Nghệ An:

Gian nan “ươm chữ” trên đỉnh núi và ước mơ những phòng học khang trang

(Dân trí) - Những điểm trường nằm chót vót trên lưng chừng núi, trường được lợp bằng tranh và che phủ bằng các tấm vách đơn sơ. Nhiều năm nay thầy trò tại điểm trường Nhọt Nhoóng, xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong (Nghệ An) phải ăn học trong điều kiện muôn vàn khó khăn.

dsc03846

Ở đây các em phải học tạm dưới mái lớp nhà tranh vách nứa tạm bợ

Chúng tôi có mặt tại điểm trưởng lẻ Mầm Non và Tiểu học của xã Nhọt Nhoóng, huyện Quế Phong (Nghệ An) vào những ngày đầu năm học 2017 khi tiết trời thu đang se lạnh. Trời đã mịt mù sương, mùa mưa đang giăng kín .

Nằm cuối bản của xã Nậm Nhoóng, con đường vào điểm trường gặp rất nhiều khó khăn. Từ trung tâm xã phải mất hơn một giờ đi bộ, lội qua nhiều khe suối.

Hai điểm trường lẻ ở Nhọt Nhoóng nằm cách xa nhất của trung tâm ủy ban xã khoảng 20km. Tại đây để “ươm chữ” cho các em thì thầy cô phải cắm bản vì việc đi lại gặp nhiều khó khăn nhất là vào mùa mưa.

dsc03825

Để đến trường thầy cô đã phải vượt qua rất nhiều khe suối

Hai điểm trường Mầm non và Tiểu học chỉ có 44 học sinh và 5 cô giáo (trong đó, trường Mầm non có 17 học sinh và 2 cô giáo, trường Tiểu học có 27 học sinh và 3 cô giáo).

“Khí hậu nơi đây khá khắc nghiệt, nhất là vào mùa đông gió rét buốt. Hiện hai điểm trường lẻ này vẫn đang là trường tranh tre nứa lá.

Chúng tôi cũng đã mấy lần làm đơn để xin xây dựng phòng học mới để các em có nơi học tập tốt hơn nhưng điều kiện huyện còn gặp nhiều khó khăn", ông Vi Văn Tình - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Nhoóng chia sẻ.

Vì đường đi lại khó khăn nên các cô giáo phải vài tháng mới về thăm nhà được một lần. Để cải thiện bữa ăn hàng ngày tại nơi ở tại điểm trường, các giáo viên phải tận dụng thời gian nghỉ để trồng rau tăng gia thực phẩm.

dsc03867

Vì không thường xuyên ra trung tâm mua thực phẩm nên các cô phải ăn cơm với măng rừng

Khó khăn là vậy nhưng với tình yêu nghề, thực hiện nhiệm vụ “ươm chữ” đến cho học sinh đồng bào, các cô nơi đây vẫn khắc phục vượt qua mọi rào cản. Mỗi dòng chữ đến được với các em học sinh là cả một tâm huyết cháy bỏng của các cô.

Cô Võ Thị Kim Dần - Hiệu trưởng trường Mầm non tâm sự: “Trong 17 em học sinh thì có đến 16 là gia đình thuộc nghèo, còn một em thì cận nghèo. Ở lớp học Mầm non có hai cô cắm bản vừa dạy học vừa lo cho các cháu ăn, ngủ mặc dù là không tổ chức bán trú được nhưng các cô thay bố, mẹ lo cho các em vì quãng đường đi học khá xa”.

dsc03858

Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng với tâm huyết nghề, các cô phải thường xuyên cắm bản đrr lo chữ cho các em

Cũng như điểm trường Mầm non, thì Trường Tiểu học có 27 em và 3 cô giáo. Bước vào năm học mới, các cô phải vào bản đến tận nhà vận động các cháu đến trường để kiếm chữ.

