Đại thi hào Tagore và triết lý đầu tư tối ưu cho giáo dục

(Dân trí) - Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi xin nêu một triết lý, một lời dạy của R. Tagore, Đại thi hào Ấn Độ, về vai trò của phụ nữ và giáo dục trong xã hội: “Đầu tư vào một người đàn ông ta được một người chồng tốt, đầu tư vào một người phụ nữ ta được một gia đình tốt, đầu tư vào một nhà giáo ta được một thế hệ tốt”.

Người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel

Chúng ta đã nghe và thấm nhuần nhiều câu nói nổi tiếng của Bác Hồ, của các chính khách am hiểu giáo dục, văn hóa và nhiều nhà giáo dục Việt Nam về nghề giáo, nhà giáo. Còn rất nhiều châm ngôn để đời tôn vinh nghề nhà giáo và chức năng đặc biệt của giáo dục, từ Việt Nam ra quốc tế, từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim. Tôi xin không nhắc lại. Trong bài này, nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2017, tôi xin nêu một triết lý, một lời dạy của R. Tagore, Đại thi hào Ấn Độ, về vai trò của phụ nữ và giáo dục trong xã hội:

“Đầu tư vào một người đàn ông ta được một người chồng tốt, đầu tư vào một người phụ nữ ta được một gia đình tốt, đầu tư vào một nhà giáo ta được một thế hệ tốt” (Invest in a man we have a good husband, invest in a woman we have a good family, invest in a teacher we have a good generation.)

Đại thi hào Rabindranath Tagore của Ấn Độ (1861-1941) được trao giải Nobel Văn học năm 1913, trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel.

Tuyển tập thơ của ông gồm hơn 1.000 bài thơ và được chia thành 50 tập. Bài thơ đầu tiên "Tặng hội đền tín đồ Ấn Độ giáo" được đăng khi ông mới 14 tuổi. Năm 1913, ông đoạt giải Nobel về Văn chương cho bản dịch tiếng Anh của tác phẩm Gitanjali (Thơ dâng) của mình. Thơ ông đến với độc giả Việt Nam qua các bản dịch của các nhà văn Đỗ Khánh Hoan, Đào Xuân Quý và một số dịch giả khác.

Tagore là một người đa tài và sự nghiệp Văn chương thật đồ sộ. Ngoài thơ ra, ông còn sáng tác 12 bộ tiểu thuyết dài và vừa, hàng trăm truyện ngắn, ký, 42 vởi kịch, 2.000 tranh vẽ... Nói về nguồn cảm hứng sáng tác của mình, Ông viết: "Cõi đời hôn lên hồn tôi nỗi đau thương, Và đòi hỏi tôi đáp lại bằng lời ca tiếng hát". Trong những năm từ 1878 đến 1932, Tagore đã hành trình vòng quanh thế giới, qua hơn 30 nước (trong đó có Việt Nam) và cả 5 châu, và gặp gỡ nhiều nhà văn hóa, khoa học lớn, như Henri Bergson, Albert Einstein, Robert Frost, Thomas Mann, George Bernard Shaw, H.G. Wells, Romain Rolland...

Giáo dục và phụ nữ

Việc một nhà thơ, một nhà văn hóa nói về con người, về giáo dục và xã hội là chuyện bình thường. Nhưng điều khiến tôi thú vị ở đây là khi thấy một nhà thơ nói về một vấn đề khá "chi li", đó là vấn đề hiệu quả "đầu tư" cho con người, gia đình và xã hội. Và vì vậy tôi cũng sẽ cố gắng hiểu, phân tích và bình luận 3 câu này của Tagore một cách "chi li".

Đầu tư chỉ hoàn vốn, không có lãi, khi "bỏ" 1 "ăn" 1. Đầu tư có lãi là bỏ 1 ăn hơn 1. Đầu tư siêu lãi là bỏ 1 ăn hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu... Nào ta xem! “Đầu tư vào một người đàn ông ta được một người chồng tốt." Nếu tạm quên chữ "tốt" thì 1 ăn 1, không lãi. Nếu để ý đến chữ "tốt" thì đã có lãi nhưng ít: Bỏ 1 ăn 1 + "tốt" (1 tốt).

Đầu tư vào con người, nhất là người phụ nữ, và giáo dục luôn là đầu tư quan trọng, chiến lược, thông minh và tối ưu! (ảnh: Minh họa)
Đầu tư vào con người, nhất là người phụ nữ, và giáo dục luôn là đầu tư quan trọng, chiến lược, thông minh và tối ưu! (ảnh: Minh họa)

Ở câu thứ hai: "Đầu tư vào một người phụ nữ ta được một gia đình tốt". Như vậy bỏ 1 ra được 1 gia đình tốt. Một gia đình hiện đại có thể có từ 3 người trở lên (hai bố mẹ và một con) tùy người, tùy nước, tùy quy định sinh đẻ từng nước. Ta cứ tạm xem gia đình có ít là 4 người. Như vậy đầu tư vào người một người phụ nữ lãi ít nhất gấp bốn lần đầu tư vào một người đàn ông!

Cuối cùng: "Đầu tư vào một nhà giáo ta được một thế hệ tốt". Một "thế hệ" là bao nhiêu người? Tôi đã cố gắng tìm hiểu xem "thế hệ" là gì (định nghĩa), mỗi thế hệ kéo dài bao nhiêu năm (22-25 năm?), và "một thế hệ" có khoảng bao nhiêu người. Nhưng tôi đã không tìm được câu trả lời cho phần thứ ba, dù hai phần đầu của câu hỏi thì không khó trả lời. Vả lại một nhà thơ, một nhà văn hóa vĩ đại như Tagore cũng không cần cụ thể đến vậy, chỉ hàm ý rằng "một thế hệ tốt" gồm nhiều bạn trẻ giỏi giang và thành đạt, mà ta tạm ký hiệu số lượng bằng số N. Chính xác thì khó nói, nhưng N có thể biểu thị số lượng một thế hệ trong một nước hoặc trên toàn thế giới, gồm nhiều nghìn, nhiều vạn hoặc nhiều triệu thanh thiếu niên.

Điều thú vị là chúng ta có thể rút ra từ lời dạy của Tagore như sau: Đầu tư vào một người đàn ông, bỏ 1 ăn 1, đầu tư vào một người phụ nữ, bỏ 1 ăn ≥ 4 (lãi ít nhất gấp bốn lần đàn ông!), đầu tư vào một nhà giáo, bỏ 1 ăn N. N là số rất lớn! Như vậy, nếu ta đầu tư vào một nhà giáo nữ thì lãi sẽ rất lớn, bỏ 1 ăn 4 + N, vào một nhà giáo nam thì lãi 1 + N (< 4 +N). Vai trò to lớn của giáo dục và người phụ nữ được Tagore tính toán cụ thể và chi li như vậy, bằng văn thơ.

Như vậy, đầu tư vào con người, nhất là người phụ nữ, và giáo dục luôn là đầu tư quan trọng, chiến lược, thông minh và tối ưu!

Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2017, tác giả xin gửi tới tất cả các thầy giáo, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước lời cám ơn, lời chúc mừng tốt đẹp nhất và tin tưởng rằng nền giáo dục Việt Nam hiện đại sẽ phát triển nhanh chóng và bền vững, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc chúng ta!

Hà Nội, 13/11/2017

Nhà giáo Trần Văn Nhung

(Ghi chú: Tác giả có tham khảo một số thông tin liên quan trên internet.)