Giải đáp thắc mắc về khái niệm 3 mức điểm xét tuyển đại học

(Dân trí) - Ngay sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra 3 mức điểm sàn, nhiều thí sinh gửi câu hỏi về mục <i>Giáo dục</i> báo điện tử <i>Dân trí</i> thắc mắc về việc mình có thuộc diện trúng tuyển hay không? Trường nào dùng mức điểm sàn ra sao, có danh sách hay không?... <i>Dân trí</i> xin giải thích “nóng” ngay dưới đây.

Các thí sinh dự thi khối B cụm thi Vinh nhận xét đề Toán vừa sức. (Ảnh: Nguyễn Duy)
Thí sinh dự thi đại học năm 2014. (Ảnh: Nguyễn Duy)
 
Trưa nay 8/8, ngay sau khi Hội đồng điểm sàn công bố các mức xét tuyển cơ bản, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo để trao đổi thông tin. Dựa trên những thông tin mà Bộ GD-ĐT trao đổi tại cuộc họp, Dân trí xin giải đáp một số thắc mắc dưới đây mà bạn đọc gửi về mục Giáo dục:
 
Năm nay Bộ GD-ĐT sử dụng khái niệm xác định tiêu chỉ đảm bảo chất lượng đầu vào, nhưng thực tế có thể hiểu đây là các mức điểm sàn. Mức điểm sàn đưa ra không phải là điểm trúng tuyển mà chỉ là ngưỡng đảm bảo chất lượng. Từ ngưỡng này, các trường sẽ xác định điểm chuẩn, thí sinh đạt điểm chuẩn thì mới thuộc diện trúng tuyển của trường.

Bộ GD-ĐT có quy định danh sách các trường sử dụng mức điểm sàn như thế nào hay không?

Bộ GD-ĐT khẳng định, không ấn định trường nào sử dụng mức điểm sàn nào mà tùy thuộc sự lựa chọn của các trường. Đây chỉ là cơ sở để trường xây dựng điểm chuẩn chứ chưa phải là điểm trúng tuyển.

Theo một cán bộ tuyển sinh, có thể hiểu một cách nôm na. Những thí sinh có điểm thi 3 môn + điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ mức 13,0 trở lên đối với khối A, A1, C, D và 14,0 điểm trở lên đối với B là sẽ có cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH. Đối với bậc CĐ thì thí sinh phải đạt từ 10 điểm trở lên đối với khối A, A1, C, D và 11 điểm đối với khối B.

Vì sao đạt điểm sàn tối thiểu mà chỉ có cơ hội chứ chưa thuộc diện trúng tuyển đại học?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, với mức điểm sàn tối thiếu ở bậc ĐH đưa ra thì có khoảng 650.000 thí sinh đạt, trong khi đó chỉ tiêu hệ ĐH chỉ khoảng 350.000. Như vậy số thí sinh đạt cao gần gấp đôi chỉ tiêu. Theo nguyên tắc xây dựng điểm trúng tuyển sẽ lấy thí sinh dự thi có nguyện vọng vào trường theo nguyên tắc từ trên xuống dưới cho đến khi đạt chỉ tiêu. Nói cách khác sẽ có khoảng 200.000 thí sinh đạt mức điểm sàn tối thiểu nhưng vẫn trượt hệ ĐH và đành phải tham gia xét tuyển nguyện vọng kế tiếp vào bậc CĐ.

Trường nào sẽ sử dụng mức điểm sàn 17 hoặc 18?

Chắc chắn sẽ là các trường lâu nay có điểm chuẩn cao như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân... Nhiều người thường hay gọi là các trường top trên. Việc xác định điểm sàn cao này không ảnh hưởng đến việc xây dựng điểm trúng tuyển bởi lâu nay điểm chuẩn của các trường này đều từ 20,0 trở lên.

Việc đưa ra 3 mức điểm sàn nhằm mục đích gì?

Mục đích duy nhất ở đây là khẳng định thương hiệu của các trường. Đây cũng sẽ một trong những cơ sở để Bộ GD-ĐT tiến tới phân tầng các trường ĐH.

Cần lưu ý gì mức điểm sàn tối thiểu và xây dựng điểm trúng tuyển?

Điểm khác biệt của kì thi tuyển sinh năm nay so với 2013 là nhiều trường xác định môn thi chính (nhân hệ số 2) nên việc quy định đạt điểm xét tuyển có sự thay đổi và theo hai hình thức dưới đây:

Một là, đối với các trường không xác định môn thi chính thì thí sinh đạt tổng điểm 3 môn thi + điểm ưu tiên (nếu có) bằng mức điểm xét tuyển cơ bản mà Hội đồng đưa ra.

Hai là, đối với các trường có xác định môn thi chính thì cách xác định hoàn toàn khác. Cụ thể, chỉ đạt mức điểm sàn khi [điểm 2 môn thi + điểm môn thi chính*2] + điểm ưu tiên *4/3 đạt từ sàn cơ bản *4/3 trở lên.
Với cách tính này thì có thể tổng điểm 3 môn + điểm ưu tiên của thí sinh dưới sàn nhưng nếu điểm môn thi chính cao thì vẫn đạt trên sàn và có cơ hội trúng tuyển ĐH.

Việc xác định điểm chuẩn dành cho các ngành có môn thi chính (môn tính hệ số 2) cũng thực hiện tương như trên và sẽ lấy từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.

Nguyễn Hùng