời lượng của từng khối kiến thức.

Do đó, nên để các cơ sở giáo dục có thể linh hoạt trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo phù hợp với năng lực, thế mạnh của mình, miễn là chương trình đào tạo đó phải đáp ứng các yêu cầu về chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo tương ứng đã được quy định tại Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Hiện nay số lượng các chương trình đào tạo bậc đại học rất lớn và không ngừng biến động, đổi mới. Ví dụ như ĐHQGHN đang đào tạo 24 ngành thí điểm ở bậc đại học, chưa có trong danh mục mã ngành của Nhà nước.

Trong số đó có những ngành như Kỹ thuật năng lượng, Công nghệ Hàng không Vũ trụ, Kĩ thuật Robot, Công nghệ nông nghiệp ở ĐH Công nghệ; Quản trị trường học, Quản trị công nghệ giáo dục và  Tham vấn học đường ở ĐH Giáo dục; Máy tính và khoa học thông tin, Khoa học thông tin địa không gian, Quản lí phát triển đô thị và bất động sản, Công nghệ quan trắc và giám sát tài nguyên môi trường, Khoa học dữ liệu, Kĩ thuật điện tử và tin học ở ĐH Khoa học Tự nhiên;

Luật thương mại quốc tế ở khoa Luật; Kế toán, phân tích và kiểm toán; Tin học và kĩ thuật máy tính; Phân tích dữ liệu kinh doanh ở Khoa Quốc tế và 2 ngành mới Quản trị doanh nghiệp và công nghệ, Marketing và truyền thông ở Khoa Quản trị Kinh doanh...

Có thể thấy đó là những chương trình rất mới, phong phú và đa dạng, và đáp ứng nhu cầu cao của thị trường lao động.

Theo GS Nguyễn Đình Đức, sẽ rất khả thi nếu việc xây dựng và ban hành Chuẩn chương trình thực hiện đối với một số ngành/nhóm ngành nhất định.

Có thể trước hết ưu tiên thực hiện chuẩn chương trình đào tạo đối với những ngành đào tạo “có nghề” một cách rõ rệt như các ngành thuộc lĩnh vực CNTT, y dược, luật, các ngành đào tạo kỹ sư, công nghệ, kỹ thuật,… và các ngành thuộc những lĩnh vực ngành nghề được phép di chuyển trong ASEAN (nhằm hướng tới mục tiêu công nhận lẫn nhau trong ASEAN).

Còn lại, có thể xem xét để xây dựng chuẩn đầu ra chung nhất cho một số nhóm ngành (ví dụ như chuẩn đầu ra của cử nhân khoa học xã hội, bao gồm nhóm các ngành khoa học xã hội như triết học, nhân học, xã hội học, ….như một số nước đang làm).

Đây cũng là gợi ý cho các cơ sở đào tạo xem xét để mạnh dạn chuyển đổi những ngành/chuyên ngành truyền thống khó tuyển.

Đại học phải xoay chiều đào tạo vì nhiều ngành học sẽ “biến mất” - 2

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo (Đại học và Sau Đại học) của ĐHQGHN.

Nhiều ngành học sẽ “biến mất”

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, thực tế những năm gần đây cũng cho thấy, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ cũng như trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang ảnh hưởng ngày càng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhu cầu nguồn nhân lực thường xuyên có sự biến đổi.

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực với các yêu cầu “động” này, các chương trình đào tạo hoàn toàn mới chưa từng có trong tiền lệ, đặc biệt là các chương trình mang tính liên ngành, xuyên ngành đã và đang xuất hiện ngày càng nhanh và nhiều trong “bản đồ ngành nghề đào tạo” ở Việt Nam.

Cùng với nó sẽ là sự “biến mất” của những ngành đào tạo không còn nhu cầu xã hội. Nghĩa là, ngay cả danh mục ngành nghề đào tạo sẽ có sự thay đổi, biến động không ngừng, do đó kì vọng về việc xây dựng và ban hành Chuẩn của tất cả các chương trình đào tạo bậc đại học, để luôn đuổi kịp sự thay đổi đó, cho tất cả, từng chương trình đào tạo, nhất là với những ngành không gắn với nghề và một số ngành khoa học cơ bản và nhất là những ngành đó ngày càng có sự giao thoa nhau - là khó khả thi để thực hiện được trọn vẹn cả về nguyên lí phát triển và điều kiện, thời gian thực hiện.

Với những phân tích trên, GS Đức cho rằng, xây dựng và ban hành chuẩn khung trình độ quốc gia cho những ngành có nghề, những ngành như y, dược, luật, tài chính ngân hàng, kỹ thuật, công nghệ, các ngành kỹ sư là cần thiết và khả thi, còn lại chuẩn khung năng lực theo nhóm ngành lại là phương án hợp lý và khả thi với các ngành khác (ví dụ như kinh tế phát triển và chính sách công; hoặc triết học, văn học, sử học, xã hội học,….)   

Phải tiếp cận chuẩn quốc tế

Theo GS Đức, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cũng sẽ là công cụ hữu hiệu đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo, hiệp hội nghề nghiệp, đơn vị tuyển dụng, gia đình và người học trong việc kiểm soát, đánh giá quá trình và chất lượng của các sản phẩm đào tạo.

Chuẩn chương trình đào tạo cũng sẽ là điểm tham chiếu quan trọng để phát triển các chương trình đào tạo và bảo đảm chất lượng cũng như công nhận tương đương các học phần và các văn bằng, chứng chỉ giữa các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước. Cùng với kiểm định và xếp hạng đại học, chuẩn đầu ra là cơ sở quan trọng để văn bằng Việt Nam được công nhận ở nước ngoài.

Đồng thời là cầu nối gắn kết giữa sản phẩm đào tạo của Việt Nam với thị trường lao động khu vực và thế giới.

Chính vì vậy, GS Đức cho rằng, tiếp cận theo chuẩn đầu ra và đáp ứng khung trình độ quốc gia là một cách tiếp cận tiên tiến, khoa học trong việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo.

Chuẩn đầu ra như thế nào, thì chương trình đào tạo phải có những nội dung hoặc học phần và cơ sở đào tạo phải có điều kiện nhân lực, CSVC,… để giúp người học có thể đạt được chuẩn đầu ra như vậy.

"Đây cách tiếp cận đang được thực hiện ở nhiều trường đại học, ở nhiều quốc gia, nhất là ở các quốc gia phát triển trên toàn thế giới" - GS Đức chia sẻ.

GS Đức cho rằng, việc ban hành chuẩn chương trình đào tạo theo cách tiếp cận chuẩn đầu ra (ở mức độ chi tiết phù hợp và đối với những ngành nghề phù hợp) sẽ tạo ra những “khuôn khổ”, mực thước, định hình sản phẩm đào tạo theo từng ngành nghề/nhóm ngành nghề nhất định, góp phần xóa bỏ tình trạng “lộn xộn”, trăm hoa đua nở hiện nay.

Hơn nữa, do có sẵn khung, chuẩn năng lực trình độ quốc gia nên các cơ sở giáo dục đại học cũng sẽ phần nào tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí trong việc xây dựng chương trình đào tạo tương ứng.

"Các đơn vị đào tạo vừa phải đảm bảo đúng “khuôn khổ và yêu cầu” cho phép, vừa phải lồng ghép được những thế mạnh, đặc trưng, đặc sắc của đơn vị mình trong chương trình đào tạo" - GS Đức cho hay.

Hồng Hạnh