Giải pháp thí sinh “ảo”: Không có công thức chung áp dụng cho các trường

(Dân trí) - Đó là quan điểm của GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân nói về tỷ lệ thí sinh “ảo” hiện nay mà hầu hết các trường đại học đang gặp phải.

Trong bối cảnh các trường đại học đều phải tuyển sinh đợt bổ sung, trong đó có cả hầu hết các trường tốp đầu, Trường đại học Kinh tế Quốc dân là một số rất ít trường đã “cán đích” ngay trong đợt xét tuyển vừa qua, và Hội đồng tuyển sinh Nhà trường đã quyết định không tuyển bổ sung. PV Dân trí đã phỏng vấn GS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân về việc này.


GS.TS Trần Thọ Đạt

GS.TS Trần Thọ Đạt

Việc tuyển sinh bổ sung cũng là nằm trong phương thức tuyển năm nay

Tuyển sinh năm nay, trường ĐH Kinh tế quốc dân có thể nói là rất may mắn so với các trường đại học khác là tuyển đủ chỉ tiêu ngay xét tuyển đợt đầu. Trường có giải pháp gì cho việc chống thí sinh "ảo"?

Phương thức tuyển sinh năm nay chắc chắn có tỷ lệ trúng tuyển “ảo”, đây là điều đã được xác định trước.

Thật ra chúng tôi có chút yếu tố may mắn khi tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt đầu, đó là nhờ việc đánh giá và xác định tương đối phù hợp tỷ lệ “ảo” có thể xảy ra. Ở mỗi trường, giống như “mỗi nhà, mỗi cảnh” rất khác nhau, không có công thức chung áp dụng cho các trường.

Với con số gần như là vừa khớp 100% với tổng chỉ tiêu của Trường đại học Kinh tế Quốc dân được tuyển tại thời điểm hiện tại, chúng tôi biết rằng con số thực nhập học có thể giảm chút ít (do có em sẽ đi nước ngoài, hoặc vì lý do nào khác chưa hoặc không theo học,…), nhưng để đảm bảo chất lượng đầu vào, cũng như chia sẻ và không gây khó thêm cho các trường bạn trong cạnh tranh nguồn tuyển, Hội đồng tuyển sinh Nhà trường đã quyết định không tuyển bổ sung, quan điểm này chúng tôi đã xác định ngay trong quá trình tuyển sinh.

Với phương thức tuyển sinh năm nay đã tạo ra thí sinh “ảo” gây khó khăn lớn cho các trường trong công tác tuyển sinh, theo ông các trường cần làm gì để giảm thiểu được tình trạng "ảo" hiện nay?

Theo tôi việc nhận lấy phần khó khăn của các trường, phần thuận lợi dành cho thí sinh đã được Bộ GD&ĐT xác định từ trước, các trường cũng đã đồng thuận (trong các buổi hội thảo, lấy ý kiến của Bộ) và đó cũng là việc nên làm.

Năm nay các em được đăng ký 2 trường/4 nguyện vọng, nếu vào GX các em có thể đăng ký 4 trường, như vậy xác suất trúng tuyển và khả năng lựa chọn đúng ngành mình yêu thích gia tăng.

Bộ GD&ĐT cũng đã công khai việc này và đã có giải pháp giúp các trường giảm ảo, tuyển bổ sung. Cụ thể Bộ đã cung cấp toàn bộ dữ liệu đăng ký xét tuyển cho các trường, trên cơ sở phân tích tập dữ liệu đó kết hợp với các phân tích định tính khác, các trường phải tự xác định cho mình tỷ lệ “ảo” phù hợp để xác định điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành tương ứng.

Trong đợt xét tuyển bổ sung, Bộ cũng không quy định (như năm 2015 về trước) là điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm trúng tuyển lần đầu. Trong bối cảnh còn đang chuyển đổi, đổi mới tuyển sinh đang trong lộ trình thì tôi cho rằng khó có phương án nào là “tối ưu” và thỏa mãn được tất cả, chỉ có phương án “tốt hơn” thôi. Trong các phương án tuyển sinh đã được trao đổi và thực hiện thì phương án năm 2016 đã chứng tỏ được tính “tốt hơn” đó, ít nhất là đến thời điểm hiện nay.