“Khổ lắm chú ơi! Ở nơi đây chuyện các em bỏ học là điều bình thường, đặc biệt khi vào vụ măng hay mùa rẫy. Các em phải theo gia đình vào rẫy để giúp bố đi làm rẫy, hay lên rừng hái măng để phụ giúp gia đình. Cuộc sống khốn khó khiến cho con chữ ở mảnh đất này quá khó khăn ", cô giáo Hà chia sẻ.

dsc03847

Các em đã quen với những bữa cơm đạm bạc

Ngoài chuyên môn giảng dạy, các thầy cô còn phải phân công nhau ngoài giờ lên lớp để đi đến từng hộ gia đình vận động các em học sinh đi học lại. Có những thời điểm lán trại của gia đình các em ở sâu trong rừng thầy cô phải lội bộ cả ngày đường để đi tìm học sinh.

Việc lội bộ đi tìm học sinh là cái chuyện thường ngày ở bản, nhưng đó chưa phải là khó khăn lớn nhất mà các giáo viên đang công tác tại đây gặp phải. Khó khăn nhất là những lúc trời ở đây đổ mưa thì sương mù dày đặc, những lúc như thế trong phòng học không nơi nào khỏi ướt. Các em học sinh cũng không thể mở sách ra để học bài vì sợ sách vở bị ướt. Những lớp học cũ kỹ, không cửa chắn, mái che bị dột nát, xuống cấp nghiêm trọng không còn đủ sức để che chở giấc ngủ cho các cháu.

dsc03853

Giấc ngủ của các em luôn bị đánh thức khi trời mưa

Căn phòng ở của các cô giáo cắm bản cũng chung với các phòng học để tiện cho việc ăn ở, đi lại nhưng nhìn cũng mong manh quá. Những tấm tôn, fibro xi măng đã cũ nát nên mỗi khi trời mưa từ việc dạy học hay giấc ngủ của cô trò cũng bị đánh thức vì thời tiết.

Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch huyện Quế Phong cho biết: “Huyện Quế Phong là huyện miền núi, đời sống của bà con nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của các cháu. Năm vừa qua tại điểm Trường Tiểu học Pà Khốm, Tri Lễ 2 - báo Dân trí đồng hành với Tổ chức Shinnyo-en (Nhật Bản), đã xây dựng được 5 phòng học. Huyện cảm thấy rất vui mừng, cám ơn sâu sắc đến các nhà hảo tâm và bạn đọc báo Dân trí, hi vọng báo sẽ còn tiếp tục đồng hành để xây dựng cho các em nơi đây nhiều phòng học hơn nữa”.

dsc03880

Vào mùa mưa bão, lớp học phải dùng cây để chống đỡ

dsc03878

Để đến trường, các em phải vượt 5 -8 km đường rừng

Ở đây hàng tuần các thầy cô phải ra phía trung tâm xã mua đủ các thực phẩm dự trữ trong một tuần rồi lại trở vào điểm trường để tiếp tục công việc của mình. Một điểm khó khăn nữa là việc thiếu nước sinh hoạt cũng ảnh hưởng không ít đến cuộc sống của thầy và trò nơi đây.

Nhọt Nhoóng là một trong những bản khó khăn nhất của huyện Quế Phong. Đến đây mới thấu hiểu được cuộc sống của đồng bào nơi đây, việc duy trì con chữ ở đây đang phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó cơ sở vật chất, hạ tầng là một trong những điều quan trọng để giúp con em ăn học lâu dài.

dsc03838

Các em hi vọng vào một ngày không xa, những mái lớp khang trang sẽ được thực hiện

Lúc này các thầy cô giáo, các em học sinh hằng ngày đang cố gắng bám trường, bám lớp để gieo vào đầu các em những con chữ nhưng đó là cũng một quá trình gian truân.

Hơn bao giờ hết Nhọt Nhoóng đang cần sự chung tay của nhiều người, những tấm lòng hảo tâm để các em, các cô tiếp bước chặng đường vì tương lai. Hi vọng ước mơ những phòng học khang trang, sạch sẽ hơn sẽ được thực hiện để các cô, các em không còn nơm nớp học dưới những chiếc phòng học bằng tranh nứa ..

Nguyễn Tú

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục