ĐH vùng lao đao vì quá ít hồ sơ NV3

(Dân trí) - Hôm qua 30/9 là thời hạn cuối xét tuyển NV3, nhưng theo ghi nhận lượng hồ sơ tại nhiều trường rất thấp. Đặc biệt, các trường ĐH địa phương, ĐH vùng khá lao đao vì thiếu hồ sơ đăng ký trầm trọng. Nguy cơ nhiều ngành phải đóng cửa.

Đơn cử như nhiều trường ĐH ở ĐBSCL mặc dù chỉ tiêu rất nhiều, điểm xét tuyển bằng điểm sàn nhưng vẫn thiếu thí sinh đăng ký.

Chỉ tiêu NV3 lên tới 1.500 nhưng ĐH Trà Vinh chỉ nhận được trên 100 hồ sơ. Tương tự thế, ĐH Đồng Tháp cũng chỉ có 80 hồ sơ trong khi chỉ tiêu trên 700. Thậm chí có ngành chỉ nhận được duy nhất 1 hồ sơ như ngành Thư viện thông tin ở hệ CĐ.

“Bi đát” hơn cả là ĐH An Giang khi đến ngày cuối nhận hồ sơ xét cũng chỉ vỏn vẹn 20 hồ sơ. Được biết các ngành như nuôi trồng thủy sản, trồng trọt…, chỉ tiêu khá nhiều nhưng chẳng thấy thí sinh nộp vào. Ông Trần Văn Thạnh, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng ĐH An Giang, cho biết, “vùng ĐBSCL đáng lẽ cần nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thì thí sinh lại không hề quan tâm mà lại dồn vào kinh tế, kế toán, ngân hàng và cố chen nhau vô cho được”.

Còn Trường ĐH Tây Nguyên, dù dành đến 400 chỉ tiêu cho NV3. Nhưng kết thúc xét NV3, thống kê chỉ nhận được khoảng 100 hồ sơ. Như vậy, 300 chỉ tiêu hiện vẫn đang còn để trống thí sinh. Tương tự, ĐH Yersin Đà Lạt dành đến 700 cho xét tuyển NV3, nhưng cuối cùng cũng chỉ nhận được phân nửa hồ sơ.

Bên cạnh đó, có sự mất cân đối trong việc đăng ký ngành nghề của các thí sinh ở địa phương. Nhiều ngành phục vụ nhu cầu phát triển của tình nhà, nhưng lại bị thí sinh “chê”. Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương xét tuyển 357 chỉ tiêu NV3 hệ ĐH và 35 chỉ tiêu CĐ, trong đó rộng cửa cho các ngành sư phạm nhưng tình hình lại không khả quan mấy.

Theo ông Trần Quang Thái, chánh văn phòng ĐH Thủ Dầu Một: “Tỉnh đặc biệt quan tâm chất lượng đội ngũ giáo viên cho tỉnh, nhưng nếu đầu vào không tốt thì đầu ra cũng bị ảnh hưởng do đó chúng tôi xác định không chạy theo số lượng cho dù tuyển không đủ chỉ tiêu”.

Không chỉ riêng ĐH vùng, tình trạng mất cân đối giữa các ngành nghề cũng xảy ra ở các trường tại TPHCM. ĐH Nông lâm TPHCM có hơn 1.000 chỉ tiêu NV3 tuyển ở cơ sở chính TPHCM và 2 phân hiệu là Gia Lai, Ninh Thuận nhưng cũng chỉ hơn 400 hồ sơ nộp vào. Lãnh đạo trường cũng lo lắng vì cũng như mọi năm các ngành như cơ khí nông lâm, cơ khí chế biến bảo quản lâm sản thực phẩm, chế biến lâm sản, hệ thống thông tin địa lý…tiếp tục thiếu người học.

Ông Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TPHCM, cho biết: “Cũng có ngành không tuyển được như hệ thống tin địa lý, các ngành song ngữ như Pháp Anh… Mấy năm nay tuyển không được, không phải không có nhu cầu mà là không có người học. Nếu ngành nào 3 năm mà không tuyển được hoặc tuyển ít quá thì tạm thời đóng ngành đó lại”.

Tình trạng mất cân đối cũng xảy ra với ĐH Văn Hiến. Dù khá khả quan với gần 1.000 hồ sơ xét vào, nhưng phần lớn vẫn dồn vào khối ngành Kinh tế, trong khi khối ngành Khoa học xã hội vẫn mòn mỏi…chờ thí sinh. Trường chuẩn bị đóng cửa 2 ngành Việt Nam học và Văn hóa học vì mỗi ngành chỉ nhận được 15 hồ sơ. Số thí sinh này nếu có nguyện vọng tiếp tục theo học tại trường phải chọn ngành học khác cùng khối thi, cùng điểm xét tuyển.

Đó cũng là giải pháp mà một số trường phải tính đến trong cảnh “ngành thừa ngành thiếu” thế này. 

Lê Phương