Kỳ thi THPT quốc gia 2018:

Đề và đáp án môn Ngữ văn “vênh” nhau, thí sinh sẽ mất điểm "oan"?

(Dân trí) - Một số giáo viên môn Văn tại TPHCM bày tỏ băn khoăn rằng đáp án - thang điểm chấm môn ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 mà Bộ GD-ĐT công bố có độ “vênh” với đề thi. Đề không hỏi nhưng đáp án lại yêu cầu phải trình bày.

Điều này được nhiều người cho rằng gây khó cho cả người chấm bởi nếu căn theo đáp án chấm thì thí sinh làm đủ yêu cầu của đề sẽ bị mất “oan” 0.25 điểm.

Ông B., một giáo viên dạy ngữ văn tại TPHCM chỉ ra điểm khiến giáo viên lúng túng khi chấm ở chỗ: Câu 3 phần đọc hiểu yêu cầu “Nêu hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong đoạn trích” nhưng không yêu cầu chỉ ra câu hỏi tu từ (câu này 1 điểm). Tuy nhiên, đáp án lại đưa ra 2 phần trong đó, yêu cầu 1 chỉ ra 2 câu hỏi tu từ (0,25 điểm) rồi sau đó mới đến yêu cầu 2 nêu hiệu quả nghệ thuật (0,75 điểm).

Câu hỏi số 3 phần đọc hiểu trong đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia năm 2018
Câu hỏi số 3 phần đọc hiểu trong đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia năm 2018

Với kinh nghiệm giảng dạy học trò, thầy giáo này cho rằng đa số học sinh chỉ thực hiện đúng yêu cầu của đề, tức là chỉ nêu yêu cầu 2 của đáp án. Bên cạnh đó, một số học sinh biết rõ hai câu hỏi tu từ nhưng vì đề không yêu cầu nên không nêu ra sẽ không đạt điểm tối đa câu này.

“Như vậy, đáp án đã yêu cầu vượt so với đề. Điều này không phải lỗi của các em nhưng nếu các em làm đúng, đủ yêu cầu thì lại bị mất điểm. Cẽ có nhiều em thiếu 0,25 điểm mà không đổ tốt nghiệp, nhiều em thiếu 0,25 điểm mà không đậu đại học”, thầy giáo này băn khoăn.

Phần đáp án của Bộ GD-ĐT công bố được nhiều giáo viên cho rằng có độ vênh với đề
Phần đáp án của Bộ GD-ĐT công bố được nhiều giáo viên cho rằng có độ "vênh" với đề

Tương tự, thầy Đỗ Đức Anh, Tổ phó môn ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cũng cho rằng về nguyên tắc là đề hỏi gì thì đáp nấy nhưng ở đây đề không hỏi mà vẫn yêu cầu người làm trình bày thì không đúng. Ông Đức Anh cho rằng tình huống này từng xảy ra trong đề thi tốt nghiệp THPT 2013, lúc đó đề thi của Bộ hỏi về phong cách ngôn ngữ chỉ yêu cầu thí sinh xác định phong cách ngôn ngữ nhưng trong đáp án yêu cầu thêm thí sinh phải lý giải vì sao văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ đó mới được trọn vẹn điểm.

Ông Đức Anh cũng cho rằng thường những giáo viên luyện thi có kinh nghiệm sẽ dạy thí sinh khi gặp dạng câu hỏi này dù đề không yêu cầu chỉ ra thì vẫn phải chỉ ra, trình bày hoàn chỉnh, không trả lời cộc lốc yêu cầu của đề, để gây thiện cảm với người chấm và thỏa các yêu cầu của đáp án.

Ở đề thi năm nay, câu 3 phần đọc hiểu nếu xét về mặt câu hỏi, thí sinh muốn chỉ ra được có hiệu quả, tác dụng gì thì trước hết phải biết đó là câu hỏi tu từ gì. “Có nhiều em biết nhưng không trình bày ra thì rất thiệt thòi, dễ bị mất điểm. Tuy nhiên, người ra đề cũng có cái lý đó là nếu anh không biết đó là câu hỏi tu từ gì thì làm sao anh biết hiệu quả nghệ thuật của nó”, thầy Đức Anh cũng nhìn nhận.

Chính vì thế, ông Đức Anh kiến nghị rằng nên có sự thống nhất ở cách ra đề thi, phải nêu rõ từng yêu cầu, tránh hỏi gì đáp nấy, thực hiện đủ yêu cầu đề nhưng lại mất điểm, gây thiệt thòi cho thí sinh vì câu hỏi không rõ.

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!

Lê Phương