Đề tiếng Anh vào lớp 10 tại TPHCM: Bám sát kiến thức SGK, có điểm nhấn thời sự

(Dân trí) - Thầy giáo Đặng Hồng Công đánh giá đề thi tiếng Anh tuyển sinh lớp 10 của TPHCM bám sát kiến thức sách giáo khoa, tính phân loại tốt và có điểm nhấn thời sự khi đưa chi tiết “săn Pokemon trên đường là không an toàn với trẻ” vào câu số 35.

Chiều nay 2/6, gần 74.000 thí sinh đã hoàn thành bài thi tiếng Anh trong kỳ thi “giành suất” vào lớp 10 công lập tại TPHCM. Đề thi môn tiếng Anh với thời lượng 60 phút có tổng cộng 36 câu (trong đó 20 câu trắc nghiệm).

Thầy Đặng Hồng Công (giáo viên Tiếng Anh trường THPT Bình Sơn, Vĩnh Phúc - Chủ nhiệm CLB Giáo viên tiếng Anh các trường THPT cụm Sông Lô, Vĩnh Phúc) đánh giá đề thi này đã “làm tròn vai”.

Đề tiếng Anh vào lớp 10 tại TPHCM: Bám sát kiến thức SGK, có điểm nhấn thời sự - 1
Đề thi tiếng Anh tuyển sinh lớp 10 TP. HCM 2017. (Ảnh: Vietnamnet)
Đề thi tiếng Anh tuyển sinh lớp 10 TP. HCM 2017. (Ảnh: Vietnamnet)

Theo nhận định của thầy Công, quy mô kiến thức và từ vựng tương đối cơ bản, nằm trong chương trình SGK, không có dạng bài lạ với học sinh, không đòi hỏi những khả năng quá cao.

Cụ thể, đề tổng cộng có 7 bài với các yêu cầu kiến thức ở nhiều dạng, nhiều kĩ năng khác nhau: từ vựng, ngữ pháp, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng đọc, viết…

1. Nhóm câu hỏi ngữ âm: (không xuất hiện)

2. Tìm lỗi sai: Tập trung ở kiến thức về từ vựng và ngữ pháp.

- Từ vựng: lỗi sai về cách dùng từ (nghĩa của từ)

- Ngữ pháp: Lỗi sai về liên từ

3. Từ vựng, ngữ pháp, giao tiếp tổng hợp: 10 câu

- Từ vựng (3 câu): các từ vựng được nêu ra đều có trong chương trình SGK, thí sinh có thể xử lí được nếu học tốt trên lớp.

- Ngữ pháp (5 câu): giới từ, liên từ, các thì, đại từ quan hệ

- Kĩ năng giao tiếp (2 câu): lời đáp trong ngữ cảnh giao tiếp phổ thông.

4. Kĩ năng đọc (12 câu): chiếm số lượng câu lớn, lượng điểm đáng kể. Chia ra 2 dạng bài chính:

- Bài 1: Đọc hiểu (đọc trả lời câu hỏi), có 6 câu với một bài văn ngắn khoảng 130 từ với 2 dạng câu hỏi là xác định phát biểu đúng hay sai so với nội dung bài đọc (4 câu) và trả lời trắc nghiệm (2 câu), chủ đề của bài đọc là chủ đề công nghệ phổ thông.

- Bài 2: đọc điền từ (6 câu): HS quen gọi là bài “đục lỗ”: Hoàn thành vào 1 bài văn khoảng 120 từ, có 2 câu hỏi kiểm tra kiến thức ngữ pháp và 4 câu từ vựng, chủ đề của bài cũng trong chương trình SGK (lễ hội)

5. Kĩ năng từ vựng (6 câu): Hỏi về các dạng khác nhau của từ, hình thức tự luận, đây được xem là dạng bài không “dễ chịu” với các thí sinh vì nó vừa đòi hỏi kiến thức từ vựng phong phú vừa đòi hỏi tính chính xác cao khi làm bài, chỉ sai 1 kí tự thì đáp án sẽ không được chấp nhận.

6. Kĩ năng viết (6 câu): Chia 2 dạng là sắp xếp lại các từ đã cho để tạo câu và viết biến đổi câu, chủ yếu kiến thức ngữ pháp trong chương trình cơ bản.

Qua những phân tích khá chi tiết, thầy Đặng Hồng Công nhận xét: Với vai trò, chức năng của một đề thi dùng để tuyển sinh vào lớp 10 thì đề này đã làm được điều đó. Số lượng câu hỏi, dạng bài…đủ mức độ để đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh. Đề thi bám tương đối sát với hệ thống kiến thức cơ bản, hệ thống từ vựng trong SGK, không đánh đố học sinh.

Thêm nữa, tính phân loại trong đề thi là tương đối cao. “Số lượng câu hỏi tự luận nhiều giúp đề thi dễ dàng làm được điều đó, với đa số học sinh có sức học ở mức độ trung bình và khá có thể dễ dàng dành được mức độ điểm từ 5.5 đến 7; nhưng để đạt mức độ điểm giỏi thì đòi hỏi học sinh phải có kiến thức rất vững chắc, nhất là kiến thức từ vựng”, giáo viên 8X giải thích.

Đặc biệt, thầy Công cho rằng, điểm nhấn của đề thi nằm ở tính thời sự khi có một chi tiết thể hiện tính thời sự khi đưa sự nguy hiểm của việc chơi trò Pokemon Go trên đường vào câu số 35 (đi săn Pokemon trên đường là không an toàn với trẻ).

Thầy Đặng Hồng Công đánh giá, đề thi tiếng Anh lớp 10 TP.HCM đã làm “tròn vai”.
Thầy Đặng Hồng Công đánh giá, đề thi tiếng Anh lớp 10 TP.HCM đã làm “tròn vai”.

Tuy nhiên, hạn chế của đề thi là tính cân đối chưa cao: đề thi không xuất hiện bài tập về ngữ âm, theo đó không kiểm tra được năng lực phát âm của học sinh.

Hệ thống câu hỏi về ngữ pháp là chưa đa dạng, thực tế đề trong đề thi mới chỉ xuất hiện một số lượng hạn chế các chủ đề ngữ pháp, còn các chủ đề quan trọng nữa chưa thấy đề cập (câu điều kiện, câu bị động, mạo từ…). Các dạng bài trong đề thi còn có chút đơn điệu, tính thực tiễn chưa thể hiện được nhiều, qua đó chưa đánh giá được đầy đủ, toàn diện về thí sinh.

“Đề thi này có thể nói làm đã làm tròn vai, cá nhân tôi chưa thấy hay”, thầy Công đánh giá.

Lệ Thu