Gian lận thi nghiêm trọng mà khó xử lý, cán bộ sai phạm vẫn… nhởn nhơ?

(Dân trí) - “Dư luận hiện đang rất bức xúc về vụ gian lận thi THPT quốc gia khi viện dẫn luật thì khó xử lý, nhiều cán bộ, thí sinh sai phạm vẫn… nhởn nhơ” - PGS.TS Vũ Hào Quang - Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, UB Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội nghị phản biện dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi).

Gian lận thi nghiêm trọng mà khó xử lý, cán bộ sai phạm vẫn… nhởn nhơ? - 1

PGS.TS Vũ Hào Quang phát biểu tại hội nghị

Hội nghị phản biện dự án luật được UB Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 22/4. Đây được đánh giá là dự luật quan trọng đã được Quốc hội cho ý kiến tại 2 kỳ họp vừa qua và dự kiến xem xét, thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới. Tuy nhiên đến nay, dự thảo luật còn nhiều ý kiến khác nhau.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Vũ Hào Quang - Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, UB Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định, luật Giáo dục chưa đề cập được gì đến việc ngăn chặn gian lận thi cử trong thời đại 4.0, trong khi gian lận thi cử năm 2018 là một thực tế nhức nhối.

Theo ông, nếu không có chế tài để xử lý thì không thể giải quyết được tình trạng này.

Ông Quang dẫn chứng, dư luận hiện rất bức xúc về gian lận thi THPT quốc gia nhưng khi viện dẫn luật thì khó xử lý, nhiều cán bộ, thí sinh vẫn “nhởn nhơ”. Ông nhấn mạnh, cần có chế tài, xử nghiêm trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nâng điểm, nâng hạnh kiểm.

Cùng quan điểm, GS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, luật Giáo dục là “luật mẹ” với hệ thống giáo dục, cần bao quát đầy đủ các vấn đề. Đặc biệt, Luật phải điều chỉnh được những vấn đề mà dư luận đang bức xúc như bạo lực học đường, gian lận thi cử...

“Đề nghị sớm có kết luận về các trường hợp phụ huynh chạy điểm cho con” - bà Phí Thị Liễu, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Quyết Tâm bày tỏ sự day dứt, buồn đến mất ăn, ngủ về vụ việc xảy ra với ngành, dù ngôi trường của mình không liên quan vụ việc.

Gian lận thi nghiêm trọng mà khó xử lý, cán bộ sai phạm vẫn… nhởn nhơ? - 2

TS Nguyễn Viết Chức nguyên là Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, hiện là uỷ viên Hội đồng tư vấn về văn hoá, xã hội của UB Trung ương MTTQ Việt Nam

TS.Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội đánh giá, dự thảo luật Giáo dục sửa đổi lần này xây dựng công phu, có tính bao quát.

Tuy nhiên, để khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay cần đặc biệt lưu ý vấn đề quản lý giáo dục. Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều cán bộ giáo dục vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện những hành vi trái pháp luật. Vì vậy, luật quy định về quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục một cách cụ thể, chi tiết không nên viết chung chung như Nghị quyết, mà phải ghi rõ quyền được làm gì, trách nhiệm đến đâu.

Từ đó, ông Chức đề nghị quy định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn nào thì được làm cán bộ quản lý giáo dục. “Làm thầy đã khó, làm nhà quản lý lĩnh vực giáo dục càng khó hơn. Không phải cứ con ông nọ, em ông kia đưa lên làm quản lý giáo dục. Cái máy đào tạo ra con người mà chọn không ra gì thì hỏng”, ông Chức nêu quan điểm.

Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục cũng chưa yên tâm với định hướng phân luồng, đánh giá chất lượng, tổ chức thi cử như quy định trong dự thảo luật. Ông lập luận, vì định hướng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học chưa rõ nên người học và gia đình không biết đi đâu, đành xác định cứ “tiến lên hàng đầu” là thi đại học đã. Trong khi thực tế, chuyện thi cử đã bộc lộ sự thiếu hợp lý, tiêu cực, khủng hoảng cả xã hội.

“2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học có mục đích, tính chất khác nhau mà tổ chức theo hình thức “2 trong 1” nên bộc lộ những bất cập. Luật cần cân nhắc đến cả vấn đề đó” - ông Chức phân tích.

Giáo dục phổ thông sao phải “đeo bám” 12 năm?

 

Đề cập đến chương trình giáo dục phổ thông, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức thẳng thắn đánh giá, hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm của chúng ta là "vô cùng bất cập và lạc hậu".

 

Trẻ em ngày nay có điều kiện thuận lợi để phát triển về cả thể chất lẫn trí tuệ, đó chính là cơ sở để nghiên cứu rút ngắn chương trình học.

 

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức dẫn chứng trước đây, giáo dục phổ thông của chúng ta có thời kỳ chỉ kéo dài 9 hoặc 10 năm, nhưng sau đó chúng ta kéo dài tới 12 năm mà học sinh cũng không giỏi hơn.

 

“Nếu chúng ta rút ngắn một năm xuống chỉ còn 11 năm thì sẽ có lợi biết bao nhiêu cho đất nước, giảm cả về chi phí, nguồn lực và tạo cơ hội cho các em sớm xây dựng đất nước. Tại sao cứ phải khư khư giữ 12 năm?” - ông Chức đặt vấn đề.

 

Ông đề nghị nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế xem có bao nhiêu nước có chương trình phổ thông 12 năm, bao nhiêu nước có 11 năm để thấy được hệ thống giáo dục phổ thông của chúng ta đã phù hợp hay chưa.

 

Giải thích thêm đề xuất này, ông cho biết một số nước trên thế giới quy định chương trình phổ thông 11 năm, và năm cuối cùng là năm dự bị để chuyển tiếp vào đại học.

 

Ông nói thêm, phải tuân thủ triết lý “học suốt đời” chứ đừng quan niệm học 12 năm phải biết hết mọi vấn đề, tránh tình trạng nhồi nhét kiến thức, gây quá tải cho học sinh.

 

P. Thảo