ĐH Quốc gia Hà Nội khởi động dự án Kinh điển Phương Đông

(Dân trí) - Ngày 20/04, tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, ĐHQGHN tổ chức Hội thảo khởi động Dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông (hay còn gọi là Dự án Kinh điển Phương Đông). Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự hội thảo.

ĐH Quốc gia Hà Nội khởi động dự án Kinh điển Phương Đông - 1

ĐHQGHN khởi động Dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông

 

Dự án Kinh điển Phương Đông có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử, mang giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn đặc biệt quan trọng.

Dự án này góp phần thực hiện những mục tiêu, định hướng lớn về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp mới.

Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam đánh giá, Dự án Kinh điển Phương Đông phù hợp với chủ trương chung “khoa học, giáo dục là quốc sách hàng đầu,” “văn hóa là nền tảng,” đồng thời, có ý nghĩa to lớn “không chỉ cho hiện nay mà cả mai sau”.

Là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án “Kinh điển Phương Đông”, ĐHQGHN không chỉ là cơ sở giáo dục số một tại Việt Nam, mà còn ở trong top 1000 trường đại học tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng QS.

Với tầm vóc lớn lao của nhiệm vụ Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển Phương Đông, ĐHQGHN đã giao cho Viện Trần Nhân Tông, một Viện nghiên cứu mang tính học thuật cao và là đơn vị thành viên của ĐHQGHN do Thủ tướng ký Quyết định thành lập, để triển khai dự án.

Viện Trần Nhân Tông là một tổ chức khoa học và đào tạo đặc thù, có khả năng quy tụ đội ngũ các chuyên gia trong và ngoài nước đáp ứng yêu cầu của Dự án.

Thời gian qua, Viện đã phối hợp với Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế uy tín như Hội thảo “Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại”, Hội thảo “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm - Đặc sắc tư tưởng, văn hóa”.

Hiện nay, Viện Trần Nhân Tông đã và đang triển khai lớp Bồi dưỡng năng lực dịch thuật các tác phẩm kinh điển phương Đông, qua đó chuẩn bị lực lượng hỗ trợ và kế tục triển khai dự án.

Dự kiến tham gia triển khai Dự án còn có các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học, Viện Triết học… thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, và các đơn vị khoa học khác trong và ngoài nước; các nhà tu hành thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

ĐH Quốc gia Hà Nội khởi động dự án Kinh điển Phương Đông - 2

Gần 400 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội thảo

Dự án có giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn đặc biệt quan trọng

Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo là ba dòng tư tưởng – tôn giáo lớn trong văn hóa phương Đông. Trải qua hàng ngàn năm, nhiều tác phẩm của Phật, Nho, Đạo đã khẳng định được sức sống trường tồn qua thời gian và không gian, thường xuyên được tái thông diễn, được giải thích lại để đem đến những giá trị mới cho từng thời đại, từng quốc gia, từng khu vực, thậm chí là cho cả thế giới.

Trong tiến trình phát triển lịch sử, Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của tam giáo, song cho đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có một bộ Đại tạng Kinh Phật giáo hay một bộ Kinh điển Nho gia và Đạo gia nào được dịch thuật đầy đủ.

Các tác phẩm điển tịch của các nhà tu hành Việt Nam viết cũng chưa được tập hợp, dịch và giới thiệu đầy đủ.

Từ thực tiễn đó, ĐHQGHN được Thủ tướng Chính phủ giao thẩm định, phê duyệt, chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ: Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển Phương Đông. Dự án có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử đặc biệt to lớn, có giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn đặc biệt quan trọng.

Với vị thế là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQGHN luôn tiên phong đề xuất và triển khai những chương trình, đề tài nghiên cứu mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn đối với sự phát triển của xã hội và đất nước.

Dự án Kinh điển Phương Đông là một thách thức không nhỏ đối với độ bền và ý chí của các nhà khoa học tại ĐHQGHN, nhưng với năng lực nghiên cứu mạnh, ý thức trách nhiệm cao của một đơn vị đào tạo hàng đầu Việt Nam; ĐHQGHN có một tiền đề vững chắc để tiếp tục đi tiếp trên con đường kiến tạo những giá trị tri thức tích cực cho đất nước và thế hệ tương lai, góp phần tích cực vào sự nghiệp khoa giáo hưng quốc.

Hiện nay có một số chương trình, dự án khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia do Chính phủ chỉ đạo, bao gồm: Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc Sử); Bách khoa toàn thư Việt Nam; Địa chí Quốc gia Việt Nam (Quốc chí); Dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông (hay còn gọi là Dự án Kinh điển phương Đông) và Hệ tri thức Việt số hóa.

Cả năm chương trình, dự án này đều có sự tham gia tích cực và cơ bản của đội ngũ các nhà khoa học của ĐHQGHN. Trong đó, ĐHQGHN chủ trì hai dự án lớn là Địa chí Quốc gia Việt Nam và Dự án Kinh điển Phương Đông.

Dự án Kinh điển Phương Đông dự kiến sẽ được thực hiện trong 10 năm theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 3/2019-2/2024, giai đoạn 2 từ 3/2024 - 2/2029.

Giai đoạn 1 là công tác chuẩn bị và tiến hành dịch thuật, trong đó, Dự án sẽ thực hiện khảo sát, lên hồ sơ dịch thuật; chọn văn bản nền để tổ chức dịch thuật và tham chiếu; xây dựng bộ quy cách dịch thuật; tập huấn và chọn lọc nhân sự chính tham gia và tuyển chọn cộng tác viên; chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ dịch thuật và xây dựng cơ sở dữ liệu và thư viện tra cứu phục vụ dịch thuật.

 Sau đó, Dự án tiến hành dịch thuật theo hai hướng toàn dịch và toát yếu. Giai đoạn 2 là giai đoạn chỉnh lý, tiếp tục hoàn thiện và dịch thuật các bộ Kinh còn lại trong phần Chính tạng, điển tịch Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo được trước tác, chú giải tại Việt Nam.

Sản phẩm dự kiến của toàn bộ quá trình này là các bộ sách in, sách số về tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông, bao gồm 150 quyển thuộc Chính tạng, 9 quyển Nho tạng, hai quyển Đạo tạng cùng các tác phẩm trước thuật của các đại sư Việt Nam trong lịch sử; 13 bộ kinh điển của Nho gia, cùng điển tịch Nho học Việt Nam và 3 quyển Đạo đức kinh, Nam hoa kinh, Xung hư chân kinh, cùng một số điển tịch Đạo giáo chọn lọc ở Việt Nam.

 Bên cạnh đó, đầu ra của dự án còn cung cấp các mô hình, giải pháp phát huy các giá trị tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông tới cộng đồng, và đặc biệt là cơ sở dữ liệu số về bộ sản phẩm của Dự án và cổng thông tin điện tử phục vụ tra cứu rộng rãi.

Dự án không sử dụng ngân sách Nhà nước mà sẽ huy động nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hàng năm, Dự án sẽ lên kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ thành phần trong dự án, phù hợp với nguồn ngân sách được huy động.

Hồng Hạnh