Đề xuất phương án thi THPT quốc gia

(Dân trí) - "Làm thế nào tổ chức một kỳ thi nghiêm túc và đảm bảo chất lượng? Theo tôi, kỳ thi THPT QG nên được duy trì với hai vòng độc lập, vòng 1 để xét tốt nghiệp và vòng 2 để xét tuyển vào đại học".

Tranh cãi về kì thi THPT quốc gia

Kỳ thi THPT QG 2018 dù đề thi khó hơn các năm trước rất nhiều thì tỷ lệ tốt nghiệp vẫn như mọi năm, chỉ có vài phần trăm học sinh dự thi bị trượt tốt nghiệp.

Sở dĩ có tỷ lệ đỗ cao như vậy do cách tính điểm học bạ vào điểm xét tốt nghiệp 2 năm gần đây. Nếu bỏ điểm học bạ đi thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp còn dưới 50%.

Những năm trước, tuy không tính điểm học bạ nhưng tỷ lệ tốt nghiệp cũng gần 100% trên cả nước dù trình độ học sinh khác nhau rất xa giữa các vùng miền là do kỳ thi thiếu nghiêm túc. Tổ chức cả một kỳ thi mang tính quốc gia, tốn kém tiền bạc mà hầu hết biết rằng mình sẽ đỗ. Vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi này.

Một số khác giữ quan điểm ngược lại, phải thi thì học sinh mới học, không thi sẽ không biết dạy thế nào và không giữ được chất lượng.

Ông Đào Tuấn Đạt, Giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trưởng Ban điều hành Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội.
Ông Đào Tuấn Đạt, Giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trưởng Ban điều hành Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội.

Thực tế nhiều năm nay, chúng ta vẫn tổ chức thi nhưng chất lượng không được nâng lên. Chỉ cần một đề thi rất dễ, tức là ở mức cơ bản hoặc thấp hơn thì tỷ lệ đỗ cũng sẽ dưới 50%.

Chúng ta đều biết, đích đến của việc học không phải để thi. Nếu cứ phải giơ cái roi thi cử để doạ cho học sinh học thì giáo dục hiển nhiên đã là một thất bại và không còn ý nghĩa. Chỉ khi việc học đòi hỏi nội tâm, mới trả việc học về ý nghĩa tự nhiên vốn có của nó. Nhưng để có được điều này, tôi nghĩ sẽ cả một con đường dài ở phía trước.

Chỉ xét học bạ: Sẽ có “bơm thổi” điểm

Tôi đặt tình huống bỏ thi và xét theo học bạ, điều gì sẽ xảy ra? Trước hết, những giáo viên tâm huyết, có trình độ sẽ cảm thấy tuyệt vời: Họ có nhiều thời gian cho những điều mà mình tâm đắc và những nội dung có ích thực sự. Chỉ họ mới biết giảng dạy nội dung nào và bằng phương pháp nào là phù hợp nhất với học sinh của họ, chứ không buộc phải ép mình và học sinh vào việc chỉ lo giải các bài toán chỉ dùng cho thi cử một cách vô nghĩa.

Một số giáo viên thiếu trách nhiệm và yếu về chuyên môn sẽ tự buông bài giảng, việc lên lớp chỉ là cho có. Thực tế này diễn ra phổ biến mà bất cứ học sinh nào cũng có thể kể lại. Những học sinh yếu kém, thậm chí trung bình sẽ khó “chống đỡ” được với điểm số và một cuộc chạy đua về điểm sẽ diễn ra. Điểm ở trong tay thầy cô, bài kiểm tra cũng ở trong tay thầy cô.

Chúng ta hẳn còn nhớ câu chuyện “cô giáo im lặng” suốt mấy tháng trời trong thành phố Hồ Chí Minh, mãi tới khi học sinh lên tiếng mới lộ ra. Tình trạng thiếu dân chủ trong trường học ở mức độ khác nhau nhưng ở đâu cũng có.

Cứ dính tới việc xét học bạ, tôi lo lắng sẽ có chuyện “bơm thổi” điểm và sẽ có “chạy” điểm. Điểm học bạ chỉ là điểm “ảo”. Như vậy, con nhà nghèo sẽ lấy gì để “chạy suốt ba năm”? Cơ hội và công bằng giáo dục sẽ được kiểm soát như thế nào?

Bỏ một kỳ thi tốn kém và không đáng tin cậy thì nên bỏ. Nhưng bỏ nó, hệ luỵ bỏ dạy, chạy điểm, làm học bạ đẹp còn nguy khốn hơn. Thi là việc bình thường và là một khâu trong quá trình giáo dục. Chẳng qua chúng ta đặt nó sai vị trí và dùng nó để đánh giá như thành quả của toàn bộ quá trình giáo dục nên kỳ thi mới trở nên méo mó, thậm chí “bê bối” như những việc tiêu cực vừa xảy ra ở Hà Giang, Sơn la, Hoà Bình…

Giải pháp đúng đắn nhất lúc này là làm thế nào tổ chức một kỳ thi nghiêm túc và đảm bảo chất lượng. Kỳ thi THPT QG nên được duy trì với hai vòng độc lập, vòng 1 để xét tốt nghiệp và vòng 2 để xét tuyển vào đại học.

Giải pháp đúng đắn là làm thế nào tổ chức một kỳ thi nghiêm túc và đảm bảo chất lượng (Ảnh: Mỹ Hà).
Giải pháp đúng đắn là làm thế nào tổ chức một kỳ thi nghiêm túc và đảm bảo chất lượng (Ảnh: Mỹ Hà).

Gợi ý phương án thi THPT quốc gia

Ưu điểm:

Kỳ thi vẫn diễn ra trong 3 ngày. Học sinh không có nhu cầu vào đại học chỉ phải thi trong 1 ngày.

Đề thi tách riêng phần cơ bản để xét tốt nghiệp và phần nâng cao để xét tuyển đại học. Khi đó dễ dàng cho việc ôn tập của học sinh và việc ra đề thi phân hóa.

Kết hợp được cả thi trắc nghiệm và thi tự luận nên đảm bảo được tính chuyên môn.

Phân định rõ ràng trách nhiệm của địa phương và các đại học.

Các đại học không phải lo ra đề riêng, tránh được trăm hoa đua nở, gây nạn dạy thêm học thêm như thời kỳ 3 chung.

Tổ chức:

Kỳ thi sẽ diễn ra trong 3 ngày. Ngày thứ nhất, thi cơ bản để xét tốt nghiệp, ngày thứ 2 và thứ 3 thi chuyên sâu để xét tuyển vào đại học.

Học sinh chia làm hai nhóm:

+ Nhóm 1: chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp thi ở địa phương. Nhóm này chỉ thi ngày thứ nhất.

+ Nhóm 2: vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào đại học thi ở các trường đại học.

Học sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường nào thì tập trung thi ở trường đó. Như thế học sinh tự khắc không cho nhìn nhau. Trượt nguyện vọng 1 được xét không giới hạn các nguyện vọng khác.

Đào Tuấn Đạt

Giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trưởng Ban điều hành Trường THPT Anhxtanh