Giáo dục 2005: 7 “mốc” buồn!

(Dân trí) - 1. Tiếp tục bó tay trước căn bệnh thành tích, với biểu hiện điển hình là tỉnh Khánh Hoà đề nghị xin được...thi lại tốt nghiệp THCS vòng 2 vì tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh chỉ đạt 64,15%! May mắn thay vì cuối cùng, đề nghị này cũng đã bị Bộ GD-ĐT bác bỏ.

2. Bùng nổ sự phản kháng một cách vô tổ chức, vô kỷ luật của học sinh

 

Tại kỳ thi HS giỏi các lớp không chuyên của Hà Nội, tổ chức giữa tháng 3/2005, học sinh Nguyễn Phi Thanh (trường THPT Việt Đức) đã viết một bài thuyết trình hoàn toàn lạc đề khi tập trung vào việc chỉ trích việc dạy và học văn trong nhà trường hiện nay.

 

Nối tiếp hiện tượng này, không lâu sau đó, học sinh Nguyễn Thị Hiền (trường Lê Viết Thuật, Nghệ An) viết thư gửi tới Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị bỏ điểm thưởng kèm theo lời tố cáo những người bạn trong lớp đỗ đại học nhờ điểm thưởng.

 

Ngoài ra, còn một số lá thư khác của học sinh không nêu đích danh gứi tới lãnh đạo Bộ nêu lên những việc tương tự như oan ức của việc thi học sinh giỏi quốc gia...

 

3. Tuyển sinh ĐH 2005 - những dấu hiệu đầy bất ổn

 

Trong môn thi ĐH Lịch sử, có tới gần 60% thí sinh chỉ được 1 điểm, số thí sinh đạt từ 5 trở lên vẻn vẹn 9,73%.

 

Bên cạnh đó, “cơn mưa” điểm 10 tại các trường đại học cũng lại trở thành một dấu hiệu buồn khi để lộ rõ sự bất cập trong việc ra đề thi chưa phân hoá được học sinh. Vì sự chưa phân hoá này, nhiều thí sinh dã trượt oan và nhiều thí sinh đành “nhắm mắt đưa chân” khi chọn con đường học “vớt” trong các trường công lập với cái giá học phí của dân lập!

 

4. "Phá sản" Đề án tăng học phí

 

Mặc dù được chuẩn bị từ hơn 3 năm nay nhưng cuối cùng, Đề án tăng học phí vẫn rơi vào ngõ cụt khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT buộc phải công bố rút lại đề án. Thiếu những giải pháp đồng bộ, mơ hồ trong việc thuyết minh về cung cách sử dụng tổng thể kinh phí đầu tư cho giáo dục, không thống nhất trong việc triển khai thực hiện khi mỗi vụ chức năng chủ trì một đề án theo kiểu đường ai nấy đi, sự phá sản của Đề án là một hệ quả tất yếu.

 

5. Phân ban trung học phổ thông tiếp tục bị dư luận phản đối

 

Tại hội nghị Giám đốc Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT đưa ra 3 phương án phân ban, sau đó chọn phương án 3 để trình Chính phủ. Đến tháng 12, lại lựa chọn hai phương án khác để thay thế, còn phương án 3 thì... chẳng để làm gì!

 

Rõ ràng, trước một vấn đề hệ trọng của giáo dục phổ thông nhưng Bộ chủ quản lại khá lùng nhùng trong việc lựa chọn phương án và vì thế, như đã cách đây 13 năm, phương án phân ban tiếp tục bị dư luận phản đối và phản đối ngày càng dữ dội.

 

6. Bế tắc việc giảm tải tiểu học

 

Trong hội nghị triển khai năm học mới 2005-2006, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã tuyên bố dứt khoát phải trả lại tuổi thơ cho các cháu bằng cách giảm ngay lập tức 15% chương trình tiểu học. Tuy nhiên, đã quá nửa năm trôi qua nhưng việc giảm tải vẫn chỉ nằm trên giấy khi Bộ thì chờ địa phương tổng kết thực tiễn để có hướng dẫn và địa phương thì chờ lại...Bộ ra văn bản hướng dẫn mới làm!

 

7. Sàng lọc giáo viên- “phát súng” bất thành

 

Năm 2005, Bộ GD - ĐT chính thức trình Chính phủ Đề án sàn lọc giáo viên. Theo khẳng định của Bộ trưởng, công việc này sẽ được hoàn thành trong vòng 2, 3 năm. Những giáo viên không thể tự nâng cao trình độ để đáp ứng chuẩn sẽ được điều chuyển sang công việc khác. Thống kê của ngành cho thấy sẽ có khoảng 8 vạn giáo viên nằm trong diện này.

 

Tuy nhiên, “phát súng” này của ngành giáo dục gần như đã “rơi tõm” vào yên lặng khi gần như không thể giải toả được hai vấn đề là không đủ kinh phí để thực hiện (mặc dù dự trù kinh phí đã lên tới 18 nghìn tỷ đồng) và vấn đề là giải quyết thể nào cho hợp tình khi đa số các giáo viên này lại chính là những người từng gắn bó với ngành trong những thời điểm khó khăn nhất

 

 

Mai Minh - Hồng Hạnh

(tổng hợp)