Với thành công trong đợt tuyển đầu tiên ông có khuyến nghị gì với các trường và thí sinh trong đợt tuyển bổ sung tới?

Đặc điểm của đợt xét tuyển bổ sung là thí sinh có thể đăng ký 3 trường với 6 nguyện vọng, vì vậy tỷ lệ “ảo” có khả năng tiếp tục tăng lên, tỷ lệ ảo này còn phụ thuộc vào khả năng thí sinh đỗ các trường có Đề án tuyển sinh riêng, các trường thuộc khối Công an, Quân đội và các trường có liên kết quốc tế, cũng như khả năng thí sinh đi du học…

Chúng tôi cho rằng việc tuyển sinh bổ sung cũng là nằm trong phương thức tuyển năm nay, chúng ta không nên quá lo lắng, đặc biệt là những trường cần tuyển bổ sung nhiều.

Việc lựa chọn ngành học của thí sinh cũng rất quan trọng đối với việc xác định tỷ lệ “ảo” bởi trong xã hội hiện đại thí sinh có thể học nhiều trường, nhiều ngành, thí sinh có thể tạm dừng học để đi làm… Phân tích đa chiều, định tính kết hợp định lượng là việc chúng ta cần làm để các trường đưa ra tỷ lệ “ảo” phù hợp áp dụng cho trường mình.

Đối với các em thí sinh việc đăng ký nguyện vọng bổ sung là cơ hội rất tốt để các em lựa chọn ngành, chọn trường và khả năng trúng tuyển, các em nên cân nhắc kỹ việc này, không nên cố đỗ vào đại học mà quá khác xa với nguyện vọng của mình. Cuộc đời có rất nhiều cơ hội, có nhiều ngã rẽ khi cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra, hãy lạc quan, tích cực và theo phương châm “học suốt đời”.

Giải pháp thí sinh “ảo”: Không có công thức chung áp dụng cho các trường - 2

Nên cho phép các trường có một danh sách thí sinh trúng tuyển “chờ”

Ông có kiến nghị gì nếu sang năm 2017 Bộ vẫn tổ chức thi và xét tuyển như năm nay?

Với những thành công của phương án tổ chức thi và tuyển sinh như năm nay, tôi nghĩ nếu Bộ tiếp tục duy trì thì nên cải tiến 1 số điểm:

Thứ nhất là thời gian Đăng ký xét tuyển đợt đầu nên ngắn lại khoảng 7-10 ngày thôi, 12 ngày như hiện nay dài quá, không cần thiết.

Thứ hai, nên cho thêm thời gian (1 ngày nữa) sau khi kết thúc “Đăng ký xét tuyển” và công bố “Điểm trúng tuyển” để các trường có đủ thời gian phân tích tập dữ liệu đăng ký đầy đủ của thí sinh.

Thứ ba, do tỷ lệ “ảo” cao nên cho phép các trường có một danh sách thí sinh trúng tuyển “chờ” như 1 số trường trên thế giới đã làm, nghĩa là các thí sinh này nằm ở diện “chờ”, nếu số “chính thức” không đến đủ sẽ gọi vào danh sách “chính thức”.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Đến hết ngày 19/8/2016 ngày cuối của đợt xét tuyển đầu tiên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận được gần đủ 100% số Giấy CNKQ thi THPTQG xác nhận nhập học và nhận Giấy báo tựu trường, nếu tính cả số gửi qua đường Bưu điện chưa đến kịp có thể xác định đợt xét tuyển này trường đã “cán đích” thành công.

Trên cơ sở nhận định đó và phù hợp với quan điểm ban đầu, Hội đồng tuyển sinh Trường đã quyết định không tuyển sinh đợt bổ sung. Số liệu cập nhật đến ngày 20/8/2016 cho thấy trường đã đạt 4818/4800 số thí sinh xác nhận nhập học so với số chỉ tiêu công bố.

Nhật Hồng (thực hiện)