Giáo dục Montessori: Để trẻ tự dẫn đường

(Dân trí) - Xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng năm 2003 và không ngừng thu hút sự quan tâm của các bậc cha mẹ có con từ 0 - 6 tuổi, Montessori đã trở thành từ khóa vô cùng “hot” trong cộng đồng giáo dục trẻ em trong tuổi mầm non. Không chỉ tạo ra những đứa trẻ độc lập, chủ động, tự khám phá - tự sửa sai để lĩnh hội kiến thức và rèn luyện kỹ năng, phương pháp Montessori còn thổi bùng mong muốn học tập để trở thành cha mẹ tốt của rất nhiều phụ huynh.

Là phương pháp giáo dục trẻ em được hình thành dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori (1870 - 1952), Montessori tập trung vào tiến trình giáo dục đặc biệt dựa vào việc học qua cảm giác. Với phương châm “giáo dục là để hỗ trợ cuộc sống”, Montessori chấp nhận sở thích, cá tính riêng của từng đứa trẻ, cho phép trẻ phát triển tuỳ theo khả năng và thời gian riêng của mình. Điều này hoàn toàn khác so với các phương pháp giáo dục trước đây, thậm chí cả hiện nay.

“Casa Dei Bambini”: Ngôi nhà của Trẻ em

Maria Montessori bắt đầu sự nghiệp là nhà giáo dục của mình vào năm 1907 tại một “ngôi trường” với tên gọi “Casa Dei Bambini” (Ngôi nhà của Trẻ em) trong khu tái định cư ổ chuột khu vực San Lorenzo, Ý. Tại đây, bà đã quan sát thấy rằng trẻ em hoàn toàn bị cuốn hút bởi các vật dụng và chất liệu được thiết kế để trợ giúp sự cảm nhận của giác quan. Ban đầu, những đứa trẻ rất phá phách và vô kỷ luật, nhưng chúng dần “bị thuyết phục” bởi chính sự tôn trọng mà bà dành cho chúng, đúng như cách bà từng thừa nhận “Chính trẻ là người dạy tôi. Tôi học từ trẻ nhiều hơn trẻ học từ tôi”.

Điều gì đã khiến cho những đứa trẻ “vô kỷ luật” ở khu ổ chuột nghèo nhất Roma trở thành những đứa trẻ ham học hỏi, chủ động khám phá, và đặc biệt là tự kỷ luật trong một môi trường giáo dục được trao rất nhiều quyền tự do của “Casa Dei Bambini”?

Thật thú vị khi lý do chính là bởi Montessori đi ngược lại với tất cả những nguyên tắc của giáo dục truyền thống dựa trên kỷ luật ép buộc; đi ngược lại cách dạy học của giáo viên trong lớp học truyền thống với lối truyền đạt kiến thức (đa phần là học thuật) một chiều; đi ngược lại cái gọi là nề nếp cứng nhắc về không gian, thời gian, lẫn nội dung chương trình…

Mọi rào cản hay nguyên tắc đều bị phá bỏ, trong lớp học Montessori, mỗi một đứa trẻ đều được tự quyết định bài học của chính mình, học cái gì, bao nhiêu lâu với tốc độ như thế nào… Trẻ là trung tâm, là người dẫn dắt; giáo viên là người hỗ trợ, quan sát trẻ để phát hiện ra nhu cầu học tập của trẻ, chứ không phải trẻ cần quan sát giáo viên.


Montessori xây dựng nền tảng cơ bản cho trẻ từ 0 - 6 tuổi, giai đoạn trẻ có sự phát triển nhanh về não bộ, khả năng tiếp thu và học hỏi kiến thức mạnh nhất.

Montessori xây dựng nền tảng cơ bản cho trẻ từ 0 - 6 tuổi, giai đoạn trẻ có sự phát triển nhanh về não bộ, khả năng tiếp thu và học hỏi kiến thức mạnh nhất.

