Giáo dục đang bắt trẻ chạy theo “hiệu suất” điểm 10

(Dân trí) - Mỗi đứa trẻ có một hiệu suất khác nhau và giáo dục là làm sao để đứa trẻ tiến đến gần nhất hiệu suất của mình. Nhưng giáo dục của chúng ta đang bắt đứa trẻ chạy theo hiệu suất cao nhất mà người khác đưa ra, hiệu suất điểm 10.

TS Nguyễn Đông Hải, giảng viên khoa Vật lý, Đại học Creighton (Mỹ) có những chia sẻ bổ ích với nhiều giáo viên, phụ huynh tại chương trình Nuôi dạy con từ trò chơi khoa học do Hội quán Các Bà Mẹ tổ chức diễn ra tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TPHCM vào ngày cuối năm 31/12.

Dạy khoa học cũng là dạy đạo lý

Theo thầy Hải mục tiêu của giáo dục là hoàn thiện về nhân cách cho con người, nó bao gồm tri thức và đạo đức. Nhưng giáo dục của chúng ta đang tập trung nhiều vào dạy kiến thức. Ngay các môn khoa học, các sự vật, hiện tượng trong đời sống đều có thể dạy các em các đức tính, đạo lý làm người.

TS Nguyễn Đông Hải cho rằng giáo dục của ta đang bắt đứa trẻ chạy theo hiệu suất người lớn đưa ra chứ chưa giúp đứa trẻ đến gần nhất với năng lực, hiệu suất của mình
TS Nguyễn Đông Hải cho rằng giáo dục của ta đang bắt đứa trẻ chạy theo hiệu suất người lớn đưa ra chứ chưa giúp đứa trẻ đến gần nhất với năng lực, hiệu suất của mình

Ông đưa ra ví dụ như trò thả diều, muốn diều bay lên cao phải chạy ngược gió. Chạy ngược thì rất khó, đòi hỏi nhiều sức. Qua đó, để chuyển tải cho trẻ, cuộc sống có thuận lợi và khó khăn. Chính những nghịch cảnh, khó khăn, chông gai, thất bại… mới là thứ giúp ta trưởng thành để nỗ lực vượt qua.

“Giáo viên vẫn đang chú trọng đến dạy kiến thức cho học sinh nhiều hơn là dạy kỹ năng học, kỹ năng tư duy, phản biện vấn đề. Mà điều này cũng dễ hiểu khi mà người dạy và người học cùng phải chạy theo mục tiêu thi cử”, TS Nguyễn Đông Hải

TS Hải kết nối giữa kiến thức vật lý về Động cơ nhiệt để phản ánh việc giáo dục của chúng ta đang bắt đứa trẻ chạy theo hiệu suất cao nhất mà người khác đưa ra. Cụ thể là điểm 10 mà không dựa vào hiệu suất của chính đứa trẻ.

Trong khi, mỗi đứa trẻ sinh ra đã được mặc định một hiệu suất nhất định với các khả năng, lĩnh vực khác nhau xuất phát từ di truyền, môi trường, điều kiện, năng lực…

“Giáo dục là để giúp đứa trẻ tiến tới gần nhất hiệu suất của bản thân, phát triển năng lực cao nhất của mình. Giúp họ tốt hơn chính họ ngày hôm qua chứ không phải tiến tới chuẩn người khác đặt ra, tiến tới điểm 10 hay để giống đứa trẻ khác. Giống như mỗi động cơ nhiệt có hiệu suất tối đa khác nhau và tiến tới hiệu suất đó chứ không phải để đạt 100%”, ông Hải nói.

Đưa trẻ con ra thi thố chỉ để thỏa mãn cái tôi bố mẹ

Con gái của TS Nguyễn Đông Hải đang theo học lớp 1 tại Mỹ. Ở đó, không có điểm số để so sánh trẻ này với trẻ khác. Nếu các em hoàn thành các công việc ở lớp thì cô sẽ tặng ngôi sao, còn chưa hoàn thành thì không có ngôi sao. Con đi học về, bố mẹ hỏi hôm nay ở trường làm gì thì cháu luôn trả lời: Play (chơi).

Các bé được tiếp cận với tất cả mọi thứ như âm nhạc, vẽ, múa, thể thao… Từ đó, giáo viên sẽ quan sát về thiên hướng của từng bé và trao đổi với phụ huynh để cùng tìm cách phát triển khả năng của bé.

Người lớn có thể vừa dạy tri thức lẫn đạo lý cho trẻ thông qua các môn khoa học, các trò chơi, hiện tượng trong cuộc sống
Người lớn có thể vừa dạy tri thức lẫn đạo lý cho trẻ thông qua các môn khoa học, các trò chơi, hiện tượng trong cuộc sống

“Ngay cả khi nhà trường không tổ chức hoạt động thuộc về thiên hướng của đứa trẻ, phụ huynh có thể đề nghị nhà trường mời thầy về mở lớp để dạy cho bé. Và nhà trường phải làm điều này, phụ huynh không phải đóng thêm học phí gì hết”, TS Nguyễn Đông Hải kể.

Nói về các sân chơi, các hoạt động bên ngoài nhà trường dành cho trẻ ở Việt Nam nở rộ, TS Nguyễn Đông Hải cho rằng vì nhà trường đang nặng dạy kiến thức, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động vui chơi, phát triển khả năng của con trẻ. Điều nguy hiểm là nhiều trung tâm, hoạt động đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết, đánh giá khả năng của đứa bé không dựa trên cơ sở khoa học nào.

Ông bày tỏ rằng, cuộc thi nhí nhiều quá, hầu như người lớn có cuộc thi nào thì trẻ em có cái đó. Bản thân ông cực kỳ phản đối việc này. Tuổi của con nít không phải để lên sân khấu để thể hiện, để so sánh, không phải để được học về sự hơn thua, tranh chấp, mà tuổi của các em là tuổi để chơi. Con có khả năng, năng khiếu thì tạo điều kiện để con phát triển thiên hướng, sống với đam mê chứ không phải để thi thố.

TS Nguyễn Đông Hải nêu quan điểm: “Việc đưa con trẻ lên sân khấu để mua vui, để thi thố dường như là cách thể hiện cái tôi của ba mẹ. Nhiều phụ huynh thích điều đó mà không biết có thể ảnh hưởng đến nhân cách con trẻ khi các em phải “diễn” quá sớm”.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)