Bạn đọc viết:

“Em đã từ bỏ giấc mơ nghề giáo, cô ạ”

(Dân trí) - Bục giảng phấn trắng vẫn luôn là giấc mơ lung linh của biết bao cô cậu học trò khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi cũng như bao người được thầy cô giáo cũ gieo ước mơ nghề giáo từ sớm và may mắn chạm tay vào giấc mơ “gõ đầu trẻ”...

13  năm cầm phấn với tôi là một chặng đường nhiều niềm vui lẫn nỗi buồn. Hơn tất cả, hạnh phúc nhất của người thầy là bắt gặp ước mơ trong trẻo ngày xưa qua đôi mắt con trẻ, qua trang viết giàu cảm xúc và lời thì thầm nhỏ to bên cửa lớp. Nói sao cho hết niềm vui của người thầy khi từng bước nâng đỡ “giấc mơ bé” trong những cô cậu học trò mê mẩn nghiệp “trồng người”!

13 chuyến đò sang sông đưa vô số học sinh rời mái trường cấp hai để bước gần hơn tới cánh cửa cuộc đời. Và vui nhất vẫn là gặp lại trò cũ nay là đồng nghiệp, chững chạc trong tà áo dài, ôm trang giáo án cười e ấp trên bục giảng, tiếp nối sự nghiệp vun trồng ước mơ.

Vậy nhưng cũng không ít lần tôi hụt hẫng khi biết trò từ bỏ giấc mơ nghề giáo và nghèn nghẹn, rưng rưng cõi lòng khi tường tận lý do rẽ hướng của các em. Cuộc gặp gỡ tình cờ của tôi với hai chị em sinh đôi Ân, Hân mới đây đã gieo vào lòng tôi một nốt lặng buồn đầy xao xuyến.

Ân và Hân là cặp chị em song sinh học giỏi có tiếng ở trường tôi suốt mấy năm cấp hai. Điều đặc biệt là các em giỏi đều các môn và sớm bộc lộ năng khiếu văn chương. Trong bốn năm cấp hai, cả chị lẫn em đều có tên trong danh sách đội tuyển học sinh giỏi văn và năm nào cũng tự hào đem các giải cấp thị xã về cho trường. 

Vừa chủ nhiệm vừa bồi dưỡng văn cho các em năm lớp 9, tôi và các em có nhiều thời gian chuyện trò, trao đổi nhiều hơn về việc học, ước mơ. Và quả là một niềm vui lớn của tôi khi cả Ân và Hân đều mơ ước được trở thành giáo viên, những cô giáo dạy văn hoặc anh văn trong tương lai. Khi các em rời trường cấp hai, tôi vẫn đinh ninh các em sẽ đeo đuổi đến cùng giấc mơ lớn của cuộc đời ấy. Vậy mà…

Hôm qua, tình cờ tôi gặp lại Ân trên đường đến trường trực hè và ngỡ ngàng nhận ra em lớn bỗng lên đến không ngờ. Thời gian vùn vụt trôi và thấm thoát bọn trẻ đã rời trường cấp hai ba năm. Nhìn Ân hồn nhiên cười, bao kỷ niệm cũ chợt ùa về trọn vẹn dòng cảm xúc ngọt ngào, ấm áp.

Chúng tôi gợi lại một vài kỷ niệm cũ và sau đó là màn hỏi thăm về những “đứa con” ngày xưa. Ân huyên thuyên kể về bạn bè ngày xưa có đứa tiếp tục việc học, có bạn lại sớm vào đời. Và tôi giật mình khi nghe Ân nói về lựa chọn nghề nghiệp của mình. Cả hai chị em đều không có ai theo nghề giáo, không lựa chọn nghiệp trồng người như ngày xưa.

Một nỗi tiếc nuối hùi hụi dâng lên trong tôi khi nghe Ân kể về những ngành nghề mà mình và bạn bè theo đuổi. Tôi nhắc lại cái ước mơ dưới mái trường cấp hai ngày ấy, Ân bảo em vẫn thích nghề giáo, đến tận bây giờ vẫn vậy. Ngay em gái là Hân cũng đau đáu giấc mơ nghề giáo khi hai chị em cùng đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.

Nhưng gia đình đã hết lời khuyên nhủ và vận động hai cô con gái chuyển hướng ước mơ. Nhiều lý do được đưa ra và điều cốt yếu nhất vẫn là câu chuyện thất nghiệp. Những tấm gương học xong Sư phạm về ngồi “chống má đợ cằm” đợi việc, khốn khổ chạy việc của những anh chị đi trước quanh làng quanh xóm được viện dẫn ra như một “bằng chứng thép” để cản bước chân đến với nghề giáo của hai em.

Những lý lẽ mà các em không bao giờ có thể phản biện, những con số thất nghiệp mà báo chí đưa ra không bao giờ có thể biện hộ được. Cơ hội cho số cử nhân thất nghiệp hiện tại đã khá mong manh, tìm đâu ra con đường sáng trong tương lai cho các em khi theo đuổi nghề giáo chứ? Em nói đúng quá, đúng đến nỗi tôi phải chấp nhận thực tế buồn ấy.

“Bố mẹ em tính toán thực tế lắm chứ không quan tâm nhiều đến niềm đam mê của con ạ…”. Câu nói bỏ dở ấy của em kết lại chủ đề trao đổi của hai cô trò trong buổi sáng mùa hạ phảng phất nỗi buồn. Và từ bao giờ tôi bỗng thấy sợ những câu từ thổ lộ “Em đã từ bỏ giấc mơ nghề giáo, cô ạ!”.

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!