ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến cho phép sinh viên năm thứ 3 học thêm chương trình thạc sĩ

(Dân trí) - ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến thí điểm xây dựng mô hình đào tạo liên thông trình độ đại học và thạc sĩ, cho phép sinh viên năm thứ 3 trở đi có kết quả học tập tốt có thể đăng ký học trước một số học phần trong chương trình đào tạo (CTĐT) thạc sĩ ngành đúng và bảo lưu kết quả này khi học tiếp CTĐT ở bậc thạc sĩ tương ứng.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia HN đã chia sẻ như vậy về đổi mới tuyển sinh sau đại học.

ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến cho phép sinh viên năm thứ 3 học thêm chương trình thạc sĩ - 1

Các tân thạc sĩ, tiến sĩ ngày nhận bằng tốt nghiệp tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, ĐHQGHN là một cơ sở giáo dục được xây dựng theo mô hình đại học nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực. Với đại học nghiên cứu, công tác đào tạo sau đại học có vai trò then chốt. Đào tạo sau đại học (SĐH) là một trong những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh và làm gia tăng hàm lượng nghiên cứu, tăng công bố quốc tế và qua đó nâng cao vị thế và xếp hạng đại học.

Trong những năm gần đây, tình hình tuyển sinh và đào tạo SĐH tại Việt Nam nói chung, tại ĐHQGHN nói riêng có dấu hiệu giảm sút về cả số lượng và chất lượng. Sự chênh lệch về cơ cấu ngành nghề cũng thể hiện ngày càng rõ rệt.

Trước thực trạng này, ĐHQGHN đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu để đưa ra một số giải pháp nhằm đổi mới công tác tuyển sinh sau đại học. Theo đó, ĐH QGHN đã đưa ra nhiều giải pháp, cụ thể:

Mở rộng việc thí điểm phương thức xét tuyển trong tuyển sinh đào tạo thạc sĩ (với một số yêu cầu bắt buộc như kết quả học tập ở bậc đại học hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực; kết quả thành tích trong nghiên cứu; kinh nghiệm và lĩnh vực công tác (với một số chuyên ngành đặc thù), minh chứng trình độ ngoại ngữ);

Xét tuyển thẳng đào tạo thạc sĩ đối với các đối tượng: Tốt nghiệp đại học ngành đúng các chương trình đào tạo (CTĐT) tài năng, chuẩn quốc tế, chất lượng cao; các chương trình đào tạo kỹ sư; các CTĐT đã được kiểm định AUN/kiểm định trong nước; Tốt nghiệp CTĐT chuẩn ngành đúng tại ĐHQGHN hoặc tại các cơ sở giáo dục đại học có uy tín, có thành tích nghiên cứu khoa học, trong thời gian 12 tháng và đạt học lực loại Khá trở lên;

Để thu hút các bạn trẻ tài năng, với các em sinh viên chính quy tốt nghiệp đạt loại học lực giỏi, đủ điều kiện về thành tích học tập và năng lực nghiên cứu để chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh (NCS) nhưng chưa đủ điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đầu vào có thể xem xét cho làm NCS và sẽ được tăng cường học ngoại ngữ trong chương trình để đảm bảo chuẩn đầu ra về ngoại ngữ theo quy định.

Đồng thời, xây dựng mô hình đào tạo liên thông trình độ đại học và thạc sĩ, cho phép sinh viên năm thứ 3 trở đi có kết quả học tập tốt có thể đăng ký học trước một số học phần trong CTĐT thạc sĩ ngành đúng và bảo lưu kết quả này khi học tiếp CTĐT ở bậc thạc sĩ tương ứng;

Thí sinh đã tốt nghiệp CTĐT bậc đại học có số tín chỉ từ 150 trở lên được tham gia CTĐT bậc thạc sĩ có số tín chỉ từ 30 – 40 tín chỉ (học 1 năm ); Mở rộng đối tượng tuyển sinh SĐH đối với một số chuyên ngành đào tạo mang tính đặc thù.

Ngoài ra, cho phép thí sinh học bổ sung kiến thức sau khi trúng tuyển (trước khi công nhận học viên hoặc trước khi học các học phần thuộc khối kiến thức cơ sở và chuyên ngành).

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức  cho hay, ĐHQGHN sẽ lập Đề án và các giải pháp thí điểm này sẽ được trình xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi thực hiện.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết: "Hiện ĐHQGHN đang áp dụng khá đa dạng các phương thức tuyển sinh: thi tuyển theo phương thức truyền thống, thi tuyển kết hợp bài kiểm tra đánh giá năng lực và một số chuyên ngành thí điểm áp dụng phương thức xét tuyển.

Mỗi phương thức tuyển sinh đều có ưu điểm riêng, song phương thức xét tuyển đang là phương thức được nhiều đơn vị đào tạo của ĐHQGHN mong muốn áp dụng".

Hồng Hạnh