Đề Toán lớp 10 ở TPHCM: Lời “cảnh tỉnh” cho dạy thêm - học thêm!

(Dân trí) - Đề thi Toán trong kỳ tuyển sinh lớp 10 ở TPHCM vừa diễn ra được nhiều người hoan hô và xem đó như là "lời cảnh tỉnh" cho giáo viên và học sinh... còn nặng nề dạy học nhồi nhét, chạy theo dạy thêm - học thêm.

Ngay sau buổi thi môn Toán trong kỳ tuyển sinh lớp 10 ở TPHCM diễn ra vào sáng 3/6, nhiều giáo viên đánh giá cao sự thay đổi "lột xác" của ngành giáo dục TPHCM trong đề thi. Với đề thi cơ bản, thực tế, đề thi được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng ngược đến việc dạy, "chống" lại việc dạy thêm, học thêm.

Đề Toán lớp 10 ở TPHCM: Lời “cảnh tỉnh” cho dạy thêm - học thêm! - 1
Đề Toán vào lớp 10 ở THCM năm học 2018-2019
Đề Toán vào lớp 10 ở THCM năm học 2018-2019

ThS Phạm Phúc Thịnh cho biết, ngay sau buổi thi, ông đã hoan hô đề thi vào lớp 10 của TPHCM. Thầy Thịnh nhận xét đề Toán lớp 10 của TPHCM cơ bản, không đánh đố, không đòi hỏi nâng cao hay mở rộng. Với đề thi này, học sinh chỉ cần lên lớp nghe giảng bài nghiêm túc, hoàn thành các bài tập cơ bản trong sách giáo khoa là các em có thể xử lý được đề.

"Học sinh trung bình có thể có 7 điểm trong tầm tay; học sinh khá 8 - 8,5 điểm và học sinh giỏi 9 - 10 điểm mà không phải đi học thêm học bớt gì", thầy Thịnh khẳng định.

Phân tích từng câu cụ thể trong đề, ThS Phạm Phúc Thịnh cho rằng, ngành giáo dục ra đề theo hướng này thì học sinh sẽ không cần phải trầy trật đi học thêm.

Thầy Trần Anh Tuấn, giáo viên Toán, Trường THPT Thanh Đa đánh giá đề Toán có cấu trúc lạ khác hẳn trước đây, có nhiều câu Toán thực tế, không còn những câu "đánh đố" dành cho người ra đề giải. Và đây cũng là "lời cảnh tỉnh", trước hết là đối với giáo viên Toán cấp 2 trong việc ôn luyện thi cho học sinh.

Thấy Tuấn nói: "Một số giáo viên còn dạy theo cách cũ, theo đề "truyền thống" trước đây. Họ tập trung dạy học sinh kiến thức hàn lầm mà ít chú trọng đến phần ứng dụng thực tế. Với đề thi như thế này chắc chắn giáo viên sẽ phải điều chỉnh, thay đổi về cách thức và cả nội dung dạy học, ra đề ôn tập cho học sinh".

Cô Dư Thị Lan Hương, giáo viên thỉnh giảng môn Toán tại Trường THCS Chu Văn An, Q.1, TPHCM cho rằng, đề thi Toán rất rõ ràng, không gài bẫy, bản thân trong đề đã có hướng dẫn công thức. Với đề thi như thế này học sinh không cần phải học thêm, chỉ cần chịu khó làm nhiều dạng thực tế. Đề năm nay cho đẳng công thức không đòi hỏi học sinh phải học, phải luyện khổ luyện sở.

"Thách thức" về mặt tâm lý

Đề thi Toán lớp 10 ở TPHCM được đánh giá cao, không đánh đố học sinh về mặt kiến thức nhưng hầu hết các ý kiến cũng cho rằng không phải là "ăn điểm" một cách dễ dàng. Đề không khó nhưng lại thách thức về mặt tâm lý mà không phải thí sinh nào cũng vượt qua được.

Đó là đề thi dài, nhìn vào tưởng đề Văn và đòi hỏi thí sinh phải nắm được cả môn Văn ở khả năng đọc hiểu văn bản.

"Cách thể hiện đề rất dài và khoác thêm chiếc áo tích hợp liên môn (kiến thức vật lý, sinh học, cuộc sống...). Yêu cầu luôn cả môn Ngữ văn là khả năng đọc hiểu. Nếu các em kỹ năng đọc hiểu không tốt, khó nắm được ý chính của đoạn văn dài thì sẽ thấy cái đề kinh khủng", ThS Phạm Phúc Thịnh cho hay.

Đề thi vào lớp 10 của TPHCM năm nay đều lột xác, giúp thay đổi cách dạy và học
Đề thi vào lớp 10 của TPHCM năm nay đều "lột xác", giúp thay đổi cách dạy và học

Đồng tình với ý kiến này, cô Lan Hương cho rằng, đề đánh một đòn tâm lý vào học sinh... lơ tơ mơ và hấp tấp. Đề dài, thể hiện như đề tập làm văn nên làm nhiều học sinh sẽ choáng ngợp, dễ nản ngay từ khi vừa cầm đề. Trong từng câu hỏi, học sinh phải cận thận trong khâu đọc và hiểu đề - đây cũng là vấn đề học sinh bây giờ bị hạn chế, chứ thấy rối rắm, tùm lum là nhiều em chán ngay, không cố gắng để hiểu đề.

Về tính thực tế của đề thi Toán lớp 10 của TPHCM, TS Nguyễn Khắc Minh cho rằng, trong đề thi này không có một bài toán thực tế nào cả, mà là những bài toán được diễn đạt bằng các mô hình thực tế. Các bài toán thực tế là các bài toán mà ở đó đặt ra các vấn đề thực tiễn, đòi hỏi người giải quyết các vấn đề đó phải biết dùng các kiến thức toán học của mình để xây dựng các mô hình toán học tương ứng và sau đó, sử dụng mô hình toán học đó để giải quyết vấn đề đặt ra.

Thầy Trần Anh Tuấn bày tỏ: "Đây là năm đầu tiên của TPHCM thay đổi cách ra đề, thể hiện đề thay đổi, tích cực so với cách ra đề cũ. Nhưng tôi vẫn hy vọng từ năm sau sẽ có những câu thực tế thích hợp để học trò tự xây dựng mô hình toán học tương ứng".

Hoài Nam

Ảnh: Lê Phương