Montessori luôn tâm niệm “Tiêu chí để đánh giá một quá trình giáo dục có đúng đắn hay không là hãy xem đứa trẻ có hạnh phúc hay không”. Mà đối với một đứa trẻ có nơi nào trên thế giới thân thuộc, thoải mái như chính ngôi nhà của mình? Đó cũng là lý do mà “trường học” của bà chính là “ngôi nhà thứ hai” của trẻ. Ở đó, các đồ vật được thiết kế với kích thước nhỏ xinh vừa với trẻ, dành riêng cho trẻ. Trẻ được tự học cách chăm sóc bản thân từ việc nhỏ nhất như: rửa tay, thay quần áo, sắp xếp đồ dùng - giáo cụ ngăn nắp, gọn gàng… thay vì nhờ người lớn làm giúp. Quan trọng hơn cả, Montessori trân trọng trao quyền tự do cho trẻ trong ngôi nhà đó; khiến trẻ thoải mái và hạnh phúc khi được tự do đi theo “chỉ dẫn” của “người thầy bí mật” bên trong mình.

Lớp học Montessori giống như một “xã hội thu nhỏ”, bởi nó không chia theo từng độ tuổi như lớp học truyền thống, mà trộn lẫn nhiều nhóm tuổi khác nhau; có bạn lớn hơn và có cả các em bé hơn mình; nhờ đó trẻ học cách sống hài hòa và tôn trọng sự khác biệt của những người xung quanh.

Phương pháp Montessori đến Việt Nam

Với lịch sử phát triển 100 năm, phương pháp Montessori đã được nhân rộng ở hơn 110 quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Những ngôi trường mầm non áp dụng phương pháp Montessori đã đáp ứng nhu cầu của một thế hệ bố mẹ mới, sẵn sàng học tập, áp dụng các phương pháp giáo dục sớm cho con.


Giờ học theo phương pháp Montessori đầy hứng khởi của các bé Trường Mầm non Shining Star.

Giờ học theo phương pháp Montessori đầy hứng khởi của các bé Trường Mầm non Shining Star.

Theo Tiến sĩ Tâm lý học Ben Williams (người đã nhiều năm là giám đốc trường mầm non Montessori tại Canada - hiện nay là giám đốc đào tạo của Trường mầm non Shining Star): “Montessori là phương pháp giáo dục trẻ em duy nhất trên thế giới học tập thông qua các giáo cụ trực quan, trong đó trẻ là trung tâm và giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn. Do đó, bên cạnh nguyên tắc “trẻ là người dẫn đường” thì học cụ chuẩn đóng vai trò hết sức quan trọng. Mỗi học cụ chuẩn Montessori quốc tế đều là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng, tính toán đến từng sai số kỹ thuật, để đảm bảo trẻ em có thể khám phá giáo cụ với kết quả thực hành cao nhất, từ đó giúp trẻ tự tin vào những logic mà trí óc và đôi bàn tay trẻ thực hiện được.”


Tiến sĩ Tâm lý học Ben Williams - người đã nhiều năm là giám đốc trường mầm non Montessori tại Canada - hiện nay là giám đốc đào tạo của Trường mầm non Shining Star.

Tiến sĩ Tâm lý học Ben Williams - người đã nhiều năm là giám đốc trường mầm non Montessori tại Canada - hiện nay là giám đốc đào tạo của Trường mầm non Shining Star.

Học tại ngôi trường áp dụng phương pháp Montessori, các em bé ở Shining Star được tìm hiểu về các lĩnh vực: Toán học, Ngôn ngữ, Thực hành cuộc sống, Giác quan, Địa lý, Khoa học, Lịch sử, Nghệ thuật, Âm nhạc, Vận động bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh theo cách tự nhiên nhất. Trẻ lĩnh hội kiến thức thông qua các giáo cụ quy chuẩn được thiết kế riêng biệt dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Đây là tiền đề tốt để phát huy trí thông minh và tiếp nhận kiến thức trong các giai đoạn phát triển sau này.

Chỉ có tự do và tôn trọng mới là điều kiện để trẻ khai mở tối đa tiềm năng của mình mà không cần ai ép buộc”, triết lý giáo dục này của Montessori cũng chính là điều mà Shining Star và như những ai quan tâm đến giáo dục trẻ em luôn hướng tới.